Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm.
Để giải quyết vấn đề, EVN nỗ lực đề ra những kịch bản đảm bảo nguồn cung, huy động thị trường điện cạnh tranh có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân.
Có thể tiết kiệm 630 triệu kWh
Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, giai đoạn vừa qua, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 10,9% trong giai đoạn 2010 - 2015, và 10,1% trong giai đoạn 2016 - 2019. Hệ số đàn hồi điện năm 2019 của Việt Nam đạt 1,29 nhưng vẫn ở mức cao hơn so với các nước phát triển. Dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Điều này chứng tỏ chúng ta sử dụng năng lượng còn lãng phí, chưa hiệu quả.
Tại diễn đàn “Năng lượng cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19”, do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Báo Giao thông tổ chức, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết: Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năm tiêu thụ/năm, thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng. Với khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện/năm tiêu thụ, cả nước sẽ tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.
EVN thời gian qua đã nỗ lực bảo đảm nguồn điện thông suốt.
Như vậy, tiết kiệm điện là rất quan trọng. EVN đã phối hợp với các đơn vị để tuyên truyền, hỗ trợ cơ sở dùng điện trong kiểm toán năng lượng, tư vấn tiết kiệm điện. Để thúc đẩy các chương trình quản lý phía nhu cầu, điều chỉnh phụ tải điện, dịch vụ tiết kiệm điện, ông Võ Quang Lâm kiến nghị Chính phủ cần ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích tài chính, hỗ trợ giá, vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thuế... cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Ngoài ra, có quy định về xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức không thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Kịch bản đảm bảo nguồn cung
“Về cơ bản, hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện năm 2022, tuy nhiên, khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng cực đoan (nền nhiệt độ cao hơn 36 độ C kéo dài trong các tháng 5 – 6 - 7). Năm 2022, miền Bắc sẽ thiếu 1.592 - 2.400MW điện ở một số giờ cao điểm EVN” – Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm thông tin.
Theo ông Lâm, luỹ kế 10 tháng năm 2021, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 213 tỷ kWh, tăng trưởng 3,3% so với năm 2020, song vẫn thấp hơn 5,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm (218,7 tỷ kWh). Trong khi đó, khu vực miền Bắc vẫn tăng trưởng rất cao, kể cả trong tháng 8/2021, khi xuất hiện các đợt nắng nóng, công suất cực đại miền Bắc đạt 21.782 MW (ngày 6/8), tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi, tổng công suất đặt hệ thống điện miền Bắc gần 28.500 MW (đã bao gồm thủy điện nhỏ).
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh của T&T Group hòa lưới điện quốc gia vào tối 10/6/2020 đã góp phần cung cấp thêm nguồn điện.
“Với dự báo công suất đỉnh phụ tải miền Bắc năm 2022 có thể đạt từ 23.927 - 24.721MW, tăng thêm 2.076 - 2.870MW so với năm 2020, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.592 - 2.400MW trong một số giờ cao điểm trong điều kiện thời tiết cực đoan” - ông Võ Quang Lâm cho biết.
Hiện việc cung ứng điện của các nhà máy thủy điện đang gặp thách thức khi mực nước về các hồ thủy điện thiếu hụt. Tính đến tháng 10/2021, khu vực các hồ: Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình, thiếu hụt khoảng 41% so với trung bình nhiều năm, tần suất 84 - 98%. Ước tính đến 31/12/2021, tổng lượng nước tính trong hồ trên hồ thủy điện là 14.3 tỷ kWh, hụt 738 triệu kWh. Mực nước các hồ như Hòa Bình có thể hụt 4,5m, Thác Bà hụt 2,87m, Nậm Chiến 1 hụt 23,8m, Bắc Hà hụt 13,1m, Cửa Đạt hụt 6,7m… Thực tế, tổng sản lượng thủy điện lũy kế 10 tháng theo nước về đạt 62,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm.
Từ tình hình thực tế, EVN đã chuẩn bị kịch bản sản lượng điện tăng 12,4%, tương đương 286,1 tỷ kWh. Giải pháp cần thực hiện để đảm bảo cung ứng điện đó là, phải tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ miền Bắc. Bên cạnh đó, sẽ huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc.
“Tăng công suất nguồn điện thủy điện nhỏ vào các khung giờ cao điểm; Nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh; Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và huy động các doanh nghiệp có máy phát diesel hỗ trợ tại miền Bắc... cũng là những giải pháp được EVN tính toán đến” – ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tiết kiệm điện
Thực tế cho thấy, cùng với những giải pháp về đảm bảo nguồn điện, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời, giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển kinh tế bền vững (Bộ Công thương) Trịnh Quốc Vũ.
Đưa ra quan điểm của mình, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển kinh tế bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết, xét về chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (lượng năng lượng mà nền kinh tế phải sử dụng để tạo ra được 1.000 USD GDP), hiện nay Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn Thái Lan khoảng 30%, hơn Malaisia khoảng 60%... Như vậy cho thấy, sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa hiệu quả.
“Thời gian tới, Việt Nam nên lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế... Trong đó, có chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam...” – ông Trịnh Quốc Vũ chỉ ra.
Năng lượng tái tạo thời gian tới sẽ góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo nguồn cung năng lượng, quan trọng là làm sao đưa vào vận hành có hiệu quả nguồn năng lượng này một cách tốt nhất. EVN sẽ phải đi đầu, lên kế hoạch sớm trong câu chuyện này cũng như chủ động cả về công nghệ lẫn phương án ứng phó.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn
Tính đến hết tháng 10, cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện Việt Nam gồm: 32% nhiệt điện than, 27% năng lượng tái tạo, 29% thủy điện, 9% nhiệt điện khí, 2% nhiệt điện dầu, 1% nhập khẩu.
|