Khu vực cửa xả hồ thủy điện Cần Đơn.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, đến thời điểm này, các nhà máy thủy điện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác này với phương châm lấy phòng ngừa là chính.
Công trình thủy điện Thác Mơ (Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ tại thị xã Phước Long) là một trong những công trình thủy điện bậc thang đầu tiên trên sông Bé. Nhà máy có 3 tổ máy với công suất lắp đặt 225MW. Hồ chứa điều tiết theo năm, với dung tích trên 1,36 tỷ mét khối nước, mực nước dâng bình thường là 218m. Để công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão công ty đã xây dựng phương án phòng chống như: Củng cố và kiện toàn ban chỉ huy; triển khai phương án phòng chống lụt bão bảo vệ đê đập theo Nghị định số 72 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; thực hiện đúng nhiệm vụ trong cơ chế phối hợp vận hành điều tiết xả lũ các hồ trên lưu vực sông Bé; áp dụng các nội dung trong quy chế phối hợp giữa công ty và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Công ty đã hoàn thành các hạng mục xây dựng, sửa chữa công trình, thiết bị có liên quan đến công tác phòng chống lụt bão. Đồng thời phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra hạ du từ đập tràn đến kênh xả nhà máy để nhắc nhở các hộ dân cư trú, canh tác dọc hai bên bờ sông có biện pháp di dời nhà cửa, thu hoạch hoa màu sớm, tránh thiệt hại khi xả lũ xảy ra.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ cho biết: Hằng năm, đơn vị đều tổ chức kiểm tra bảo dưỡng các đập chính và phụ; đo lượng nước thấm qua thân đập; nạo vét kênh mương, tổng vệ sinh mặt đập và mái thượng lưu các đập; tổng kiểm tra công trình và các thiết bị quan trắc trước mùa mưa lũ; phát quang và nạo vét mương rãnh thoát nước hai bên các tuyến đường giao thông nội bộ, đảm bảo thông suốt trong mùa mưa lũ. Đặc biệt là bảo dưỡng các thiết bị cấp nguồn tự dùng cho hệ nâng cánh phay đập xả tràn...
Đối với Nhà máy thủy điện Cần Đơn thuộc Công ty cổ phần thủy điện Cần Đơn trên địa bàn thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp), đây là bậc thang thứ 2 khai thác năng lượng trên dòng sông Bé. Hằng năm, ngoài sản xuất điện cung cấp cho khu vực miền Nam và hòa lưới điện quốc gia, nhà máy còn cung cấp nước tưới cho 4.800 ha cây công nghiệp ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo an toàn hồ đập, trước mùa mưa lũ, định kỳ hằng năm nhà máy thực hiện việc quan trắc thường xuyên theo quy định nhằm đánh giá tình trạng an toàn đập; kiểm tra số liệu quan trắc phù hợp với số liệu ban đầu do thiết kế đề ra, thiết bị vận hành đập tràn đảm bảo vận hành an toàn, thường xuyên, liên tục. Để giảm thiểu hiện tượng xói lở, đầu năm, nhà máy đã gia cố chống xói mòn bờ trái, bờ phải và phía hạ lưu công trình. Cùng với việc triển khai phương án phòng chống lụt bão, việc kiểm tra tu bổ đê đập của các hồ chứa trước mùa mưa lũ cũng luôn được nhà máy chú trọng.
Ông Vũ Văn Năm, Trưởng phòng kỹ thuật, thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN Nhà máy thủy điện Cần Đơn, cho biết: Trước khi xả lũ, nhà máy có văn bản gửi chính quyền cơ sở và các đơn vị liên quan trước 24 giờ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Hiện mực nước trên hồ chứa vào khoảng 109m, trong giới hạn cho phép của quy chế liên hồ chứa.
Là đơn vị nằm cuối cùng trong bậc thang sông Bé, Công ty cổ phần thủy điện Srok Phu Miêng IDICO (Phú Riềng) cũng sẵn sàng cho công tác PCTT-TKCN năm 2017. Kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa trước mùa mưa lũ năm 2017 của các cơ quan chức năng cho thấy, công tác triển khai thực hiện các quy định quản lý vận hành theo Nghị định số 72 của Chính phủ được công ty triển khai thực hiện tốt. Hằng năm, đơn vị đều có báo cáo hiện trạng an toàn đập, thực hiện việc đăng ký, kiểm định an toàn đập; xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du, phương án bảo vệ an toàn đập. Các phương tiện, thiết bị, vật tư để phục vụ chống lũ đã sẵn sàng. Nhà máy được kiểm định an toàn đập do Công ty cổ phần tư vấn Sông Đà thực hiện; có xây dựng phương án phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn đập. Công ty cũng đã hoàn thành phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du và xây dựng phương án bảo vệ an toàn đập được UBND tỉnh phê duyệt. Ông Bùi Hải Nam, Phó tổng giám đốc công ty cho biết, để công tác PCTT-TKCN đạt kết quả cao, ngoài xây dựng quy chế phối hợp của 3 nhà máy, đơn vị cũng đã chủ động phối hợp chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống lụt bão nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại khi có mưa lũ xảy ra.
Tại hội nghị triển khai quy chế phối hợp liên nhà máy vừa diễn ra tại Công ty cổ phần thủy điện Cần Đơn, lãnh đạo 3 nhà máy thủy điện cho biết: Công tác PCTT-TKCN giữ vai trò hết sức quan trọng nên hằng năm các đơn vị đều có sự chuẩn bị sớm và đầy đủ. Tuy nhiên, hậu quả do thiên tai gây ra rất khó lường, vì vậy, 3 nhà máy rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, nhất là Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân. Có như vậy mới kịp thời tham gia cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xấu xảy ra trên các hồ chứa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân vùng hạ du.