Tin thế giới

Sớm có cơ chế hỗ trợ đầu tư điện cho các huyện đảo

Thứ hai, 15/10/2007 | 00:00 GMT+7

Hiện nay, 10 huyện đảo của nước ta, trong đó tám huyện đảo thuộc bảy tỉnh ven biển, do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) quản lý và cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

 

              

Tám huyện đảo này gồm: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Ðảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc và Kiên Hải (Kiên Giang). Các huyện đảo trên đều có dân cư sinh sống và có các đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ.

Các đảo này đều có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch, kinh tế biển và giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng. Trên thực tế, trong giai đoạn hiện nay, kinh tế ở các huyện đảo chưa phát triển, trong đó, nguyên nhân cơ bản do cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém.

Việc cung cấp điện cho tám huyện đảo hiện nay được đánh giá là không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Vì hầu hết là được cung cấp điện bởi các cụm diezen nhỏ lẻ, công suất thấp. Tại huyện đảo Cô Tô, trong bảy năm, từ năm 2000 đến năm 2007, điện thương phẩm tăng trưởng trung bình 18%/năm, tổng điện thương phẩm năm 2006 đạt 306.220 kW giờ. Ðiện năng chủ yếu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng dân cư, điện cho sản xuất công nghiệp, thương mại du lịch không đáng kể. Giá bán bình quân cho các hộ năm 2006 trung bình là 2.500 đồng/kW giờ, trong đó, Nhà nước đã hỗ trợ 50% giá điện. Thời gian cấp điện cho các phụ tải dân cư trung bình từ bốn đến năm giờ/ngày, buổi trưa từ 11 đến 12 giờ, buổi tối từ 18 đến 22 giờ. Hầu hết các gia đình đều có bộ ắc-quy tích điện và thường nạp khi có điện lưới. Do các nguồn điện từ máy phát điện chạy đầu đi-ê-den vận hành không ổn định nên mặc dù năm 2001, bằng nguồn vốn Biển Ðông và hải đảo đã đầu tư thi công 53 trạm pin mặt trời cho các cơ quan hành chính sự nghiệp và các hộ dân ở thị trấn Cô Tô với tổng công suất 15W nhưng điện của huyện đảo vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Tại huyện Bạch Long Vĩ, giá điện cũng được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, giá bán bình quân cho 1kW giờ đối với hộ gia đình là 700 đồng, đối với hộ sản xuất kinh doanh là 1.300 đồng.Trạm phát điện diezen ở đảo Lý Sơn có bảy máy với tổng công suất 3.515kVA song phần lớn là máy cũ đã qua sử dụng, nên việc cấp điện chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng. Do phải cấp điện luân phiên cho hai xã An Vĩnh và An Hải nên mặc dù tỷ lệ được cấp điện cao (97-98%) nhưng điện năng tiêu thụ đầu người năm 2006 rất thấp chỉ khoảng 58kW giờ/người. Giá bán điện bình quân năm 2006 là 715,8đồng /kW giờ.

Từ năm 1998 đến 2002, Chính phủ giao cho EVN mà trực tiếp là Công ty Ðiện lực 2 (PC 2) đầu tư xây dựng hệ thống điện trên huyện đảo Phú Quý và Phú Quốc. Giá thành điện sản xuất, phân phối tăng nhanh hằng năm do giá nhiên liệu tăng nhưng giá bán điện cho các hộ lại bằng giá điện bán cho các hộ dân trên đất liền. Vì vậy, hằng năm PC 2 đều phải bù lỗ cho cung cấp điện ở đảo Phú Quý: năm 2003 là 8 tỷ đồng; năm 2004 là 10,3 tỷ đồng; năm 2005 là 11,2 tỷ đồng và năm 2006 là 15,8 tỷ đồng. Tại đảo Phú Quốc, PC 2 cũng thực hiện bán điện trực tiếp đến hộ dân với giá điện bằng 50% giá bán điện thực hiện trước năm 2002. Năm 2003-2005, PC 2 bù lỗ 50 tỷ đồng. Riêng năm 2006, bù lỗ hơn 45 tỷ đồng.

Theo đánh giá của EVN, hiện trạng nguồn và lưới điện tại các huyện đảo đều cũ nát, manh mún và không đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện. Giá bán điện cho các hộ dân do UBND địa phương quản lý cao hơn giá bán điện bậc thang của Chính phủ quy định, mặc dù địa phương đã phải bù lỗ 50% giá thành. Ðối với các huyện đảo mà giá bán điện do ngành điện quản lý và kinh doanh thì tình trạng bù lỗ giá điện là quá lớn, vì vậy, sẽ không cân đối được tài chính khi cổ phần hóa các công ty điện lực. Sự phát triển kinh tế-xã hội của các huyện đảo đều nhằm mục đích nâng cao đời sống tinh thần vật chất và bảo đảm an ninh quốc phòng, trong khi, các huyện đảo đều xa đất liền không có khả năng nối lưới (trừ huyện đảo Phú Quốc), vì vậy vấn đề cung cấp điện cho các huyện đảo thật sự là vấn đề cần được nghiên cứu giải quyết, trước khi EVN tiến hành cổ phần hóa các công ty điện lực 1, 2 và 3 theo Quyết định của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).

Hiện nay, việc cổ phần hóa ba công ty điện lực trên đang được tiến hành theo đúng tiến độ đã quy định tại Quyết định số 147/2006/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa xây dựng được cơ chế hỗ trợ đầu tư, nhất là cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo... điều kiện khó khăn, đầu tư kém hiệu quả.

Theo Nhân dân