Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là giữ cho dòng điện thông suốt. Trụ được với nghề, họ cần có phẩm chất, kỷ luật của người lính.
Mệnh lệnh từ tâm
Có thể nói, ngay từ những năm đầu đường dây 500 kV bắc - nam đi vào vận hành, chống lũ đã trở thành một thứ phản xạ có điều kiện trong mỗi người làm truyền tải điện. Ấy thế nhưng, năm 2020, bão lũ lịch sử dồn dập đổ vào miền trung trong tháng 10, tháng 11 thật sự là thử thách khốc liệt.
Trước mùa mưa bão, Công ty Truyền tải điện 2 đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó chủ động phương châm "4 tại chỗ"; chủ động ký kết phương án phối hợp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị liên quan như các xã có tuyến đường dây đi qua, các công ty có phương tiện cơ giới, các đơn vị truyền tải điện lân cận… Ðồng thời, phối hợp lực lượng hợp đồng bảo vệ đường dây trong công tác thông tin trên tuyến; thường xuyên giữ mối liên hệ với Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt thông tin, tranh thủ sự giúp đỡ về phương tiện, con người khi có tình huống cần huy động. Nhưng không ai có thể ngờ được, năm nay lượng mưa trút xuống còn vượt ngưỡng cơn đại hồng thủy ở miền trung năm 1999.
Gương mặt còn hằn nét hốc hác, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 Trần Thanh Phong nhớ lại, nghe mưa đổ, lòng người như có lửa đốt, lưới điện 220 kV ngập chìm trong mênh mang nước bạc. Lưới điện 500 kV vững vàng qua hàng chục năm, bỗng trở nên mong manh trước lũ ống, lũ quét làm lở núi, toác đồi. Nếu trong điều kiện bão lũ, lưới điện phân phối được ngắt để bảo đảm an toàn cho người dân, thì với lưới điện truyền tải, sẽ phải bằng mọi giá giữ được sự thông suốt. Không chỉ bảo đảm truyền tải điện vào nam ra bắc, đường dây 500 kV còn mang sứ mệnh quan trọng, đó là hệ thống cáp quang chuyển tải thông tin xuyên quốc gia.
Vậy nên, ký ức những ngày bão lũ lưu lại trong anh em Truyền tải điện Quảng Bình là những đêm trực thức trắng, tất cả đều căng mình để giữ cho "động mạch lớn" ấy được thông suốt. Ðội trưởng Trung tâm Vận hành Ðồng Hới Hoàng Ngọc Cảnh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại những ngày mà cả trạm biến áp 220 kV Ba Ðồn bị nước vây hãm. Tất cả các mương cáp đều bị ngập. Liên tục trong ba ngày/đêm từ ngày 19 đến ngày 22-10, cả năm anh em dầm trong mưa để thay phiên nhau bơm hút nước duy trì khoảng cách nước đến tủ đấu dây trong nhà là 30 cm. Ðể duy trì ở mực nước thấp hơn mực nước chung quanh, công việc bơm nước không được ngưng một phút, một giờ…
Công nhân truyền tải trong ca trực đi kiểm tra tuyến đường dây ở đèo Hải Vân.
Giọng bùi ngùi, Giám đốc Truyền tải điện Quảng Bình Nguyễn Ngọc Lâm nói về sự hiểm nguy của công việc truyền tải trong thiên tai. Tính từ 14 giờ ngày 18 đến 6 giờ ngày 19-10, lượng mưa rất lớn (khoảng 600-700 mm) đã làm ngập lụt nhiều vị trí xung yếu như: Ðường dây 500 kV Vũng Áng - Ðà Nẵng bị ngập từ 0,7 - 3,5m (29 vị trí); đường dây 500kV Ðà Nẵng - Hà Tĩnh bị ngập từ 1,3 - 2,7 m (30 vị trí); đường dây 220 kV Vũng Áng - Ba Ðồn - Ðồng Hới bị ngập 0,5 - 1,7 m (28 vị trí); đường dây 220 kV Ðồng Hới - Ðông Hà mạch 1 bị ngập 0,5 m (7 vị trí)… Không một cán bộ, công nhân truyền tải nào từ chối nhiệm vụ xông pha vào tuyến càng sớm càng tốt để nắm thật đúng tình hình còn đề xuất phương án phòng hộ tốt nhất.
Ðến giờ, anh Nguyễn Ngọc Thơ - công nhân Truyền tải điện Ðồng Hới mới có thời gian để quay về dọn dẹp, sửa chữa lại ngôi nhà đã ngập sâu của mình. Trong khi cha mẹ, vợ con đang bám trụ ở ngôi nhà nằm ở vùng rốn lũ của địa bàn huyện Quảng Ninh, vì nhiệm vụ, anh vẫn phải tạm biệt cha mẹ, vợ con để trực trên tuyến… Lòng dạ canh cánh nhưng anh hiểu rằng, hơn bao giờ hết, đồng đội cần mình sát cánh để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn.
Với "người lính" truyền tải, chỉ có sự đoàn kết mới làm nên sức mạnh giúp họ vượt qua mọi thách thức, gian khổ. Ngay khi bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi tàn phá lưới điện phân phối, đường dây 110 kV Quảng Ngãi - Tư Nghĩa dài hơn 6.000 m bị đứt. Lúc này, nhân lực của Công ty Ðiện lực Quảng Ngãi đã chia đi đến từng xã, huyện để kiểm tra và khắc phục lưới điện hạ thế. Rất kịp thời, Công ty Truyền tải điện 3 quyết định gửi lực lượng chi viện hỗ trợ khắc phục sự cố. Chỉ trong ngày đầu tiên của tháng 11, toàn Ðội đã kéo rải dây một khoảng néo dài 1.300 m trong điều kiện thi công hết sức khó khăn.
Trách nhiệm đến cùng với công việc của mình, nhưng những người truyền tải vẫn không quên chung sức cùng cộng đồng vượt khó. Ðội trưởng Ðội Truyền tải Ðiện Ba Ðồn Nguyễn Thanh Bình kể lại, từng hộp cơm nóng hổi được gói ghém cẩn thận kèm theo nước lọc được anh em chèo đò đem đến tận tay người hoạn nạn. Rồi những phần quà nghĩa tình được trao đến từng hộ dân xã Quảng Hà, thị xã Ba Ðồn.
Vừa vận hành lưới điện truyền tải, vừa làm công tác cứu trợ giúp người dân vượt qua mưa lũ, cách ứng xử truyền thống rất mộc mạc mà sâu sắc "thương người như thể thương thân", "một miếng khi đói bằng một gói khi no" đã thấm sâu vào tâm khảm những người truyền tải. Bởi họ là người con của một dân tộc đã trải qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, bao đận thiên tai khắc nghiệt nên rất hiểu chân giá trị: Yêu thương là nền tảng đạo đức, luân lý của người Việt Nam.
Cuộc chinh phục kỳ vĩ
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Nói đến những điều làm nên phẩm chất "người lính" truyền tải, nhớ lại câu chuyện cũng mang tính lịch sử - Xây dựng đường dây 500 kV bắc - nam, dài 1.600 km, từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào đến Phú Lâm. Ðây là công trình trọng điểm quốc gia mang ý nghĩa quan trọng giúp giải "cơn khát điện" của miền nam khi ấy. Dòng điện từ miền bắc sẽ giúp cho miền nam phát triển mạnh mẽ nền kinh tế. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt ra yêu cầu cấp bách, thời hạn thực hiện công trình là ba năm, nhưng cần chạy đua với thời gian để rút ngắn hơn nữa thời gian thi công đi đôi với bảo đảm chất lượng và nêu cao tinh thần tiết kiệm. Ngày 5-4-1992 đã đi vào biên niên sử Ðiện lực Việt Nam và có thể cả biên niên sử đất nước, như là thời khắc nổ phát súng lệnh cho đội quân Năng lượng tiến vào cuộc chinh phục kỳ vĩ này.
Thế rồi, chỉ sau hai năm, đường dây 500 kV bắc - nam được đưa vào vận hành, sớm hơn một năm so với thời hạn ban đầu Thủ tướng giao. Sau này, nhân dân miền nam, nhân dân miền trung, anh em ngành Ðiện có nguyện vọng dựng tượng ông Sáu (tên người dân gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt), đã nhận được câu trả lời rất giản dị: "Tôi nghĩ rằng, nếu để tôn vinh, xứng đáng nhất là dựng tượng những người đã tham gia xây dựng ngành Năng lượng, làm ra điện đủ cung cấp cho dân xài…".
Cho đến nay, câu chuyện xây dựng tượng đài để ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh vì công trình hợp nhất lưới điện ba miền vẫn còn ở khâu ý tưởng. Dẫu vậy, có lẽ mỗi người công nhân truyền tải điện khi bảo đảm vận hành an toàn công trình đều đã tạc tượng đài trong tâm khảm họ bởi hơn ai hết, họ cảm nhận được giá trị của những gì được tạo dựng từ tâm huyết của những thế hệ đi trước, những thế hệ dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám hy sinh cho công trình đường dây 500 kV.
Những "người lính" truyền tải hôm nay tự nguyện viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành, cho dù phải đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong xây dựng mới các đường dây truyền tải… Có sự thử thách về địa hình, thời tiết khắc nghiệt và đôi khi cái khó cũng đến từ việc cơ chế chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tế. "Ðiện phải đi trước một bước", không chỉ đơn giản là một mệnh lệnh thức, luôn được bắt gặp hầu như trong tất cả các văn bản ghi nhận những chủ trương, đường hướng, chính sách xây dựng kinh tế - xã hội có liên quan đến ngành điện và gần như trở thành câu cửa miệng mỗi lần nói đến chiến lược phát triển năng lượng, mà còn trở thành khát vọng, sự thôi thúc, nguồn động viên đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành điện, trong đó có những người lính truyền tải điện.