Nhà máy nhiệt điện than Nanding (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc)
Than là nguồn năng lượng chính của Trung Quốc, chiếm tới 69% tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp. Theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), tầm quan trọng của than trong cân bằng năng lượng chung của Trung Quốc đang ngày càng tăng những năm gần đây là do bùng nổ nhu cầu điện năng, mà gần 80% sản lượng điện của nước này dựa vào than.
Nhu cầu dầu mỏ cũng đang tăng lên nhanh chóng, đạt tỷ lệ 19% trong nhu cầu năng lượng sơ cấp vào năm 2005. Trung Quốc giờ đây đang trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản. Nguồn nhập khẩu chính là từ Angola, Ả Rập, Iran, Nga và Ôman.
Khí tự nhiên và thuỷ điện, mỗi loại chỉ chiếm cỡ 2%, mặc dầu Trung Quốc nổi tiếng với nhiều công trình thủy điện. Năng lượng hạt nhân cung cấp chưa đầy 1% năng lượng sơ cấp. Năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, tăng trưởng rất nhanh (Trung Quốc thuộc số năm nước đứng đầu thế giới về thị trường gió) nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ bé trong cân bằng nguồn điện chung của quốc gia này.
Thị trường điện
Các cải cách lớn vào năm 2002 dẫn tới sự phân chia Công ty Điện lực quốc doanh Trung Quốc thành các công ty riêng rẽ về phát điện, truyền tải và phân phối điện. Ủy ban Điều tiết Điện năng quốc gia cũng đã được thành lập để đẩy mạnh tính độc lập trong ngành điện. Tuy nhiên, hiệu quả của nó cho đến nay xem ra vẫn còn hạn chế. Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006 – 2010) đề ra mục tiêu cải thiện hoạt động của thị trường điện nhằm tạo ra một môi trường mở và cạnh tranh hơn.
Chương trình điện khí hóa của Trung Quốc cho đến nay đã thực hiện rất thành công, theo thống kê hiện nay có 99% người dân đang được sử dụng điện. Điều này, cùng với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh của quốc gia này đã dẫn tới sự tăng vọt nhu cầu điện năng trong vòng 20 năm qua.
Tuy nhiên kết quả trong những năm đầu của thế kỷ 21 lại là thiếu điện tại nhiều vùng trong nước. Nhờ đẩy mạnh xây dựng nguồn điện mới, riêng trong năm 2006, Trung Quốc đã bổ sung thêm trên 100 GW, đưa tổng công suất phát điện lên thành 622 GW. Điều này đã giảm nhẹ nạn thiếu điện, mặc dù hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra ở một số vùng có nhu cầu cao về điện năng.
Tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp của Trung Quốc
Trong vòng 10 năm qua, biểu giá điện ở Trung Quốc ngày càng thoát ra khỏi sự bao cấp, mặc dù hiện tượng này vẫn còn tồn tại ở một chừng mực nào đó. Việc kiểm soát biểu giá điện đã được nới lỏng để các nhà sản xuất điện giờ đây có thể chuyển phần giá than tăng sang các hộ tiêu thụ. Nhưng vẫn phải tiến hành một số bước trước khi giá điện hoàn toàn do thị trường quyết định.
Nhận thức về môi trường đang nâng cao nhanh chóng ở Trung Quốc do người ta thấy rõ ảnh hưởng của việc đốt than gây ra ở khắp nơi trong nước. Bây giờ người ta đã cấm xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than gần một số thành phố lớn, và quan tâm hơn đến việc đốt than sạch. Nhiều nhà máy điện chạy than xây mới được đặt hàng sử dụng công nghệ siêu tới hạn, hiệu suất cao hơn hẳn so với các nhà máy dưới tới hạn. Trung Quốc cũng đang đưa vào áp dụng các nhà máy cực siêu tới hạn với hiệu suất còn cao hơn nữa.
Theo dự báo của Tổ chức Năng lượng Quốc tế, công suất nguồn sẽ tiếp tục tăng với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm gần 5% trong vòng 20 đến 25 năm tới. Phần lớn các nguồn điện mới sẽ chạy bằng than, nhưng vai trò của các nguồn năng lượng tái tạo cũng sẽ ngày càng tăng lên, trong đó có thủy điện, có thể đạt 6% tổng sản lượng điện vào năm 2030, khi đó sản lượng điện từ than sẽ giảm xuống còn khoảng 70%. Điện hạt nhân cũng sẽ tăng lên, nhưng sẽ vẫn chỉ ở mức 2% tổng sản lượng. Tuy nhiên theo dự kiến, phần đóng góp của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sẽ đạt mức khoảng 7%.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Qui mô phát triển điện năng ở Trung Quốc thật khổng lồ. Sản lượng điện được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2006 - 2020 và có khả năng tăng thêm 50% nữa trong giai đoạn 2020 - 2030. Để theo kịp đà tăng công suất nguồn thì Trung Quốc cũng sẽ tăng cường đầu tư vào truyền tải và phân phối điện.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 đề ra có dự án trọng điểm truyền tải điện Đông - Tây, đưa điện từ miền Tây giàu tài nguyên tới miền Đông đang thiếu năng lượng nghiêm trọng. Tới năm 2020, các mạch liên kết điện áp cực cao sẽ kết nối tất cả các lưới điện các vùng lớn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn giữa cung cầu.
Thập kỷ tới sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện Trung Quốc. Như đã nói ở trên, hơn 100 GW công suất đã được bổ sung trong năm 2006, và mặc dù không phải năm nào cũng sẽ đạt được con số này, thì mục tiêu đặt ra là bổ sung thêm mỗi năm được khoảng 50 GW công suất.
Theo dự báo thì mặc dù có thể đạt được cân bằng cung cầu điện năng vào năm 2008, thì sang thập kỷ tới, nhu cầu điện sẽ một lần nữa lại bắt đầu vượt quá nguồn cung và sẽ cần phải đầu tư tổng cộng tới 590 tỷ USD trong giai đoạn 2006 - 2020 để duy trì cân bằng cung cấp điện.