Điện lực Đông Hòa phối hợp chính quyền xã Hòa Tâm tuyên truyền an toàn điện cho người nuôi tôm.
Đơn vị cũng đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn điện cho người dân, nhất là tại các khu vực hồ nuôi tôm.
Năm 2020, từ nguồn vốn đầu tư xây dựng, Điện lực Đông Hòa dành hơn 6,5 tỉ đồng lắp mới 6 trạm biến áp phụ tải 22/0,4kV với tổng công suất 750kVA; hơn 3,8km đường dây 22kV nhằm giải quyết tình trạng đầy tải của một số trạm biến áp. Đơn vị cũng được bổ sung hơn 7,2 tỉ đồng từ nguồn vốn sửa chữa lớn năm 2020 để cải tạo, thay mới hơn 24,1km đường dây hạ áp thuộc 22 trạm biến áp công cộng; sửa chữa, thay thế các xuất tuyến 22kV 474/HH và 474/E22 nhằm chống quá tải lưới điện, nâng cao chất lượng lưới điện trên địa bàn.
Theo ông Phạm Thế Pháp, Giám đốc Điện lực Đông Hòa, đơn vị vừa nghiệm thu, đưa vào sử dụng tuyến đường dây 22kV 3 pha với tổng chiều dài hơn 1,1km nhằm đảm bảo cấp điện cho các vùng nuôi tôm và các dự án lớn ở Khu kinh tế Nam Phú Yên. Đường dây này đồng thời cũng tạo mạch vòng liên lạc với các trạm biến áp 110kV Đèo Cả, Tuy Hòa 2 nhằm đảm bảo cấp điện ổn định cho khu vực TX Đông Hòa, hạn chế tình trạng mất điện kéo dài do ảnh hưởng của mưa bão. Dự án này đi vào hoạt động đã kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải gia tăng, chống quá tải lưới điện; đảm bảo nguồn cấp điện cho các phụ tải quan trọng; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và góp phần giảm tổn thất điện năng cho lưới điện Đông Hòa.
Ngoài ra, Điện lực Đông Hòa đẩy mạnh chỉnh trang lưới điện, chuyển công tơ điện của khách hàng từ lưới cũ sang lưới mới; xây dựng lưới điện hạ áp hai bên đường, xóa bỏ hàng loạt đường dây điện không bảo đảm an toàn trên địa bàn.
Bà Khiều Thị Nhâm, chủ một hồ tôm ở xã Hòa Tâm, cho hay: “Vì công việc làm ăn nên chúng tôi mới phải kéo dây xuống hồ để phục vụ nuôi tôm. Tuy nhiên, do đường xuống hồ không có trụ điện nên mỗi chủ hồ phải mắc tạm dây điện trên cây. Bản thân tôi cũng rất lo lắng về an toàn điện nên chủ động mua các loại dây bọc chất lượng tốt để tránh tổn thất điện cũng như đảm bảo an toàn cho người xung quanh”.
Theo ông Bùi Văn Hùng, cán bộ địa chính xã Hòa Tâm, hiện trên địa bàn có hơn 1.000 hộ dân nuôi tôm, tập trung ở các thôn Phước Lộc, Phước Giang. Các hộ dân tự đầu tư đường dây, kéo điện từ công tơ xuống các hồ nuôi tôm để sử dụng. Với khoảng cách gần nhất khoảng 300m, xa nhất gần 700m, người dân tự kéo đường dây, tận dụng các tường rào, cây cối dọc đường để treo, móc dây điện nên tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, mất an toàn điện. Địa phương thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân không câu móc, kéo dây điện trên khu vực thành hồ, dễ tạo thành những “bẫy” điện, gây nguy hiểm cho những người xung quanh.
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung ứng điện cho các khu vực trọng điểm, việc đảm bảo an toàn điện cũng được ngành Điện lực Đông Hòa đặc biệt quan tâm. Tại các khu vực nuôi tôm, do không đủ điều kiện nên ngành Điện không đầu tư đường dây, trụ điện xuống tận các hồ tôm. Tuy nhiên, đơn vị vẫn đầu tư đường dây, trạm biến áp xuống gần khu vực nuôi tôm để người dân kéo điện xuống hồ nhằm phục vụ sản xuất. Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn; đặc biệt là vào mùa mưa bão”, ông Phạm Thế Pháp, Giám đốc Điện lực Đông Hòa nói.