Của kính năng lượng trước và sau khi hấp thụ nhiệt mặt trời.
Theo nghiên cứu được mô tả trong một bài báo đăng trên tạp chí Joule, thay vì để khoảng trống không khí giữa hai tấm kính, “cửa sổ thông minh" được đổ đầy dung dịch bao gồm hydrogel, nước và hợp chất ổn định.
Vào ban ngày, khi ánh sáng mặt trời đi qua cửa sổ, chất lỏng sẽ hấp thụ và lưu trữ nhiệt năng của ánh sáng, giúp phòng không bị nóng lên, giảm nhu cầu chạy máy lạnh.
Ngoài ra, khi chất lỏng nóng lên, hydrogel bên trong tấm kính chuyển từ trạng thái trong suốt sang trạng thái mờ đục, giúp giảm lượng ánh sáng chói chang từ bên ngoài, giữ cho căn phòng luôn mát mẻ.
Khi mặt trời lặn vào ban đêm, gel sẽ đông và trong suốt trở lại, giải phóng năng lượng nhiệt tích trữ. Một phần năng lượng đi qua kính và vào phòng, giúp giảm nhu cầu sử dụng hệ thống sưởi của tòa nhà.
Dựa trên các mô phỏng và thử nghiệm thực tế, người ta đã xác định được việc sử dụng cửa sổ có thể làm giảm mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà văn phòng tới 45%. Ngoài ra, các nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cũng cho biết, cửa sổ thông minh do nhóm phát triển có khả năng hấp thụ tiếng ồn bên ngoài hiệu quả hơn 15% so với cửa sổ lắp kính hai lớp truyền thống.
Đại học Công nghệ Nanyang hiện đang tìm kiếm các đối tác trong ngành để thương mại hóa công nghệ.
Trước đó, các nhà khoa học tại Đại học Loughborough của Anh cũng đã nghiên cứu một hệ thống tương tự có tên WFG nhưng sử dụng nước thường.
Nguyên mẫu nhà sử dụng WFG tại Đài Loan.
Với thiết kế cửa sổ này, sau khi nước được mặt trời làm nóng lên, nó sẽ được bơm ra ngoài cửa sổ và được chứa trong một bể chứa. Vào ban đêm, nước ấm được bơm ra khỏi bể và đi vào các đường ống trong tường, sưởi ấm bên trong tòa nhà. Các thử nghiệm thực tế của nghiên cứu này tại những ngôi nhà ở Đài Loan và Hungary đã cho thấy WFG có thể giúp ngôi nhà tiết kiệm 47%-72% năng lượng để điều hòa nhiệt độ trong không khí so với khi sử dụng cửa sổ hai lớp kính và 34%-61% so với cửa sổ ba lớp kính.
Link gốc
Theo: Sở hữu trí tuệ