Sử dụng thiết bị bay không người lái kiểm tra đường dây 220kV, 500kV

Thứ tư, 1/5/2019 | 15:11 GMT+7
Công ty Truyền tải điện 2 đang nghiên cứu, thử nghiệm sử dụng các thiết bị bay không người lái như Flycam, UAV, Drone để kiểm tra, quản lý vận hành trên các tuyến đường dây 220kV,500kV.
 

Ứng dụng thiết bị Drone để đốt dây diều mắc trên đường dây 500kV đang mang điện. 
 
Thực hiện nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, quản lý vận hành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đang triển khai việc nghiên cứu, thử nghiệm sử dụng các thiết bị bay không người lái như Flycam, UAV, Drone để kiểm tra, quản lý vận hành trên các tuyến đường dây truyền tải điện 220kV, 500kV. 
 
Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc  Công ty Truyền tải điện 2 cho biết, với công tác quản lý vận hành lưới điện, việc kiểm tra định kỳ, đột xuất các thiết bị, phụ kiện trên lưới điện chủ yếu vẫn bằng phương pháp thủ công như công nhân tiếp cận trực tiếp hoặc kiểm tra thông qua một số thiết bị hỗ trợ từ xa là ống nhòm, camera…
 
Việc kiểm tra thiết bị, hành lang tuyến đường dây theo phương pháp truyền thống yêu cầu người công nhân phải di chuyển dọc theo đường dây.
 
Nhiều cung đoạn đi qua các địa hình phức tạp khó khăn như đồi núi, sông hồ, rừng rậm ... Ngoài ra, còn có một số yếu tố khách quan như thời tiết (nắng nóng ...), nguy cơ đối diện các loài côn trùng bò sát (thú dữ, rắn, ong...) ...
 
Do vậy, việc kiểm tra theo phương pháp này gây khó khăn nhất định cho người công nhân quản lý vận hành, độ chính xác không cao, lại phụ thuộc nhiều vào nhận định chủ quan của người công nhân và ảnh hưởng đến vận hành bởi nhiều trường hợp phải cắt điện mới kiểm tra được. 
 
Chưa kể, trong kiểm tra sau bất thường, sự cố, kiểm tra sau mưa lũ ..., đòi hỏi người công nhân phải nhanh chóng tiếp cận hiện trường nhằm phát hiện các bất thường, sự cố kịp thời … điều này cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn gây nguy hiểm cho người công nhân khi các đoạn tuyến bị chia cắt bởi nước sông, suối dâng cao, hiện tượng sạt lở …
 
Xuất phát từ những khó khăn hiện hữu trong kiểm tra, quản lý vận hành lưới điện như hiện nay, PTC2 đề xuất phương án sử dụng thiết bị bay không người lái vào kiểm tra quản lý vận hành lưới điện truyền tải với mục tiêu nâng cao năng suất và kiểm soát thêm nhiều về hành lang, các vị trí khuất của đường dây.
 
Sau thử nghiệm thành công, Công ty sẽ xem xét việc triển khai đồng bộ sử dụng thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành lưới điện truyển tải thuộc phạm vi quản lý của Công ty.
 
Theo ông Trần Thanh Phong, nghiên cứu ứng dụng dùng Flycam trong kiểm tra, quản lý vận hành đường dây gồm: Kiểm tra được các khu vực tuyến đường dây, tình trạng thiết bị các vị trí bị cô lập, chia cắt không tiếp cận trong mùa mưa lũ do nước sông, suối dâng cao hoặc xảy ra sạt lở.
 
Cùng với việc khảo sát nhanh và tổng quát được địa hình tại khu vực sạt lở để nắm được tình hình và đề ra biện pháp xử lý kịp thời, sử dụng thiết bị này còn hạn chế được các nguy hiểm cho người công nhân khi bắt buột phải kiểm tra các thiết bị, phụ kiện trên lưới điện đang mang điện.
 
Đồng thời nhanh chóng tiếp cận các thiết bị hư hỏng (phần mang điện) cho hình ảnh chính xác, phục vụ công tác phân tích điều tra sự cố …
 
Mặt khác, Công ty cũng lập lộ trình bay, điều kiện và phương pháp bay để đảm bảo an toàn cho thiết bị bay và đặc biệt là đảm bảo vận hành an toàn, liên tục cho lưới điện đang mang điện vận hành.
 
Ngoài việc sử dụng thiết bị bay không người lái kiểm tra đường dây 220kV, 500kV, PTC2 còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, quản lý vận hành, như: áp dụng công nghệ vệ sinh cách điện lưới điện truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao (vệ sinh cách điện hotline).
 
Công ty cũng chủ động đăng ký thực hiện vệ sinh cách điện thiết bị, đặc biệt là đối với một số thiết bị ở khu vực có mức độ ô nhiễm cao như gần biển, gần các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp …
 
Đồng thời chủ động vệ sinh cách điện các thiết bị bị nhiễm bẩn khi không được bố trí cắt điện theo kế hoạch dự kiến qua đó giảm các nguy cơ phóng điện qua cách điện do nhiễm bẩn. Giảm được khối lượng vệ sinh cách điện khi cắt điện đường dây, thiết bị.
 
Rửa sứ Hotline trên đường dây 500kV đang mang điện. 
 
Công ty còn sử dụng máy đo phóng điện vầng quang (Corocam), giúp kiểm tra được chất lượng của vệ sinh cách điện, phát hiện sớm các bất thường của cách điện trên lưới truyền tải để có phương án xử lý. Trước đây chỉ được thực hiện thông qua quan sát bằng mắt, không đảm bảo tính chính xác …
 
Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục sử dụng máy đo phát nhiệt hiện đại (máy Flir), cung cấp công cụ kiểm tra nhanh hơn, chính xác hơn, an toàn hơn trong đo kiểm tra phát nhiệt tại các mối nối, tiếp xúc so với các đời máy được trang bị trước đây.
 
Thiết bị này đo được ở khoảng cách xa hơn, do đó không cần người công nhân phải leo trực tiếp lên cột để kiểm tra nhiệt độ.
 
Mặt khác, Công ty cũng thực hiện chụp hình toàn bộ cụm thiết bị xung quanh điểm tiếp xúc và kiểm tra nhiệt độ trực tiếp trên phần mềm máy tính, do đó giảm thời gian thực hiện tại hiện trường.
 
Một số thiết bị trước đây phải hướng tia laze vào điểm cần đo nên sẽ không đảm bảo chính xác khi ở khoảng cách xa và người thực hiện không giữ được thiết bị ổn định.
 
Việc áp dụng máy đo tổng trở tiếp địa đã xác nhận giá trị tổng trở hệ thống tiếp địa phục vụ cho việc kiểm tra định kỳ hệ thống tiếp địa và làm căn cứ cho việc thực hiện đề xuất sửa chữa hệ thống tiếp địa, nghiệm thu sửa chữa hệ thống tiếp địa. Giám sát và xác định điểm sự cố qua hệ thống FL.
 
Theo PTC2, việc triển khai Quy định Thông tư 28/2014 BCT ngày 15/9/2014 về quy trình xử lý sự cố trong hệ thống điện quốc gia, EVNNPT đã đưa vào khai thác Hệ thống định vị sự cố FL (Fault Recoder) - SFL 2000 với độ chính xác cao cho các đường dây từ 200 - 500kV.
 
Hệ thống này giúp EVNNPT sử dụng phần mềm quản lý FL với  trình duyệt IE chính xác được các sự cố ngắn mạch đường dây. Hiện các đơn vị truyền tải đã áp dụng để trực ban điều độ theo dõi trong ca trực.      
 
PTC2 cho biết, việc Công ty ứng dụng các giải pháp công nghệ này là hướng đến mục tiêu nâng cao độ tin cậy của lưới điện truyền tải.
Mai Phương/Icon.com.vn