Đứng trên cây cầu mới xây vắt qua dòng sông, nhìn từ xa, giữa núi rừng hoang sơ, công trường thủy điện Sơn La hiện ra thật hoành tráng.
Tết năm 2008 này, khoảng 3.000 người là chuyên gia nước ngoài, các nhà quản lý, kỹ sư, công nhân sẽ đón giao thừa ngay trên công trường. Và chưa đến rằm tháng giêng, công trường lại đón thêm gần 5.000 người đến làm việc. Tiến độ thi công trên công trường năm 2008 được đánh giá là căng thẳng nhất, có ý nghĩa quan trọng, quyết định cho việc nhà máy thủy điện sẽ phát điện vào cuối năm 2010.
Những ngày đầu xuân, có lẽ, phóng viên Báo CAND là người đầu tiên đến xông đất Ban điều hành dự án thủy điện Sơn La thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12). Thật tuyệt vời khi giữa công trường, chúng tôi lại bắt gặp màu xanh áo lính. Giám đốc, Đại tá Đào Văn Tuấn hồ hởi tiếp đoàn.
Đảm nhận nhiệm vụ quan trọng, thi công phần dốc nước, hố xói và kênh dẫn ra - một phần lớn của công trình xả lũ... với kinh phí trên 1.200 tỷ đồng, có mặt tại Sơn La từ năm 2005, đến nay, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã thi công được nhiều phần việc. Tết năm 2008, từ lãnh đạo đến cán bộ, chiến sỹ, công nhân ở các Công ty: 472; 565; 269 và 2 công ty sản xuất vật liệu xây dựng thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đều tình nguyện ở lại, quyết không chậm tiến độ thi công.
Nhìn cảnh người lính, người thợ chuẩn bị ăn Tết ngay trên công trường mới thật cảm động. Không màu mè nhưng cũng không thiếu hương vị của ngày Tết cổ truyền. Những người lính xắn tay vào vo gạo, rửa lá dong, mổ lợn, làm nhân gói bánh chưng, bánh tét. Củi đã được chuẩn bị sẵn để nổi lửa nấu bánh và đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ với người dân bản xứ.
Tất nhiên, đón Tết giữa núi rừng lại càng không thể thiếu một cành đào phai Tây Bắc, một lọ hoa tươi cùng rượu vang, rượu nếp và mứt Tết, bánh kẹo. Đại tá Đào Văn Tuấn cho biết, ngoài việc tăng lương và có thêm chế độ động viên những người ở lại ăn Tết, anh sẽ ra công trường đón giao thừa cùng công nhân.
Đầu năm mới nhưng ở công trường không có khoảng thời gian trống, đêm đêm, điện ngoài công trường vẫn sáng một vùng đất, những người thợ vẫn miệt mài làm việc 3 ca liên tục như những con ong chăm chỉ.
Không ai biết rằng, thời điểm giáp Tết, từ công trường, bao chuyến xe xuôi ngược về khắp mọi miền Tổ quốc, chở theo tâm tư của người về ăn Tết và số ít người thân lên ăn Tết cùng những người ở lại công trường
Trên công trường, có cả nỗi buồn xen lẫn niềm vui của những người thợ, trong sự chia tay bịn rịn đầy nước mắt và nụ cười để đón một mùa xuân trọn vẹn.
Theo anh Nguyễn Hồng Hà, Phó Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La thì năm 2008, khối lượng công việc cần hoàn thành là đổ 608.000m3 bê tông thường; 1.247.000m3 bê tông đầm lăn; lắp đặt 6.500 tấn thiết bị... Tất cả các đơn vị tham gia thi công trên thủy điện Sơn La tùy theo tính chất công việc, đều phân công người ở lại làm việc, đảm bảo đúng tiến độ thi công nên Ban Quản lý đã có kế hoạch chu đáo cho những người đón Tết hay ăn Tết muộn trên công trường với mục tiêu đảm bảo an toàn lao động, vui xuân, không quên nhiệm vụ.
Anh Đào Minh Chương, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà cho biết: Ban điều hành Tổng thầu dự án thủy điện Sơn La đã phát động chiến dịch thi đua, lập công, đảm bảo thi công đúng tiến độ.
Được biết, Công an tỉnh Sơn La, Ban Quản lý và Ban điều hành dự án thủy điện Sơn La đã ký và thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp, đảm bảo ANTT, an toàn công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Ngoài ra, cán bộ, công nhân lao động trên công trường cũng đã ý thức được về bảo vệ tài sản, tính mạng cho đơn vị và cho mình. Chính vì vậy, hơn 3 năm thi công công trình đã không xảy ra sự cố nào nghiêm trọng, tình hình ANTT được giữ vững.
Được biết, những đơn vị có quân số ứng trực, ở lại ăn Tết tai công trường thuộc các Tổng Công ty: Điện lực Việt Nam; Xây dựng Sông Đà; Xây dựng Trường Sơn; Licogi; Ligama 10... cũng có nhiều hình thức thi đua lao động sản xuất và tăng lương trong những ngày trực Tết, tặng quà cho công nhân, cho những gia đình chính sách, mừng tuổi ngay tại công trường, tổ chức giao lưu giữa các đơn vị, doanh nghiệp... để đời sống vật chất, tinh thần của những người ở thủy điện thêm phong phú.
Thật xúc động khi nghe câu chuyện kể về anh Vũ Minh Trí, thợ lái xe ủi đầm thuộc Đội cơ giới 2, Chi nhánh Sông Đà 908 (thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 9). Có mặt ở công trường từ năm 2004, người thợ quê Thanh Hóa này đã đón cái Tết thứ 2 ở công trường và Tết năm nay, vì công việc, anh vẫn tình nguyện ở lại.
Con trai đầu của anh Trí cũng đang làm tại thủy điện Nậm Khánh (Lào Cai). Con trai thứ 2 cũng đang chuẩn bị lên công trường thủy điện Sơn La để làm việc. Chị Phạm Thị Thái - vợ anh Trí chỉ là một nông dân, để động viên chồng yên tâm ở lại công trường ăn Tết, thời gian qua, chị đã viết gần 300 lá thư cho anh.
Anh Nguyễn Tiến Đảo, thợ vận hành máy xúc bậc 5/7, người cùng đơn vị với anh Trí, cũng đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với các công trình thủy điện quan trọng như: Hoà Bình, Yaly, Cần Đơn... cũng thường xuyên phải đón Tết tại công trường.
Như bao người khác, anh Trí, anh Đảo đã tự nguyện ở lại công trường làm việc trong dịp Tết vì hiểu được ý nghĩa của việc mình làm, vì dòng điện cho Tổ quốc, vì sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Có mặt tại thủy điện Sơn La, chúng tôi thấy càng khâm phục hàng nghìn kỹ sư tài năng của Việt Nam và chuyên gia nước ngoài cùng lực lượng công nhân ngày đêm lăn lộn trên công trường, giữa cái nắng gió khắc nghiệt của miền Tây Bắc để lập nên những kỳ tích mới.
Họ đã chấp nhận xa gia đình, xa quê hương, thậm chí phải ăn tết muộn hoặc ăn tết ngay tại công trường. Vì công việc, có những người công nhân thường xuyên gắn bó với công trường nên đã phải đưa cả vợ con đi theo. Không ít người mẹ, người vợ phải tự tìm công việc làm thêm để góp vào đồng lương ít ỏi của chồng.
Rồi còn biết bao mối tình người thợ đã nảy sinh trên công trường như mối tình trong sáng của Thượng úy Vũ Văn Lê, công tác tại Đồn Công an thủy điện và chị Nguyễn Thị Bích công tác tại Công ty Sông Đà 7.
Hiện tại, vợ chồng anh Lê đang ở nhờ trong một căn nhà tập thể của Công ty Sông Đà 7. Tết năm 2007, khi ấy vợ đang có bầu, Thượng úy Lê được đơn vị ưu tiên cho về đón giao thừa cùng gia đình. Năm 2008, anh Lê tình nguyện đi trực Tết ca 1 dù con gái mới được 6 tháng tuổi.
Thượng tá Đỗ Xuân Đồng, Trưởng Công an huyện Mường La cho biết: Xác định công tác đảm bảo ANTT trên công trường thủy điện Sơn La rất quan trọng, Công an huyện đã chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng nhân dân thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT, di dân tái định cư đúng tiến độ, vận động dân không vi phạm mặt bằng công trường, không đốt nương làm rẫy, ảnh hưởng đến khu vực lán trại, phụ trợ của mặt bằng công trường...
Năm nào cũng vậy, mấy ngày tết, Công an huyện thường đi kiểm tra công tác ứng trực chiến đấu tại Đồn Công an thủy điện. Trung tá Lê Đức Mạnh, Phó đồn trưởng Đồn Công an thủy điện Sơn La cho biết: Tết năm nay, quân số ứng trực khoảng 80%. Đơn vị sẽ tổ chức cho anh em bữa cơm tất niên từ sớm, sau đó chia thành 4 tổ công tác đi tuần tra kiểm soát quanh khu vực công trường, phối hợp với lực lượng bảo vệ tại công trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối về ANTT, tránh tình huống đột xuất xấu xảy ra.
Để đảm bảo cho các đơn vị vui xuân trọn vẹn, từ chỉ huy cho đến cán bộ, chiến sỹ Đồn Công an thủy điện cũng phải gác lại chuyện riêng tư của mình. Đến như chỉ huy Đồn là Thiếu tá Cao Đức Hùng, Thiếu tá Lò Văn Ngọc nhà chỉ cách Đồn vài killômét, mấy ngày Tết chẳng mấy khi được ở nhà. Thiếu tá Phạm Công Sơn, Trung tá Quách Công My, Trung sỹ Nguyễn Thị Thu Thuý... nhiều năm nay đều phải ở lại trực Tết, coi "Đồn là nhà, Sông Đà là quê hương".
Trong không khí se lạnh của ngày đầu xuân, đứng giữa công trường thủy điện Sơn La rực sáng bởi ánh đèn điện, nhìn những kỹ sư giám sát công trình, những công nhân đang đổ mồ hôi, miệt mài làm việc, chúng tôi càng thấy trân trọng những thành quả mà họ đã làm được. Họ đang góp phần đem lại mùa xuân cho đất nước.