Hướng dẫn cách sử dụng điện an toàn tại các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản tại Quảng Bình.
Theo ông Lâm Thăng Long - Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Quảng Bình - nguyên nhân chủ yếu gây điện giật là do ổ cắm, đường dây điện trong nhà, các đường dây câu nối của người dân… sử dụng lâu ngày bị tróc vỏ cách điện, gây hở điện chạm vào vật dụng, mái tôn… nên rất dễ bị điện giật dẫn đến cháy nổ và gây thương vong.
Ngoài ra, những vụ tai nạn trong sản xuất do người lao động không tuân thủ nghiêm túc các quy trình kỹ thuật an toàn, thiếu hoặc không sử dụng đúng các dụng cụ bảo hộ lao động… hoặc trong các công trình xây dựng, do chủ quan, bất cẩn trong quá trình tổ chức thi công như vi phạm hành lang an toàn lưới điện, dùng nhiều thiết bị điện làm quá tải, gây chập cháy…
Cũng theo ông Long, những năm qua ở các địa phương như xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Hồng Thủy, Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) do phát triển nhanh diện tích ao nuôi tôm công nghiệp nên hệ thống điện phục vụ tại các cơ sở nuôi trồng còn chắp vá, không đúng tiêu chuẩn… Do vậy, những năm qua đã xảy ra một số vụ tai nạn điện đáng tiếc và thương tâm.
Trước tình hình đó, ngành điện Quảng Bình đã phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai chương trình sử dụng điện an toàn, hiệu quả. Một trong các giải pháp được thực hiện là tăng cường kiểm tra khảo sát thực tế tình hình sử dụng điện để kịp thời phát hiện, hỗ trợ xử lý. Thường xuyên kiểm tra hành lang lưới điện, phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm; phát quang kịp thời không để cây xanh va quệt vào lưới điện; kiểm tra và xử lý các khiếm khuyết, yếu tố gây mất an toàn trên đường dây, trạm biến áp…, nhất là khi mùa mưa bão đã cận kề. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương tổ chức kiểm tra an toàn điện tại các địa phương có diện tích nuôi trồng thủy hải sản lớn.
Đối với các xã nông thôn, miền núi, các điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Quảng Bình thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn theo nội dung Nghị định số 14 về “Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện” và Nghị định 134 về “Quy định hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả”.
Bên cạnh đó, ngành điện Quảng Bình cũng hỗ trợ, hướng dẫn người dân lắp đặt điện an toàn trong nhà và cho nhu cầu sản xuất; vận động các hộ gia đình lắp đặt thiết bị Aptomat chống rò điện. Đến nay đã có gần 100 ngàn khách hàng tại TP. Đồng Hới, huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy… lắp đặt thiết bị Aptomat chống rò điện, đảm bảo an toàn điện cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh; phát hành hơn 11.000 tờ rơi hướng dẫn an toàn và sổ tay hướng dẫn kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện… đến tay người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.