Tư vấn sử dụng điện

Sử dụng quạt điều hòa đúng cách

Thứ tư, 20/5/2020 | 10:02 GMT+7
Khác với máy điều hòa nhiệt độ cần có phòng kín để không thất thoát nhiệt, quạt điều hòa bản chất là phun nước ra không khí. 

Càng đóng kín cửa càng nóng
 
Những ngày nắng nóng, anh Nguyễn Phạm Tuấn Minh (Hà Nội) đem cả 2 chiếc quạt điều hòa ra, bật hết công suất cho mát. Nghĩ quạt điều hòa cũng giống như máy điều hòa nhiệt độ, để hơi nóng bên ngoài không vào được nhà, anh liền đóng hết cửa chính và cửa sổ cho mát. Nhưng chỉ sau 3 ngày sử dụng liên tục như vậy, cả 2 chiếc quạt điều hòa và chiếc tivi bỗng dưng bị hỏng. Gọi thợ sửa chữa đến nhà kiểm tra thì anh được biết một số thiết bị điện trong nhà anh đã bị hỏng do hơi nước từ chính chiếc quạt điều hòa phát ra làm hỏng IC, linh kiện điện tử của các thiết bị này.
 
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, không ít người tiêu dùng nghĩ rằng khi sử dụng quạt điều hòa là phải đóng chặt cửa như khi sử dụng điều hòa. Tuy nhiên, hiệu quả làm mát của quạt điều hòa sẽ bị giảm khi dùng quạt trong phòng kín, độ ẩm cao. Quạt điều hòa có chức năng làm mát bằng cách cân bằng độ ẩm môi trường, khi phòng đóng kín, không khí không lưu thông được thì quạt sẽ không thực hiện được chức năng cân bằng độ ẩm, do đó, cảm giác nóng sẽ tăng lên. Khi sử dụng, nên đặt quạt ở đúng vị trí thông gió. Mặt lấy gió (mặt sau lưng) của quạt nên đặt ở nơi rộng rãi, dễ hứng được nhiều gió, khuyến khích khoảng cách tối thiểu với vật cản là 20cm. Không đặt các vật dụng làm cản trở quá trình lấy gió và luân chuyển không khí của quạt, nếu không sẽ giảm hiệu quả làm mát và gây tốn điện.
 
Nhiều người “sáng tạo” cho thêm tinh dầu, nước hoa vào bình chứa để quạt tạo ra mùi thơm. Theo KS Nguyễn Huy Bạo, hành động này có thể gây tắc ở tấm làm mát, ống/vòi dẫn nước hay thậm chí tắc máy bơm khiến quạt hư hại. Nếu muốn tạo hương thơm cho căn phòng, bạn có thể đặt sáp thơm trước quạt để hương thơm theo luồng gió quạt lan tỏa vào không khí trong phòng.
 
Quạt điều hòa không thay thế máy điều hòa
 
TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, về bản chất, quạt điều hòa không thể giảm được nhiệt độ thấp đến cả chục độ C như quảng cáo. Quạt làm mát bằng hơi nước chứ không phải sử dụng làm mát bằng nén khí như máy điều hòa. Do vậy, quạt điều hòa không thể thay thế máy điều hòa nhiệt độ vì nguyên lý hoạt động khác nhau, hiệu quả làm mát cũng khác nhau. Quạt có cấu tạo rất đơn giản gồm một mạch điều khiển, bơm nước và quạt. Quạt điều hòa về bản chất là quạt điện, không phải máy điều hòa.
 
Ngoài ra theo TS Trần Văn Thịnh, nhiều người chọn mua loại quạt điều hòa “giá sốc” ở các siêu thị vì đó là hàng trưng bày. Nhưng khác với tủ lạnh, máy giặt, bếp điện chỉ trưng trên kệ mà không vận hành,  quạt điều hòa gần như được bật liên tục trong thời gian dài với công suất tối đa cho khách hàng trải nghiệm. Độ bền do đó cũng kém đi rất nhiều. Thời gian hoạt động của sản phẩm có khi nhiều gấp vài lần so với sử dụng trong gia đình. Do đó, không nên ham rẻ để mua loại quạt này. Khi mua quạt, cần xem chúng có gây ra tiếng ồn lớn không, các chi tiết bên trong có bị hỏng hóc không. Các vị trí như tem sản phẩm bị mờ, vết trầy xước ở các góc, nút bấm bị mòn màu, thậm chí lớp bảo vệ bong nhẹ... thì không nên mua.
 
Theo TS Trần Văn Thịnh, để đảm bảo hiệu quả làm mát mà vẫn tiết kiệm điện thì cách sử dụng các thiết bị này rất quan trọng. Bật điều hòa nhiệt độ trên 26 độ C và kèm theo quạt điện là cách làm mát đơn giản và tiết kiệm điện hơn cả. Đối với quạt điều hòa, dù không tốn điện như máy điều hòa thì cũng không nên lạm dụng và nhớ làm sạch khay đựng nước và cánh quạt thường xuyên.

Link gốc
Theo: KH&ĐS