Sông Mêkông
Trên suốt chặng đường dài qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, sông Mekong tràn đầy màu sắc và sức sống. Hàng trăm tộc người khác nhau sinh sống trên lưu vực sông Mekong, cuộc sống và văn hoá của họ gắn bó chặt chẽ với chu kỳ tự nhiên của con sông này. Dòng sông tự hào là một trong những ngư trường đa dạng nhất và phong phú nhất thế giới trên đất liền, cung cấp khoảng 80% nhu cầu về protein cho cư dân trong vùng. Cho dù đó là hồ Tonle Sap ở Campuchia (vựa cá của đất nước này) hay là vùng đất ngập nước nhiệt đới châu thổ sông Mekong (vựa lúa của Việt Nam), dòng sông này duy trì sự sống của người dân và các hệ sinh thái trong vùng.
Vậy mà hệ thống sông xinh đẹp, năng động và trù phú này lại đang bị đe doạ. Trong khi dân cư sinh sống dọc theo hai bờ coi sông Mekong là tài nguyên cần được nuôi dưỡng và duy trì cho các thế hệ mai sau, thì một số chính phủ và thế lực hùng mạnh nước ngoài lại đang thèm muốn tiềm năng phát triển to lớn của dòng sông này. Nơi mà cư dân coi là dòng sông chảy tự do của sự sống, thì các chính phủ và các nhà xây dựng đập lại nhìn thấy các bậc thang thủy điện để cung cấp điện năng cho các thành phố của một số nước trong vùng.
Thập kỷ tới sẽ có tầm quan trọng rất lớn đối với tương lai sông Mekong. Có vẻ như nhiều chính phủ phi dân chủ và tham nhũng trong vùng đang hăng hái xúc tiến hàng mấy chục đập trên dòng chính và các nhánh sông Mekong. Trung Quốc đang xây dựng bậc thang gồm 8 đập trên thượng nguồn sông Mekong thuộc tỉnh Vân Nam. Hai trong số các dự án này đã hoàn thành, và ít nhất là 3 dự án nữa đang được xây dựng. Các dự án này đang tác động đến mực nước và nghề cá ở miền Bắc Thái Lan và Lào. Theo báo cáo của cư dân ở đó thì lượng cá đánh bắt được đã giảm 50% kể từ khi con đập thứ hai, Dachaoshan (Đại Triều Sơn), hoàn thành năm 2003. Một khi các dự án lớn hơn trong bậc thang này đi vào vận hành, chúng ta chắc chắn sẽ thấy tác động sâu rộng của chúng lên phía hạ lưu.
Nước Lào đóng góp khoảng 1/3 dòng chảy sông Mekong, hiện đang ráo riết xây dựng đập. Với ý đồ trở thành “nguồn điện năng của vùng Đông Nam Á”, chính phủ Lào đã ký kết thoả thuận với các nhà đầu tư nước ngoài về xây dựng hơn 30 đập trên các nhánh sông Mekong, thậm chí còn đang xem xét hai dự án trên dòng chính. Điện năng từ các dự án này sẽ bán cho các nước láng giềng Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đành rằng không phải tất cả các dự án này sẽ được bật đèn xanh, nhưng cuộc “săn vàng” từ thủy điện Lào sẽ gây hậu quả nghiệt ngã đối với các người dân làng quê Lào và hệ sinh thái sông Mekong, mà có thể bị ảnh hưởng tồi tệ bởi hàng loạt các dự án được lập ra một cách sơ sài.
Đập thủy điện trên sông Mêkông
Việt Nam cũng đang xây dựng các bậc thang đập trên một vài nhánh sông Mekong, tác động đến cuộc sống người thiểu số sinh sống ở Việt Nam và người dân làng quê Campuchia sinh sống ở vùng hạ lưu. Campuchia mặc dù chủ yếu là vùng đồng bằng ngập lũ, cũng đang hy vọng xây dựng đập trên sông Mekong và các nhánh. Kết quả của tất cả các con đập này có thể sẽ là cái chết của các ngư trường giầu có trên dòng sông này do bởi cả ngàn nhát cắt lên chúng, và dân cư vốn phụ thuộc vào các ngư trường này.
Sông Mekong còn là một hệ sinh thái thịnh vượng, và bây giờ chưa phải là đã quá muộn để bảo vệ nó. IRN đang cùng hoạt động phối hợp với phong trào ngày càng lớn mạnh trong vùng này để đối phó với các kế hoạch xây dựng đập và xúc tiến các lựa chọn hợp lý hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu về năng lượng trong vùng. Như các bạn đã biết, có nhiều dự án phát triển đầy hứa hẹn trong lưu vực này. Ở Việt Nam đang có chiều hướng ngày càng tăng về khảo sát tác động của các đập và xúc tiến các phương án năng lượng thay thế. Ở Campuchia, các nỗ lực bảo vệ hồ Tonle Sap đang có tiến bộ. Và ở Thái Lan, xã hội dân sự đang nỗ lực tìm kiếm các phương án thay thế hiện thực có thể đáp ứng các nhu cầu về năng lượng của Thái Lan, tránh được việc phải nhập khẩu thủy điện và xây dựng mới các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hoá thạch.
IRN tin rằng có thể phát triển khu vực Mekong mà vẫn bảo vệ được tài sản lớn nhất của khu vực này là sông Mekong. Vấn đề còn lại chỉ là liệu các chính phủ và các ngân hàng phát triển đa phương có đủ quyết tâm mở con đường mới tiến lên phía trước, kết hợp bảo vệ lưu vực sông một cách hiệu quả với sự phồn vinh cho 60 triệu người dân sinh sống trong lưu vực.