Phối cảnh Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư đối với Tổ hợp nhà đầu tư gồm: Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng công ty Năng lượng Hanwha, Tổng công ty Khí Hàn Quốc và Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc đối với Dự án Điện khí LNG Hải Lăng.
Hiện Tổ hợp nhà đầu tư đã ký hợp đồng với Viện Năng lượng, đơn vị tư vấn chính và Tư vấn quốc tế Tractebel, tư vấn phụ để thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và các báo cáo chuyên ngành liên quan đối với Dự án Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 là 1.500 MW.
Tỉnh Quảng Trị đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và cho thuê đất theo phương án điều chỉnh tổng mặt bằng Dự án cho giai đoạn 1 hơn 58 ha.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đấu nối dự án với hệ thống điện quốc gia, giải tỏa công suất.
Ngoài ra, Bộ Công thương quan tâm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án khi chủ đầu tư trình; hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Trị và Tổ hợp nhà đầu tư về tên gọi dự án để thống nhất trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan. Bộ Công thương quan tâm, hướng dẫn các nội dung liên quan về công tác đầu tư xây dựng kho cảng LNG ở huyện Hải Lăng; có ý kiến về khu vực quy hoạch Kho khí, kho dầu có diện tích là 155 ha trong Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, không chồng lấn với các quy hoạch khác…
Liên quan đến dự án này, tại cuộc họp giữa Bộ Công thương với các tỉnh, thành phố có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 diễn ra vào ngày 9/8, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu tổ hợp nhà đầu tư hoàn thành và trình báo cáo nghiên cứu khả thi chậm nhất trong tháng 9/2023 để thẩm định, phê duyệt và phấn đấu khởi công dự án trong quý III/2024.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh Quảng Trị phấn đấu trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung, vì vậy rất kỳ vọng vào những dự án năng lượng mà các nhà đầu tư đang triển khai.
“Hiện nay, Quảng Trị cũng đã được đưa vào quy hoạch điện 8 và đang đề xuất với Bộ Công Thương và Chính phủ để mở rộng đưa Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng khu vực Miền Trung, trên cơ sở hình thành Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng xanh và sạch từ năng lượng tái tạo, dự kiến từ 2.000 đến 3.000 MW điện gió và điện năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo là một trong 3 trụ cột ưu tiên của tỉnh Quảng Trị trong chiến lược phát triển từ đây đến 2030 và tầm nhìn đến 2050” - ông Hưng cho biết thêm.
Link gốc