Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ năng lượng để tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề này tại Quy hoạch điện VIII.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về Quy hoạch điện VIII và quy hoạch này có những điểm khác biệt gì so với những quy hoạch cũ, thưa ông?
Viện trưởng Ngô Tuấn Kiệt: Quy hoạch điện VIII khác biệt hoàn toàn so với các quy hoạch trước. Quy hoạch này là đầu tiên thực hiện theo Luật Quy hoạch, triển khai thực hiện với hình thức quy hoạch mở, có những cái tĩnh và những cái động. Quy hoạch điện VIII được chuẩn bị hơn 2 năm, qua 3 - 4 lần thẩm định, cho đến phiên bản thứ 5 năm 2023 thì có nhiều điểm mới, đặc biệt làm rõ những nhu cầu bất biến, những cái tĩnh, phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong mọi trường hợp.
Điểm mới của Quy hoạch điện VIII chủ yếu liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, vì chúng ta biết đến năm 2050, tỷ trọng năng lượng tái tạo lên đến 70%, đáp ứng cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) là đưa phát thải ròng bằng 0. Kịch bản của Quy hoạch điện VIII là có kịch bản rủi ro, tức là khi mà công trình có khả năng chậm tiến độ thì đã tính trước giải pháp cho các công trình đó để đảm bảo chúng ta không thiếu điện.
Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII cũng tính toán rất kỹ đến vấn đề chuyển dịch năng lượng, năng lượng tái tạo phục vụ trong nước, trước hết tự sản tự tiêu, tỷ lệ điện mặt trời phục vụ tự sản tự tiêu sẽ được tăng mạnh trong giai đoạn sắp tới.
Và điểm mới nữa trong Quy hoạch điện VIII là chúng ta sẽ phát triển năng lượng tái tạo để sản xuất điện, không phải để nối lưới mà là để xuất khẩu. Trước chúng ta chỉ nghĩ nhập khẩu điện thôi, nhưng thời gian tới sẽ khai thác nguồn năng lượng dồi dào của nước ta để tiến tới xuất khẩu.
Phóng viên: Trong Quy hoạch điện VIII, sẽ loại bỏ các nguồn điện từ than, khí và tập trung cho năng lượng tái tạo, liệu có thể đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian này không, thưa ông?
Viện trưởng Ngô Tuấn Kiệt: Năng lượng tái tạo nước ta có tiềm năng rất lớn nhưng lại có nhược điểm là phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên. Ban ngày thì có ánh nắng mặt trời, nhưng buổi tối thì không và buộc hệ thống điện cần những nguồn năng lượng để đáp ứng trong thời gian này. Chính vì vậy, việc phát triển nhiệt điện than, nhiệt điện khí vẫn phải tiếp tục.
Tuy nhiên chúng ta cam kết năm 2030 sẽ dừng nhiệt điện than và đến năm 2050 sẽ chuyển đổi toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than sang đốt ammoniac, nhiệt điện khí thì đốt hydro. Mà hydro và amoniac thì ta sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, cho ra hydro xanh và amoniac xanh. Chuyển dịch năng lượng này là một trong những yếu tố cơ bản để đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngoài ra trong Quy hoạch điện VIII đã tính đến các phương án, nguồn điện linh hoạt, nguồn dự trữ và thủy điện tích năng để giải quyết vấn đề thiếu ổn định của năng lượng tái tạo.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Phóng viên: Vậy những vấn đề đặt ra và thách thức để phát triển năng lượng tái tạo thời gian tới là gì? Lưới truyền tải điện có còn là vấn đề lo ngại của các doanh nghiệp khi đầu tư hay không, thưa ông?
Viện trưởng Ngô Tuấn Kiệt: Vấn đề truyền tải điện cũng đã được tính toán trong Quy hoạch điện VIII. Chúng ta sẽ phát triển ở các vùng có tiềm năng năng lượng lớn thì phải có hệ thống đấu nối, truyền tải xương sống và giải quyết bài toán cân đối trong vùng. Hiện nay hệ thống điện đã khác với trước đây với 6 vùng, so với trước đây là 3 vùng và nguyên tắc của Quy hoạch điện VIII là cân đối nguồn và phụ tải theo từng vùng, giảm tối đa truyền tải giữa các vùng.
Trong khi chúng ta có điều kiện kỹ thuật cho phép, nếu cần truyền đi xa thì đã tính đến truyền tải điện 1 chiều cấp điện áp cao để truyền tải nhiều và đảm bảo tính kinh tế.
Phóng viên: Theo ông thì cần làm gì và dành nguồn lực ra sao để thực hiện Quy hoạch điện VIII hiệu quả nhất, đúng mục tiêu đặt ra?
Viện trưởng Ngô Tuấn Kiệt: Trong Quy hoạch điện VIII đã tính đến yếu tố mà các quy hoạch trước chúng ta luôn mắc phải là khả năng huy động tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…. Trong khi hai năm 2019-2020, phát triển nóng điện mặt trời cho thấy nguồn vốn tư nhân đổ vào rất nhiều. Trong Quy hoạch điện VIII chúng ta sẽ tính đến phương án để huy động nguồn vốn, kể cả nguồn tài trợ quốc tế cho phát triển năng lượng tái tạo; trong đó có đấu thầu, các nhà đầu tư nào có năng lực tài chính, kỹ thuật cho phép thì có thể tham gia, không còn cơ chế xin – cho như trước. Bây giờ vấn đề là doanh nghiệp phải có năng lực.
Bộ Công Thương phải có kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII vì đây là quy hoạch mở nên phải lập kế hoạch 5 năm, khác với trước đây chúng ta cứ phê duyệt, bổ sung từng dự án một và có phân cấp quản lý để các bộ, ngành, địa phương tham gia vào quá trình triển khai thực hiện quy hoạch để không bị chậm tiến độ.
Phóng viên: Ông có khuyến nghị gì với Bộ Công Thương, các bộ, ngành và địa phương để triển khai sớm Quy hoạch điện VIII?
Viện trưởng Ngô Tuấn Kiệt: Vấn đề ở đây là đất, sử dụng đất rừng, diện tích biển… Vì phát triển năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn đất rất lớn, đặc biệt nếu phát triển mạnh điện gió ngoài khơi thì vùng biển cũng rất cần quan tâm mà chúng ta chưa có quy hoạch không gian biển quốc gia. Hiện đây đang là những bài toán cần xem xét đánh giá.
Chính phủ và Bộ Công Thương cần nhanh chóng đưa ra các cơ chế, chính sách như giá mua điện linh hoạt, từ nguồn điện này là bao nhiêu, nguồn điện kia là bao nhiêu để các nhà đầu tư họ tự tính toán khả năng lợi nhuận có thể thu được nhằm tham gia đầu tư phát triển hệ thống điện tại Việt Nam.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
(Còn tiếp)
Bài cuối: Sớm hiện thực hoá mục tiêu Net Zero