Sẽ có bước đột phá về công nghệ trong truyền tải điện?

Thứ ba, 20/11/2018 | 15:01 GMT+7
Mới đây, một đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) do Chủ tịch HĐTV Đặng Phan Tường dẫn đầu đã có chuyến làm việc với Tổng công ty Truyền tải điện Vương quốc Bỉ (ELIA) tại Vương quốc Bỉ.

Sẽ có bước đột phá về công nghệ trong truyền tải điện?
Chủ tịch HĐTV EVNNTP thay mặt đoàn công tác cảm ơn Công ty truyền tải điện Bỉ

Sử dụng công nghệ thực tế ảo ở trạm biến áp
 
Đại diện EVNNPT cho biết, tại buổi làm việc, các chuyên gia của ELIA đã giới thiệu, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về các lĩnh vực EVNNPT đang quan tâm như: công tác bảo dưỡng thiết bị, các ứng dụng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực quản lý vận hành, quản trị nguồn nhân lực.
 
Theo báo cáo, ELIA đã chuyển công tác bảo dưỡng thiết bị từ hình thức phân tán tại chỗ sang tập trung theo hướng chuyên môn hóa, thay đổi cách thức thực hiện tại hiện trường và áp dụng các công nghệ mới.
 
Từ năm 2016, ELIA đã thực hiện việc bảo dưỡng thiết bị theo hướng giao quyền chủ động cho đơn vị trực tiếp thực hiện. Đội ngũ kỹ thuật của ELIA thực hiện công tác bảo dưỡng thiết bị còn thực hiện công tác xử lý sự cố (ví dụ: dựng lại cột mới khi có sự cố đổ cột)
 
Ngoài ra, ELIA cũng đã chuyển từ bảo dưỡng theo thời gian sang bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị, dựa trên tình trạng vận hành thiết bị để lập kế hoạch bảo dưỡng phù hợp, qua đó nâng cao hiệu quả công việc. ELIA có chương trình quản lý tài sản để quản lý thiết bị, tình trạng thiết bị, phân loại mức độ phức tạp, sắp xếp mức độ ưu tiên đối với các thiết bị cần bảo dưỡng.
 
Đặc biệt, ELIA đã thành lập Bộ phận Đổi mới với nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, phát triển, ứng dụng kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, blockchain) vào lĩnh vực truyền tải điện.
 
Các chuyên gia của ELIA đã giới thiệu cho đoàn công tác việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào công tác đào tạo, bồi huấn về an toàn khi làm việc tại trạm biến áp; tổ chức hồ sơ thiết bị trạm biến áp (thông số kỹ thuật thiết bị, lý lịch thiết bị, các bản vẽ thiết kế, bản vẽ hoàn công) trên nền hình ảnh để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu cuả công việc.
 
Theo đó, trước khi bắt đầu công việc, công nhân kỹ thuật được cung cấp đầy đủ thông tin thực của trạm thông qua thiết bị hình ảnh không gian 3 chiều mô phỏng toàn bộ trạm biến áp. Công nhân kỹ thuật phải chuẩn bị hiện trường công tác, thực hiện các biện pháp an toàn, thao tác công việc tại trạm biến áp trên thiết bị mô phỏng, sau khi đạt yêu cầu theo quy định mới được vào làm việc thực tế trong trạm.
 
Công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng ở các trạm biến áp tại Bỉ

Thực tế ảo tổ chức dữ liệu trạm biến áp trên nền hình ảnh giúp hệ thống hóa công tác quản lý hồ sơ thiết bị trạm, cập nhật thay đổi trong quá trình vận hành thiết bị, tải các hồ sơ, bản vẽ ngay tại hiện trường công tác từ nguồn dữ liệu được quản lý thống nhất

Sẽ có nhiều đổi mới ở EVNNPT?
 
Đại diện ELIA cũng cho biết, để vươn lên hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực truyền tải điện, ELIA tiến hành đổi mới các lĩnh vực công tác theo 3 cấp độ: Đổi mới từng bước (phải có sự thay đổi so với hiện tại); Đổi mới ở cấp cơ sở (phải có sáng tạo mang tính chất nhảy vọt; Đổi mới ở mức phá hủy (phải phá bỏ cái cũ, xây dựng cái mới).
 
Chia sẻ về quản trị nguồn nhân lực, đại diện ELIA khẳng định, nguồn nhân lực luôn được coi là khâu then chốt để thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh và chiến lược phát triển. ELIA quản trị nguồn nhân lực dựa trên hiệu suất lao động, quản lý nhân lực theo kế hoạch được thay thế bằng quản lý theo kỹ năng làm việc của nhân viên.
 
 ELIA đã xây dựng đề án nghiên cứu năng lực của nhân viên, từ đó xây dựng lộ trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. ELIA có chiến lược quản trị người tài để xây dựng lực lượng chuyên gia, lãnh đạo đáp ứng yêu cầu đổi mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
 
Đối với công tác đào tạo, ELIA đã chuyển từ hình thức đào tạo truyền thống sang đào tạo theo năng lực dựa trên 3 yếu tố: Năng lực cần cho tương lai, KPI xác định yếu tố chính năng lực nhân viên, các công cụ trợ giúp việc học tập nâng cao trình độ nhân viên. Hàng năm, nhân viên sẽ được đánh giá về năng lực và kết quả thực hiện công việc
 
Đón nhận các thông tin về sự phát triển và ứng dụng công nghệ trong công tác truyền tải điện từ ELIA, ông Đặng Phan Tường đề nghị ELIA đưa các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, dữ liệu lớn, blockchain vào quá trình thực hiện hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hệ thống quản lý tải sản truyền tải điện của EVNNPT và yêu cầu hệ thống quản lý tải sản truyền tải điện phải có độ mở và tích hợp được với các dự án trong tương lai của EVNNPT
 
Ông còn đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa EVNNPT và ELIA trong quá trình triển khai Đề án Đánh giá thực trạng Hệ thống truyền tải điện quốc gia và đề xuất giải pháp khắc phục các tồn tại, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hệ thống quản lý tài sản truyền tải điện, thu thập dữ liệu KPI của các tổ chức truyền tải điện khu vực và trên thế giới để tham chiếu, so sánh, xếp hạng EVNNPT các năm 2019, 2020.
 
Ngoài ra, lãnh đạo của EVNNPT cũng đề nghị ELIA tư vấn về các công việc mà EVNNPT đang quan tâm, như: phương án thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn cho EVNNPT trong lĩnh vực truyền tải điện, khả năng đưa chuyên gia kỹ thuật, kỹ sư, công nhân của EVNNPT ra làm việc tại nước ngoài, thách thức và cơ hội của EVNNPT trong việc đấu nối các nguồn năng lượng tái tạo vào Hệ thống truyền tải điện quốc gia, khả năng hợp tác giữa EVNNPT và ELIA trong lĩnh vực điện mặt trời (photovoltaics).
Theo: Báo Pháp Luật