Thông tin đầu tư

Quảng Trị: Năng lượng sống mới

Chủ nhật, 14/2/2021 | 21:09 GMT+7
Để biến những bất lợi, khó khăn thành tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn theo đúng chủ trương xuyên suốt đã xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020 và tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, Quảng Trị cần có những nỗ lực phi thường.
 
Cánh đồng điện gió - nguồn tài nguyên sạch và bền vững của Quảng Trị.
 
Niềm hy vọng
 
Cuối năm 2020, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tiếp cận một nhân vật khá đặc biệt: Paolo Scaroni, Tổng Giám đốc Tập đoàn năng lượng dầu khí ENI, một trong 10 tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam, tên tuổi đối tác đến từ Italy còn khá mới, nếu so với Nga, Mỹ, Anh… Nhưng, tôi có niềm tin rằng, họ gắn với một trong những thành công nổi bật nhất trong tiến trình hội nhập, phát triển của đất nước đầu thế kỷ này.
 
Câu chuyện bắt đầu từ ngày 21/1/2013, tại Roma, Italy: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Năng lượng dầu khí ENI ký biên bản ghi nhớ hợp tác trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Italy Giorgio Napolitano. Bảy năm kể từ ngày ký kết biên bản ghi nhớ, gần như không có thông tin gì đáng kể về hoạt động của ENI tại Việt Nam. Thế nhưng, vô cùng sửng sốt, tháng 7/2020, văn phòng điều hành ENI Vietnam B.V công bố: Phát hiện mỏ dầu khí Kèn Bầu, trữ lượng lớn nhất lịch sử Việt Nam, cách đất liền Quảng Trị 65 km.
 
Với thông tin về mỏ Kèn Bầu, ENI được nhắc đến trong hầu hết các cuộc họp của các nhà hoạch định, đầu tư, kinh doanh, gợi mở hàng loạt chương trình, dự án - những đường ống dẫn, những nhà máy, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, cảng biển, dịch vụ hậu cần, logictics…
 
Với riêng tỉnh Quảng Trị, thậm chí còn hơn cả gợi ý chuyện làm ăn, trở thành niềm hy vọng.
 
Chúng tôi tiếp cận Paolo Scaroni khi ông đến Việt Nam ngay sau sự kiện phát hiện trữ lượng khổng lồ của mỏ Kèn Bầu. Do điều kiện khách quan cấp bách, nội dung làm việc vẫn chưa thể tiến xa hơn những ý tưởng ban đầu. Nhưng Paolo Scaroni đã lắng nghe chăm chú. Ông ghi nhận phản ứng chủ động của tỉnh Quảng Trị trước những thông tin về mỏ Kèn Bầu. Đồng thời, ông cam kết, sẽ tích cực phối hợp với tỉnh trong các công việc tiếp theo. Chúng tôi nhân cơ hội đó nói lên mong muốn cháy bỏng của toàn tỉnh Quảng Trị: Trở thành điểm tiếp bờ của dòng dầu khí mỏ Kèn Bầu.
 
Đến lúc này, chúng tôi tạm gọi đó là một gợi ý. Nhưng về quy mô thực sự, chúng tôi tin rằng, nó là động lực chính để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế mang tính bước ngoặt của Quảng Trị!
 
Tôi không chắc một người bạn phương xa như Paolo Scaroni có thể hình dung cặn kẽ về xứ sở xa xôi miền Trung Việt Nam. Nhưng trong tiến trình lịch sử Việt Nam, Quảng Trị là mảnh đất được lựa chọn (!) Thế kỷ XVI, khi Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) vượt Hoành Sơn “mang gươm đi mở cõi” đã dừng chân ở đất Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong ngày nay, các bô lão Ái Tử dâng lên bảy vò nước mát. Quan thái phó Nguyễn Ư Dĩ bảo rằng, đó là điềm lành được nước. Đất Ái Tử sau đó trở thành mảnh đất khởi dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn, triều đại đặt tên nước Việt Nam. Tầm nhìn vượt trước của chúa Nguyễn Hoàng, Quảng Trị đã được đặt nền móng quan trọng để hướng ra biển, phát triển chiến lược kinh tế biển làm động lực thúc đẩy sự phát triển cũng như nền tảng bảo vệ an ninh quốc gia.
 
Ngày nay phải thừa nhận một thực tế rằng, đa phần người Quảng Trị thực sự chưa giàu có, sung túc, vẫn đang ngày đêm sớm tối trăn trở trước mệnh đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc đến: Làm sao để giàu trước khi già? May thay, vị thiên sứ trong thời đại của chúng ta đã xuất hiện vừa đúng lúc khát vọng vượt khó làm giàu dâng cao chưa từng thấy. Vị thiên sứ đó có tên là - công nghệ - một cách thức tư duy phi truyền thống đã mở cửa cho những địa phương từng gặp bất lợi theo kiểu truyền thống xưa cũ. Chị đồng bào Vân Kiều vừa lên nương vừa lướt web. Chị có thể livetreams công việc trồng cấy chăn nuôi của mình. Và không khó để nhận đơn hàng từ đâu đó cách xa hàng nghìn cây số. Công nghệ đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta, chúng tôi – những địa phương từng gặp bất lợi về mặt nhỏ bé của lãnh thổ nhưng thuận lợi về nguồn lao động trẻ, có trình độ cao và khả năng sáng tạo không giới hạn.
 
Làm giàu nhờ nắng, gió
 
Khoảng hơn mười năm trước, khai thác năng lượng mặt trời đắt đỏ đến nỗi, nghĩ về nó chỉ có thể liên tưởng đến cảnh phim viễn tưởng. Thế nhưng, chỉ khoảng 3 năm trước, để sản xuất ra 1 MW điện mặt trời chỉ vào khoảng 1 triệu USD. Con số này đến nay giảm xuống còn khoảng 700.000 USD và vẫn đang giảm sâu hơn nữa. Điều đó có nghĩa là, thay vì những tập đoàn kinh tế, mỗi hộ gia đình cũng có thể đầu tư sản xuất điện mặt trời. Điều tương tự cũng đến với điện gió và các loại năng lượng tái tạo khác. Thực tế đó gợi ý rằng, nắng gió có thể và thực sự trở thành tài nguyên cho sự phát triển bền vững! Cuối năm 2020, trong khoảng một tuần, tỉnh Quảng Trị cấp giấy phép cho 10 dự án điện gió, tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Có người nói với tôi, Quảng Trị làm giàu từ nắng gió! Thoạt nghe có vẻ hoang đường. Nhưng đó là điều đang diễn ra trong thực tế, đồng thời cũng là tư tưởng chủ đạo biến khó khăn thành lợi thế, biến Quảng Trị thành trung tâm năng lượng Việt Nam, cung ứng điện năng cho đất nước và khu vực Đông Nam Á.
 
Tác động sâu xa hơn của công nghệ là, nó không chỉ cho phép truy cập những tiềm năng khổng lồ, mà quan trọng hơn cả, nó cho phép chúng ta đưa ra một tầm nhìn mới. Ven quốc lộ 9, ở lưng chừng đèo, thuộc địa bàn xã Tân Hợp, huyện miền núi Hướng Hòa có một vạt đất, rộng chừng hơn trăm mét. Vạt đất đó chẳng có gì đáng chú ý, cho đến khi, một cư dân trẻ tuổi dựng lên quán cà phê, lấy tên là Homi, hướng tầm nhìn khách hàng về phía thung lũng. Bỗng chốc, cả một vùng cảnh quan được khai mở. Bức tranh thiên nhiên kỳ thú trữ tình trở thành nền chính cho hàng trăm hàng nghìn bức ảnh tràn ngập mạng xã hội. Cà phê Homi, theo tôi, quy mô nhỏ mà tầm nhìn lớn; một mô hình kinh tế hộ gia đình nhưng gợi mở ra những ý tưởng phác thảo chính sách. Đó là huy động được mọi người dân cùng tham gia công cuộc xây dựng đất nước nhanh và bền vững. Điều này làm tôi gợi nhớ đến quyển sách “Tại sao các quốc gia thất bại?” của hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson. Ở thời đại toàn cầu hóa, kinh nghiệm về nghệ thuật quản trị xã hội và phát triển đất nước đang ngày một cởi mở trong tương tác bằng nhiều kênh. Nhưng mấu chốt vẫn là vấn đề con người, là các chính sách của địa phương để biến những điều bình thường thành giá trị phi thường.
 
Chắp cánh cho khát vọng làm giàu
 
Trong những nhiệm kỳ gần đây, với sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các đối tác, bạn bè trong nước và quốc tế, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực kiến tạo tiền đề vật chất để chắp cánh cho khát vọng làm giàu, cải thiện cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Trước hết, về giao thông, tỉnh triển khai hàng loạt dự án: Đường ven biển từ ranh giới tỉnh Quảng Bình vào đến phía Nam cầu Cửa Việt; đường nối trung tâm TP. Ðông Hà đến đường ven biển phía Nam cầu Cửa Việt; đường tránh phía đông TP. Ðông Hà; cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị); Quốc lộ 15D đoạn từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay; nâng cấp quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt lên đến quốc lộ 1. Đặc biệt, Cảng hàng không sân bay Quảng Trị đã thông qua quy hoạch chi tiết để phê duyệt kêu gọi đầu tư. Khu kinh tế Đông - Nam Quảng Trị khởi động với hàng chục dự án đầu tư xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng…
 
Về công nghiệp, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Trung ương hỗ trợ cho tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các dự án nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên từ mỏ Báo Vàng và mỏ Kèn Bầu, dự án điện gió, điện mặt trời. Tại Quyết định số 60/QÐ-TTg ngày 16/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035", Quảng Trị có các dự án đầu tư, bao gồm: Hệ thống đường ống dẫn khí mỏ Báo Vàng về Quảng Trị; hệ thống đường ống thu gom các mỏ từ Lô 105-110 và Lô 111-113 kết nối với đường ống Báo Vàng - Quảng Trị và Nhà máy xử lý khí tại Quảng Trị.
 
Hiện nay, có ba dự án Nhà máy điện khí đề xuất đầu tư vào khu trung tâm tiếp nhận và xử lý khí thuộc Khu kinh tế Đông - Nam Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị đã xây dựng và phê duyệt "Quy hoạch phát triển khí và các dự án có nhu cầu sử dụng khí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2035", tạo cơ sở cho việc phát triển thị trường khí tại Quảng Trị và khu vực khi khí được đưa vào Quảng Trị.
 
Với các dự án điện gió, điện mặt trời, Quảng Trị đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư quan tâm tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương giao Viện Năng lượng tích hợp vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia các dự  án đã được phê duyệt quy hoạch đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và dự án TBA 500 kV Lao Bảo cùng đường dây 500 kV Cam Lộ - Lao Bảo để giải tỏa công suất các dự án điện gió. Tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch, đồng ý chủ trương, ngoài các đường truyền tải do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đầu tư, cho phép các doanh nghiệp đầu tư các đường dây truyền tải để thu gom hết sản lượng điện của các dự án năng lượng tái tạo đã và đang dự kiến triển khai trên địa bàn miền tây tỉnh Quảng Trị.
 
Tỉnh đang đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa; phát triển các hình thức liên kết hợp tác gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tỉnh quyết tâm đạt mục tiêu 100.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững vào năm 2025; diện tích lúa chất lượng cao bình quân hằng năm chiếm hơn 80% tổng diện tích gieo trồng, trong đó sản xuất theo cánh đồng lớn áp dụng quy trình hữu cơ bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an toàn thực phẩm, có chứng nhận đạt 12.000 ha.
 
Về du lịch, Quảng Trị xác định điểm nhấn là du lịch tâm linh, biển đảo, giai đoạn tới là lễ hội festival vì hòa bình, du lịch trở về với nguồn cội thiên nhiên ở phía Tây. Phát huy lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối phát triển với các nước trong khu vực. Để tạo đà cho phát triển bền vững, tỉnh quyết tâm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực. Quy mô và chất lượng nhân lực đang được nâng lên rõ rệt với cơ chế, chính sách riêng của tỉnh, vừa đào tạo, bồi dưỡng, vừa thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực, ngành nghề…
 
Tất nhiên, những tiềm năng to lớn không thể khỏa lấp khó khăn hiện hữu của tỉnh Quảng Trị. Để biến những bất lợi, khó khăn thành tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn theo đúng chủ trương xuyên suốt đã xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020 và tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, Quảng Trị cần có những nỗ lực phi thường. Chúng tôi tin rằng, đó là một hành trình liên tục, luôn phải hướng đến những mục tiêu cao hơn. Đó cũng chính là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tỉnh Quảng Trị, những người người tiên phong hoàn thiện thể chế, thực hiện sứ mệnh cao cả của Đảng, Nhà nước giao phó, để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
 
Kiến tạo thành trì thịnh vượng thường được bắt đầu từ những khó khăn, thử thách. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, những tiềm năng, lợi thế được nhìn nhận đầy đủ hơn, khoa học hơn, giúp chúng ta truy cập nguồn tài nguyên vô tận do tạo hóa và tổ tiên ban tặng. Nó là nhân tố để Quảng Trị thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu; nó thúc bách mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp phải thực sự vận động mạnh mẽ hơn, sẵn sàng vượt qua nhiều gian lao, khổ cực, để gặt hái thành công, đóng góp xứng đáng hơn vào thành tựu chung của đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai cùng cường quốc năm châu như lời dặn của Bác Hồ kính yêu.
 
Võ Văn Hưng
Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị/VGP News