Quản lý năng lượng

Sử dụng hiệu quả nguồn điện trong sản xuất: “Lợi ích 3 trong 1”

Thứ năm, 18/7/2024 | 15:10 GMT+7
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, “các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm, hoặc phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm”.

Ảnh minh họa.

Trên thực tế, tiềm năng tiết kiệm điện trong khối sản xuất nói riêng, trong tiêu dùng điện nói chung ở nước ta còn lớn hơn nhiều. 

Việc sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm không chỉ giúp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho chính doanh nghiệp mà còn giảm phải đầu tư thêm nguồn điện mới. Qua đó, góp phần giảm cường độ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mục tiêu phát thải ròng về không vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26. 

"Công ty Đức Giang chúng tôi là một trong những công ty xuất khẩu chiếm đến trên 80% các sản phẩm được xuất khẩu ra thế giới. Việc tiết kiệm điện đã đem lại nhiều lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp, chẳng hạn như góp phần hạ giá thành sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh thì dễ dàng tiêu thụ sản phẩm hơn. Ngoài ra thì đối với các dây chuyền sản xuất phốt pho trong công ty thì tiết kiệm được điện cũng tương đương với mức tăng công suất sản phẩm, từ đó sản xuất được nhiều sản phẩm hơn để cung cấp ra ngoài thị trường hơn".

"Hiện tại công suất của chúng tôi là một triệu tấn/năm. Năng lượng chúng tôi sử dụng nhiều nhất đó là năng lượng điện. Chúng tôi luôn luôn xác định vấn đề quản lý năng lượng và tiết kiệm điện là vấn đề then chốt để giảm chi phí giá thành, và để cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác ở trong ngành tôn".

Qua phát biểu vừa rồi của ông Đặng Tiến Đức - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang (đơn vị sử dụng tới trên 25% sản lượng điện thương phẩm của tỉnh Lào Cai, với hơn 615 triệu kWh/năm) và ông Hoàng Ngọc Quân - Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nghệ An đã cho thấy phần nào những lợi ích từ việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Hiện nay cả nước có tới 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (theo Quyết định số 1480/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021). Theo ông Võ Quang Lâm - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu tính theo Chỉ thị 20/CT-TTg về các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kWh/năm thì cả nước có tới gần 20.000 khách hàng, đang sử dụng trên 42% tổng lượng điện của cả nước.

"Khách hàng sản xuất công nghiệp hiện nay đang chiếm tỷ lệ rất cao trong việc sử dụng điện. Nếu chúng ta nhìn lại năm 2023, trong tổng lượng điện thương phẩm toàn tập đoàn là 253 tỷ kWh thì riêng nhóm khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm là đã sử dụng hết khoảng 107 tỷ kWh (chiếm 53%); và trong số hơn 30,86 triệu hợp đồng mua bán điện đăng ký với EVN thì khối doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (tức là sử dụng điện trên 1 triệu kWh/năm thì chúng ta có 19.690 khách hàng, khối này đang sử dụng 42% tổng lượng điện của chúng ta. Còn nếu chúng ta nhìn toàn bộ khách hàng khối công nghiệp - dịch vụ thì hiện nay vào khoảng 1.900.000 khách hàng thì đang sử dụng là 52%. Như vậy rõ ràng, nếu chúng ta làm tốt việc tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm trong khối doanh nghiệp sản xuất và công nghiệp thì chắc chắn chúng ta sẽ có cơ hội tiết kiệm điện rất nhiều". 

Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo yêu cầu: Các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm. Các cơ sở này phải đảm bảo việc chấp hành, tuân thủ các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện có liên quan. 

Theo các chuyên gia, tiềm năng TKNL nói chung, TKĐ nói riêng trong khối sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp là rất lớn, có thể lên tới 20-30% nếu áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật và nâng cao ý thức “Tiết kiệm điện - thành thói quen” trong mỗi người lao động. TS Lê Anh Tuấn - phụ trách Khoa Kinh tế và quản lý, Trường Đại học Điện lực cho rằng, việc tuân thủ định mức tiêu hao năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp góp phần quan trọng vào việc sử dụng hiệu quả điện năng. Chỉ thị 20/CT-TTg cũng nhấn mạnh đây là đối tượng điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm phải tuân thủ định mức tiêu hao năng lượng.

"Khi mà xây dựng các thông tư về định mức năng lượng thì chúng ta khuyến khích là mỗi doanh nghiệp cố gắng năm sau là tốt hơn năm trước. Nhưng tất nhiên là tại sao lại cần có định mức? vì định mức sinh ra để các doanh nghiệp đang ở dưới họ không chỉ là hiệu quả thêm 10-20% mà họ cố gắng để nhảy lên định mức cao hơn. Họ có một mục tiêu phấn đấu thì nó sẽ làm cho hiệu quả của chúng ta tăng nhanh hơn. Hoặc là một trong những điểm trong các thông tư liên quan đến ảng này là yêu cầu đầu tư mới thì ít nhất phải đạt được cái giá trị định mức, thì đấy là những cái mà tôi nghĩ là thông tư đã đặt những điểm nhấn để cho hiệu quả năng lượng trong công nghiệp của chúng ta tốt hơn".

Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn - PCT Thường trực Hiệp hội năng lượng Việt Nam, tiêu dùng điện đang chiếm tới gần 30% trong tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng (năm 2022 là 28,7%) và sẽ tăng lên khoảng 40% vào năm 2030 và tới 58% vào năm 2050. Xu thế chuyển dịch năng lượng cho thấy điện hoá trong các ngành kinh tế đang ngày càng lớn. Vì thế, tiết kiệm điện chính là giải pháp “lõi” của việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong cả trước mắt và lâu dài.
 

Nguyên Long