Niềm vui của người dân Cô Tô khi đón dòng điện lưới quốc gia
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, Quảng Ninh đã tích cực đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện nông thôn, miền núi. Đến nay, nhiều hệ thống lưới điện nông thôn của tỉnh đã được xây dựng, cải tạo góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Ông Phạm Quang Thái - Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - cho biết: Năm 2009, thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn, Công ty Điện lực (PC) Quảng Ninh đã bàn giao cho khách hàng 88.821 với 267 km đường dây trung áp, 65 TBA/7.575KVA, 1.634 km đường dây hạ áp. Tổng giá trị 61,28 tỷ đồng/85 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Giai đoạn 2011 - 2012, PC Quảng Ninh đã đầu tư 426 tỷ đồng cho dự án điện nông thôn. Ngoài ra, hoàn thành nhiều dự án quan trọng như: Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, vốn đầu tư 1.107 tỷ đồng (tháng 10/2013); Dự án đưa điện lưới quốc gia đến các xã đảo huyện Vân Đồn 200,6 tỷ đồng (tháng 1/2015); Dự án DEP II (WB); Dự án chống quá tải điện; Dự án KFW2 vay vốn Ngân hàng tái thiết Đức... Tính đến tháng 6/2017 đã có 97,9% xã đạt tiêu chí NTM về điện.
Thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương triển khai lập dự án đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2014 - 2015. Theo đó, dự án được thực hiện với cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư 85% từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, 15% từ nguồn ngân sách địa phương. Các dự án gồm: Cấp điện ra đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà và đảo Trần, huyện Cô Tô. Hiện đã triển khai giai đoạn I (cấp diện ra đảo Cái Chiên huyện Hải Hà) gồm: xây dựng mới 30,43 km trung áp, 3 trạm biến áp 460kVA, 11,913 km đường dây hạ áp 0,4kV và 37 công tơ đo đếm điện. Tổng mức đầu tư 197,82 tỷ đồng.
Về cấp điện cho các hộ dân khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, Sở Công Thương Quảng Ninh đã rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, tham mưu UBND tỉnh. Hiện, HĐND tỉnh đã đồng ý triển khai dự án bằng nguồn ngân sách tỉnh (55 tỷ đồng).
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phạm Quang Thái cho hay, do đặc thù địa hình của tỉnh kéo dài, người dân sống rải rác không tập trung dẫn đến suất đầu tư và tổng mức đầu tư dự án lớn, một số hộ dân chưa được cấp điện, đặc biệt là các hộ dân sống ở các khu vực thôn, bản. Để đẩy nhanh phát triển lưới điện nông thôn, Sở Công Thương Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bố trí nguồn vốn để Quảng Ninh sớm thực hiện và hoàn thành mục tiêu đầu tư hệ thống lưới điện nông thôn miền núi theo Quyết định 2081/QĐ-TTg.