Lãnh đạo Tập đoàn Banpu trao tặng quà cho hộ nghèo thị xã Vĩnh Châu tại lễ khởi công.
Ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, thế mạnh lớn nhất của tỉnh là điện gió với sức gió mạnh vùng ven biển. Tỉnh lại có vùng bãi bồi ven biển rộng lớn với trên 50.000 ha là những địa bàn có thể phát huy để đầu tư xây dựng những cánh đồng điện gió lớn. Dựa vào các số liệu quan trắc của các đơn vị đã khảo sát thu thập từ 2 cột đo gió ở độ cao 60m- 80m ở vùng duyên hải Sóc Trăng cho thấy, tốc độ gió tăng dần từ vùng đất liền đến vùng bãi bồi ven biển.
Theo số liệu khảo sát của Tập đoàn ENERCON là đơn vị chuyên về sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu thế giới của Cộng hòa liên bang Đức, tại các vùng ven biển Sóc Trăng, việc đầu tư phát triển điện gió rất thuận lợi, do bờ biển ở đây dài và rộng. Sức gió nhiều và mạnh, điều kiện triển khai xây dựng điện gió cũng thuận lợi. Ở độ cao 60m, tốc độ gió trung bình là 6,3 m/s, theo số liệu tính toán, Sóc Trăng có thể phát triển nhiều cánh đồng điện gió với tổng công suất 1,55 GW, nếu huy động được lượng vốn đầu tư khoảng từ 3-4 tỷ USD.
Theo phê duyệt quy hoạch của Bộ Công Thương về phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió. Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900 ha, công suất dự kiến 860 MW, vận tốc gió trung bình 6,4m/s.
Vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500 ha, công suất dự kiến 295 MW, vận tốc gió 6m/s. Vùng 3 phân bổ tại khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940 ha, công suất dự kiến 315 MW, vận tốc gió 6,2m/s. Riêng giai đoạn sau năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 200 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 470 triệu KWh.
Trên cơ sở được Bộ Công Thương quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng được phê duyệt với diện tích đất khảo sát 37.340ha, quy mô công suất tiềm năng 1.470 MW. Sở Công Thương Sóc Trăng đã phối hợp cùng các ngành, địa phương kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này và đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 10 dự án trong quy hoạch với quy mô công suất 352,4 MW và được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho 9 dự án điện gió, quy mô công suất 262,4 MW.
Cuối tháng 3/2020, tỉnh đã khởi công được 4 dự án và dự kiến trong quí II/2020 sẽ khởi công 5 dự án còn lại. Một dự án khác đang lập thủ tục đầu tư. Ngoài ra, tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung 19 dự án điện gió khác; trong đó, có 5 dự án mở rộng giai đoạn 2 và 14 dự án mới vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất trên 1.690,8 MW.
Không chỉ phát triển điện gió, Sóc Trăng cũng đã trình Bộ Công Thương bổ sung 6 dự án phát triển điện mặt trời vào Quy hoạch với tổng công suất 147 MW. Qua đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về điện mặt trời áp mái. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 300 hộ dân, doanh nghiệp lắp điện mặt trời áp mái với tổng công suất trên 6.900 kWp; xây dựng và đưa vào hoạt động 1 nhà máy điện sinh khối tại Nhà máy đường Sóc Trăng, sử dụng phát điện từ bã mía với công suất 12MW.
Theo ông Lê Thành Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng, mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển nhưng hiện tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn để phát triển điện gió. Theo đó, đối với các dự án đã triển khai khởi công (có 4 dự án), tình hình dịch bệnh COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ do có liên quan đến khâu nhập thiết bị và tổng thầu là nhà thầu nước ngoài.
Do đó, trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện gió đã cấp chủ trương đầu tư và đang trình bổ sung quy hoạch, dự án điện mặt trời và các dự án phát triển lưới điện. Điều này nhằm đảm bảo đầu tư phát triển nguồn điện tương ứng với hệ thống phân phối điện; trong đó, lưu ý các dự án điện gió đang trình bổ sung quy hoạch.
Khi triển khai đầu tư, tỉnh triển khai xây dựng hoàn thành đường dây 110kV Bạc Liệu – Vĩnh Châu, Sóc Trăng–Trần Đề, cải tạo lắp mạch 2 đường dây Sóc Trăng – Vĩnh Châu và xây dựng trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu đưa vào vận hành, bảo đảm giải tỏa được công suất phát điện.
Ngành chức năng tỉnh cũng đang thực hiện đánh giá lại thực trạng phát triển nguồn điện gồm nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối; rà soát khả năng giải tỏa công suất của các dự án sẽ đưa vào vận hành; đồng thời, đánh giá tiềm năng phát triển điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Từ đó, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch điện VIII của quốc gia và là điều kiện nền tảng để đẩy nhanh thủ tục phê duyệt các dự án.
Đánh giá về việc ưu tiên đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Sóc Trăng, ông Lâm Văn Mẫn cho rằng, việc quy hoạch, ưu tiên phát năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mà Sóc Trăng có lợi thế là tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn từ các thành phần kinh tế, khai thác lợi thế so sánh về tài nguyên gió, đất đai. Từ đó, góp phần đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió, điện mặt trời, tăng thêm nguồn điện góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia...
Link gốc