Tin trong nước

Quảng Bình: 94 % số xã đạt tiêu chí điện nông thôn

Thứ tư, 15/11/2017 | 13:48 GMT+7
Thời gian qua, ngành Công Thương Quảng Bình đã tích cực xây dựng các đề án, triển khai nhiều giải pháp và lộ trình phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các xã trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành tiêu chí số 4 (tiêu chí điện nông thôn) trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nỗ lực cải tạo, sửa chữa, nâng cao chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn.
 
Tỉnh Quảng Bình được cấp điện thông qua 2 trạm biến áp 220 kV Đồng Hới, Ba Đồn và 8 trạm biến áp 110 kV gồm: Lệ Thủy, Áng Sơn, Đồng Hới, Tây Bắc Đồng Hới, Ba Đồn, Sông Gianh, Văn Hóa, Hòn La. Nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chí liên quan đến điện, Sở Công Thương đã triển khai lập Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035 - Hợp phần phát triển hệ thống điện 110 kV.
 
Sau khi Hợp phần phát triển hệ thống điện 110 kV được phê duyệt sẽ triển khai Hợp phần phát triển lưới điện trung, hạ áp. Ðây là những căn cứ quan trọng làm cơ sở để ngành điện xây dựng kế hoạch huy động kinh phí và triển khai đầu tư các công trình hạ tầng điện, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống.
 
Riêng năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 15 công trình, dự án do Công ty Điện lực Quảng Bình đầu tư với tổng số vốn 146 tỷ đồng, các dự án phát triển lưới điện phân phối đang được triển khai gồm: Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh do Sở Công Thương làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 40 tỷ đồng, Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư năm 2011 với tổng số vốn 13,7 triệu USD.
 
Đại diện Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, thời gian qua, sở đã chỉ đạo ngành điện triển khai nhiều giải pháp, mô hình quản lý, nâng cấp khác nhau nhằm từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn về lưới điện nông thôn trên địa bàn. Nếu như những năm trước đây, việc cung cấp điện còn thiếu hụt, người dân vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với nguồn điện thì đến nay, toàn tỉnh có 157/159 xã, phường có điện đến trung tâm xã, với hơn 99% số hộ dân được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia.
 
Hiện tại, hệ thống điện phân phối trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh gồm: Lưới điện trung thế có chiều dài khoảng 1.745km với 7 trạm biến áp trung gian, dung lượng 34.000 kVA; đường dây hạ thế có chiều dài 3.084km với 1.240 trạm biến áp phân phối, dung lượng 210.498 kVA.
 
Về công tác quản lý, kinh doanh điện nông thôn, toàn tỉnh có 136 xã tham gia xây dựng NTM; trong đó có 133 xã do ngành điện bán trực tiếp, 1 xã (Quang Phú, TP. Đồng Hới) do các đơn vị ngoài ngành điện bán và 2 xã chưa có điện lưới quốc gia đến trung tâm đó là Tân Trạch và Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Mô hình kinh doanh bán điện đến hộ tiêu thụ của ngành điện có nhiều ưu điểm nên các địa phương thống nhất chuyển giao cho ngành điện quản lý và vận hành.
 
Việc chú trọng đầu tư điện lưới quốc gia về nông thôn đã tạo những thay đổi lớn trong sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tính đến tháng 6/2016, toàn tỉnh có 128/136 xã đạt tiêu chí điện, chiếm 94% số xã và đạt kế hoạch đề ra.

Để góp phần cùng với các cấp, ngành và địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ tỉnh thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia.
 
Theo: Báo Công thương