Thông tin đầu tư

Sôi động đầu tư năng lượng mặt trời

Thứ năm, 27/7/2017 | 14:34 GMT+7
Mức sinh lời của điện mặt trời tuy không cao như thủy điện hay nhiệt điện, nhưng lại phù hợp xu hướng, nhiều tiềm năng và có tính ổn định cao.
 
Nguồn ảnh: vir.com.vn
 
Cuối tháng 6, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã tổ chức một hội nghị đặc biệt, quy tụ nhiều đơn vị hàng đầu trong ngành năng lượng thế giới như Trina Solar, JA Solar và các tổ chức đầu tư như IFC, Quỹ năng lượng sạch Armstrong (AAM)… Mục đích là để truyền đi thông điệp: TTC chính thức đặt chân vào ngành điện mặt trời. Theo công bố của TTC, dự kiến khoảng 1 tỉ USD sẽ được chi ra và Tập đoàn sẽ gấp rút đầu tư trong 2 năm (2017-2019), để từ năm 2020 sản xuất 1.000MW điện mặt trời và ngành này có thể trở thành mảng đóng góp lớn nhất cho TTC.
 
Cửa đã mở
 
“Mặt trời luôn mọc đằng Đông lặn đằng Tây và luôn như vậy. Tôi rất hào hứng về việc đầu tư vào điện mặt trời cũng như điện gió”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC, cho biết. Còn ông Thái Văn Chuyện, Tổng Giám đốc TTC, thì ví von “20 nhà máy điện mặt trời sẽ là 20 nhà máy in tiền cho Tập đoàn đến năm 2020”.
 
TTC có nhiều lý do để mạnh dạn tiến vào ngành năng lượng tái tạo. Thứ nhất, thế giới đã có sự dịch chuyển và suốt 3 năm qua, mỗi năm toàn cầu rót 200 tỉ USD vào ngành năng lượng tái tạo. Nghiên cứu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Bloomberg New Energy Finance còn chỉ ra, thị phần công suất mới của năng lượng tái tạo đã chiếm 55,3% ngành năng lượng toàn cầu năm 2016. Trong đó, điện mặt trời đóng góp công suất bổ sung ở mức lớn nhất: 76GW, còn điện gió góp 54GW.  
 
Năng lượng mặt trời hiện tập trung chủ yếu ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Liên minh châu Âu... nhưng đại diện của AAM dự đoán, phạm vi thị trường của năng lượng mặt trời sẽ còn được mở rộng trong thời gian tới.
 
Nhìn về Đông Nam Á, khu vực nhiệt đới nắng gió quanh năm nhưng tổng năng lượng tái tạo, gồm cả điện mặt trời và điện gió của toàn khu vực ASEAN mới chỉ đạt 4GW, chiếm khoảng 0,5% của thế giới và ở mức dưới 10% về công suất phát điện. Chính vì thế, theo ASEAN Centre for Energy,  khu vực này sẽ gia tăng đầu tư để hướng tới mục tiêu, đến năm 2025, tổng công suất năng lượng tái tạo sẽ góp 23% vào tổng nguồn điện.
 
Đối với Việt Nam, dù nằm trong bản đồ các nước có bức xạ mặt trời nhiều nhất thế giới nhưng mãi đến năm 2014, Việt Nam mới có dự án điện mặt trời nối lưới điện đầu tiên. Từ đó đến nay, ông Trần Văn Bình, thành viên  Hội đồng Năng lượng tái tạo châu Âu, quan sát thấy bộ phận trách nhiệm về xây dựng phát triển năng lượng của Việt Nam như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương và một số quan chức chính phủ đã bắt đầu thay đổi tư duy, đánh giá tầm quan trọng của năng lượng tái tạo. Bằng chứng là năm 2016, Quy hoạch Điện VII đã được điều chỉnh.
 
Theo đó, Việt Nam đặt kế hoạch khai thác điện mặt trời đến năm 2020 đạt 850MW và nâng lên 4.000MW vào năm 2025. Việt Nam cũng dự tính chi 74 tỉ USD để đầu tư, khai thác nguồn năng lượng xanh và sạch từ gió, mặt trời, địa nhiệt, sóng biển…, trong đó năng lượng mặt trời sẽ chiếm tỉ trọng lớn.
 
 
Tại Hội nghị COP21 ở Paris vào tháng 12.2015, Việt Nam đã cam kết giảm khí thải nhà kính với mức giảm trong giai đoạn 2021-2030 là 25%. Trong Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra mới đây tại Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần nữa khẳng định Việt Nam sẽ làm tròn trách nhiệm trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, giảm khí thải CO2. Nghĩa là Việt Nam sẽ phải tìm cách giảm đầu tư các nhà máy nhiệt điện than. 
 
Quan trọng hơn cả, yếu tố thôi thúc Tập đoàn TTC và các đơn vị chạy đua đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời là giá pin mặt trời đã giảm 30% trong năm 2016, hiện chỉ còn bằng 1/8-1/10 so với 10 năm trước. Đặc biệt, ngày 11.4.2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, cho phép các dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, được miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước và bên mua điện (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới, với giá 9,35 cent/kWh.
 
Các nhà đầu tư, trong đó có TTC đã tính toán và thấy rằng, trong điều kiện chi phí pin, chi phí thiết bị biến đổi tần đã giảm, chi phí vốn và lãi vay xuống dưới 8,5%/năm, con số 9,35 cent/kwh sẽ đảm bảo cho TTC đạt suất sinh lời của dự án (IRR) không nhỏ hơn 15%, thời gian hoàn vốn dưới 12 năm trong đầu tư điện mặt trời.
 
Sôi động đầu tư
 
Ông Thái Văn Chuyện đánh giá, mức sinh lời của điện mặt trời không cao như thủy điện hay nhiệt điện (17-25%). Nhưng bù lại, điện mặt trời phù hợp xu hướng, nhiều tiềm năng và có tính ổn định cao. Trong buổi ban đầu, để giảm thiểu rủi ro, TTC không đầu tư một mình. Năm ngoái, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC), công ty con của TTC đã hợp tác chiến lược với IFC (góp 15,95%), AAM (góp 20,05%) để cùng thực hiện các dự án điện mặt trời. AAM sẽ lo khâu kỹ thuật, còn IFC sẽ cung cấp, hỗ trợ tài chính để TTC phát triển dự án. Được biết, 70% vốn tài trợ cho điện mặt trời của TTC sẽ đến từ vốn vay. Ngoài ra, Tập đoàn cũng tham gia lĩnh vực điện mặt trời theo hình thức đấu thầu EPC, tức giao việc thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình cho các nhà thầu.
 
Trước mắt, 2 dự án điện mặt trời ở Huế và Gia Lai của TTC sẽ được khởi công vào tháng 10 năm nay, dự kiến nối vào lưới điện vào cuối năm sau. Trong khi đó, gần 20 dự án còn lại, ở các cụm Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận đang bổ sung hồ sơ, dự kiến sẽ khởi công từ quý IV/2017 và có thể phát điện từ tháng 5.2019.   
 
 
Không chỉ TTC, trong hơn 30 đơn vị tham gia vào điện mặt trời, nhiều công ty cũng đã tăng tốc. Chẳng hạn, DooSung Vina (Hàn Quốc) đầu tư nhà máy công suất 30MW tại Bình Thuận; Sinenergy Holdings, thuộc Tập đoàn SHS Holdings Singapore vừa ký kết bản ghi nhớ với Ninh Thuận đầu tư nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời 300MW…
 
Công ty Điện lực Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung… cũng đều tham gia xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Còn EVN mới đây đã đề xuất với tỉnh Ninh Thuận đầu tư dự án nhà máy năng lượng mặt trời công suất 200MW. Các dự án này thường đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và cần sự hậu thuẫn từ các tổ chức tài chính. Bởi lẽ, một dự án điện mặt trời 30-40MW đã cần đến 600-800 tỉ đồng. 
 
Một khó khăn khác là đầu tư điện mặt trời thường đòi hỏi quỹ đất lớn. Theo tài liệu TTC công bố, trung bình, một dự án vài chục MW cần đến 35-75ha. Vì thế, có được quỹ đất dành riêng cho phát triển năng lượng mặt trời, như TTC, với hơn 1.600ha sẽ là một lợi thế.
 
Ngành điện mặt trời hiện là sân chơi của những đơn vị có kinh nghiệm. TTC, chẳng hạn, trước khi tham gia sản xuất điện mặt trời, thông qua GEC cũng sở hữu hàng chục nhà máy điện rãi khắp miền Nam và miền Trung, ước đạt 137MW thủy điện và 152,1MW nhiệt điện năm 2017.
 
Để các vấn đề pháp lý được thúc đẩy thuận lợi, để nguồn điện mặt trời sản xuất có thể hòa vào lưới điện quốc gia, giúp hỗ trợ đầu ra, các công ty sản xuất điện cần tạo dựng được mối quan hệ gắn bó với địa phương, các cấp ban ngành. Ngoài ra, cần kết hợp với nhiều đối tác, nhiều nguồn lực để triển khai dự án năng lượng mặt trời.
 
Nhưng theo đại diện SolarBK, công ty đi tiên phong và đã có 10 năm trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp cho sản xuất điện mặt trời ở Việt Nam thì “vẫn có nhiều phân khúc, nhiều cách thức để doanh nghiệp dấn bước”.  Đó có thể là tham gia cung cấp các thiết bị, thực hiện lắp ráp, tham gia sản xuất điện, tấm pin mặt trời... Như SolarBK đang mở rộng nhà máy sản xuất pin mặt trời lên 800MW. Dù tham gia khía cạnh nào, “tiêu chí kỹ thuật luôn rất quan trọng”, phía SolarBK nhấn mạnh.
Theo: Nhịp cầu Đầu tư