Ông Nguyễn Văn Hóa (thứ tư từ trái sang) trong một lần kiểm tra cơ sở.
"Các sáng kiến cải tiến của tôi cũng từ thực tế công việc, lúc thì mình phát hiện, lúc thì anh em cơ sở báo cáo rồi cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Chủ yếu là phải tìm mọi cách để vượt qua những trở ngại, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà thôi". Ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 4, khiêm tốn nói như vậy về thành tích của mình.
Quyết không chịu thua
Năm 1993, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP HCM, ông Nguyễn Văn Hóa về Công ty Truyền tải điện 4 công tác. Kinh qua nhiều vị trí, đến năm 2015, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Do đặc thù của công ty là địa bàn phụ trách rộng, trải khắp miền Đông và Tây Nam Bộ, ông Hóa cũng vì vậy mà phải xông pha khắp nơi.
Trong ngành điện, hầu hết thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài với chi phí rất đắt. Do vậy, việc đầu tư lắp đặt cũng chỉ ở mức vừa đủ, thêm một chút dự phòng chứ không dư dả như nước ngoài. Bên cạnh đó, áp lực điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cao nên việc bảo đảm lưới điện ổn định, an toàn là yêu cầu rất nghiêm ngặt, nhất là những khi cần thay thế, bảo dưỡng.
"Dân gian nói sét đánh là tại trời, đành phải chịu nhưng ở đây, chúng tôi không thể chịu trận như vậy được. Nhiều tỉnh, thành phía Nam có mật độ sét đánh rất cao trong mùa mưa bão, uy hiếp an toàn đường dây. Chúng tôi một mặt cập nhật bản đồ những vùng sét đánh, một mặt triển khai các biện pháp kỹ thuật chống nhiều loại sét hiệu quả. Đưa vào áp dụng năm 2016, số sự cố do sét đánh giảm đến 76% so với năm 2015" - ông Hóa cho biết.
Không chỉ cải tiến chuyên môn, khi đường dây chạy qua khu dân cư, khu sản xuất của người dân làm phát sinh các vấn đề cần giải quyết, ông Hóa cùng các đồng nghiệp cũng lao vào tìm cách tháo gỡ. "Có lần, đường dây chạy qua những đồng mía của người dân. Mùa khô, mía dễ phát cháy ngay dưới lưới điện. Tìm hiểu, chúng tôi biết người dân bán mía cho một nhà máy gần đó. Vậy là một mặt, chúng tôi cho công nhân đi bóc lá mía cùng người dân, vận động nhà máy ưu tiên thu mua mía nằm dưới đường dây trước để giảm rủi ro; một mặt vận động bà con khu vực đường dây đi qua chuyển đổi cây trồng khác. Nhiều nơi đã chuyển đổi có hiệu quả" - ông Hóa nhớ lại.
Cùng công tác lâu năm với ông Hóa, anh Bùi Quang Thành nhận xét: "Các cải tiến của anh Hóa không chỉ làm lợi cho đơn vị mà còn có tác động lan tỏa, thúc đẩy phong trào thi đua trong đơn vị. Anh còn là người đóng góp công sức đào tạo, bồi dưỡng anh em trẻ, qua đó giữ vững được truyền thống sáng tạo đi đầu, được Tổng công ty ghi nhận".
Người thợ tâm huyết
Anh Nguyễn Văn Trọn (phải) giám sát đổi điện kế tại nhà dân.
Trong khi đó, với anh Nguyễn Văn Trọn, công nhân kỹ thuật Công ty Điện lực Bình Phú, sáng kiến kỹ thuật là những đóng góp đề xuất để giảm khó khăn cho đồng nghiệp, tiện lợi cho khách hàng và tiết kiệm cho đơn vị.
Đặc thù công tác lắp đặt, thay thế, bảo dưỡng điện kế khu vực quận 6 và Bình Tân, TP. HCM khiến anh Trọn cùng đồng nghiệp phải đi suốt ngày. Gần 20 năm công tác, tích lũy kinh nghiệm, đến khoảng năm 2012 thì anh bắt đầu có những sáng kiến cải tiến. Trước đây, thấy nhiều việc bất cập nhưng không biết phải trình bày thế nào, sau những mày mò, đề xuất đầu tiên được ghi nhận, anh Trọn mạnh dạn phát huy, tiếp tục đưa ra nhiều sáng kiến mới.
Đơn cử trước đây, điện kế đặt trong nhà dân, khi cần ghi điện rất bất tiện cho cả người dân lẫn nhân viên điện lực vì nhiều lúc nhà đóng cửa. Ngành điện dời điện kế ra ngoài để thuận tiện hơn thì phát sinh vấn đề - các hộp bảo vệ được thiết kế bằng mica nhanh ố vàng khiến người ghi điện và người dân khó đọc được chỉ số điện. Từ thực tế đó, anh Trọn đề xuất thay thế bằng hộp kính cường lực, vừa bảo đảm mỹ quan khi đặt trước nhà dân lại vừa bền chắc, không bị mưa nắng ảnh hưởng. Sáng kiến này được công ty triển khai đại trà trên địa bàn, qua đó tiết kiệm chi phí, nhân công khi thay vỏ hộp bị mờ, tiết kiệm cả nhân công đi phúc tra chỉ số điện không chính xác do hộp bảo vệ bị mờ ố trước đây.
"Các cải tiến của tôi là những đề xuất để giải quyết các phát sinh trong công việc thường ngày, qua đó giúp thuận lợi hơn cho các bộ phận khác và tận dụng nhiều nguồn lực lẽ ra phải bỏ đi. Đơn cử, lần thay đổi vỏ hộp điện kế (đem ra ngoài sân) làm dôi dư một lượng vỏ hộp cũ phải đem bỏ trong khi còn tốt, tôi tiếp tục đề xuất tận dụng chúng để lắp đặt cho các điện kế chiếu sáng đèn đường dân lập địa phương, lắp vào điện kế gắn tạm trong các sự kiện ngoài trời, vừa bảo đảm mỹ quan đô thị vừa an toàn cho người dân" - anh Trọn cho biết.
Ông Hà Hữu Hiếu - Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Phòng Tổ chức Công ty Điện lực Bình Phú - đánh giá: "Anh Trọn là một người thợ điển hình có nhiều nỗ lực trong công tác, tâm huyết với nghề nghiệp, luôn giữ được mối quan hệ tốt với cả đồng nghiệp và địa phương công tác. Các sáng kiến cải tiến của anh là những đề xuất rất thiết thực từ thực tiễn, làm lợi cho công ty, tiện cho khách hàng và hỗ trợ đồng nghiệp. Anh Trọn là một trong những điển hình lao động giỏi mà Tổng công ty muốn nhân rộng trong tập thể công nhân".