Theo đó nhiều dự án truyền tải điện được đầu tư phát triển mới để phù hợp định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ngãi. Quy hoạch lưới truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Quyết định số 1456/QĐ-TTg đã nêu rõ, về phương án phát triển nguồn điện: “Tiếp tục thực hiện các dự án đã được quy hoạch trong thời kỳ trước và các dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về điện lực và quy định của pháp luật về đầu tư. Duy trì nguồn phát hiện có; đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối, các nguồn thủy điện có kết hợp thủy lợi...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà”.
Về phương án phát triển lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối Trạm và lưới điện 220kV - 500 kV: “Tiếp tục thực hiện các dự án đã được quy hoạch trong thời kỳ trước và các dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trạm và lưới điện 110 kV: Nâng công suất và xây dựng các trạm biến áp 110kV phù hợp với phương án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ưu tiên phát triển trạm biến áp cho các khu đô thị và dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất. Cải tạo và xây dựng các đường dây điện 110kV đảm bảo cung cấp điện cho các trạm biến 110kV và đảm bảo độ tin cậy vận hành lưới điện N-1. Trạm và lưới điện trung thế: Cải tạo và xây dựng các nhánh rẽ, nhánh chính trung thế đảm bảo cung cấp điện cho các khu dân cư; đầu tư xây dựng các lộ ra trạm 110kV; tăng cường liên kết các mạch vòng tuyến trục trung thế để khai thác hiệu quả các trạm biến áp 110kV; đầu tư các đường dây đấu nối nguồn điện; phát triển lưới điện cho các KCN, CCN các khu dân cư, đô thị và các cơ sở kinh tế xã hội khác trên địa bàn tỉnh”.
Cụ thể về nguồn: Nhà máy điện khí Dung Quất I (750 MW); Nhà máy điện khí Dung Quất II (750 MW); Nhà máy điện khí Dung Quất III (750 MW); Nhiệt điện Khí dư Hòa phát II (300MW); Điện mặt trời Đầm Nước Mặn (40 MW).
Về lưới điện 500kV: Xây mới Trạm biến áp 500kV Dung Quất (900 MVA); Nâng công suất Trạm biến áp 500kV Dốc Sỏi (từ 600MVA lên 1.200 MVA); Xây mới đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi ( mạch 2); Xây mới đường dây 500kV TBKHH Dung Quất - Dốc Sỏi; Xây mới đường dây 500kV TBKHH Dung Quất - Bình Định; Xây mới mạch 2 và cải tạo mạch 1 đường dây 500kV Đà Nẵng - Dốc Sỏi.
Về lưới 220kV: Xây mới Trạm biến áp 220kV Dung Quất 2 (500MVA); Cải tạo nâng công suất trạm biến áp 220kV Dốc Sỏi ( từ 250 lên 500MVA); Xây mới Trạm biến áp 220kV Quảng Ngãi 2 (250MVA) và nhiều dự án lưới truyền tải khác (kèm theo quyết định 1456/QĐ-TTg).
Việc mở rộng, đầu tư phát triển lưới truyền tải điện trên địa bàn tỉnh để đạt được mục tiêu đến năm 2030 đồng bộ với định hướng, tầm nhìn phát triển của đất nước. Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá, tự chủ và thích ứng với những biến động của nền kinh tế của đất nước. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) tập trung. Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển đảo. Đảm bảo định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi phát triển 10 KCN, gồm 06 KCN nằm trong Khu kinh tế Dung Quất và 04 KCN nằm ngoài Khu kinh tế Dung Quất. Bên cạnh các KCN, hệ thống các cụm công nghiệp (CCN) cũng được phát triển mở rộng thêm hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững.