Cuốn sách sẽ giúp người dân địa phương có thêm thông tin hữu ích về điện hạt nhân.
Cuốn sách được trình bày dưới dạng hỏi đáp với toàn bộ nội dung cơ bản liên quan đến điện hạt nhân nói chung và sự phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Việt Nam. Theo đó có các nhóm câu hỏi liên quan đến kiến thức chung về năng lượng nguyên tử hạt nhân, sự chuyển hóa năng lượng hạt nhân thành điện năng; Lịch sử phát triển nhà máy điện hạt nhân vì mục đích hòa bình; tầm quan trọng của dự án điện hạt nhân; các cơ quan quản lý về điện hạt nhân; Quy trình xây dựng, giải pháp kỹ thuật, vận hành; lưu trữ, xử lý chất thải; đào tạo nhân lực của nhà máy điện hạt nhân; các ảnh hưởng của điện hạt nhân với đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe con người, môi trường...
Trước đây, năng lượng hạt nhân chủ yếu được dùng để chế tạo vũ khí nhưng với khả năng vượt trội về năng lượng cùng sự phát triển của công nghệ, ngày nay hạt nhân có thể sử dụng để sản xuất năng lượng điện vì mục đích hòa bình.
Việt Nam là một nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì vậy rất cần đến nguồn năng lượng. Tuy nhiên việc phát triển năng lượng truyền thống như nhiệt điện than, dầu, thủy điện không chỉ đối mặt với việc cạn kiệt tài nguyên, mà còn gây ô nhiễm môi trường. Năng lượng hạt nhân là năng lượng sạch, vừa tăng nguồn cung cấp, ít ô nhiễm, ổn định cao vừa chủ động, ít bị phụ thuộc vào thiên nhiên. Tuy nhiên các dự án có thực hiện được hay không ngoài nhiều hạng mục quan trọng cần có sự hiểu biết và đồng thuận của cộng đồng xã hội, đặc biệt là nhân dân địa phương tại nơi đặt dự án.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử - Bộ Khoa học Công nghệ đã đánh giá cao nỗ lực của Rosatom và đơn vị liên quan trong việc chuyển ngữ, in ấn cuốn sách từ tiếng Nga sang tiếng Việt và tiếng Anh để trợ giúp cho việc tuyên truyền.
Đại diện truyền thông cho Rosatom cho biết, việc làm này nhằm triển khai Hiệp định giữa Việt Nam và Nga ký ngày 31/10/2010, Quyết định số 370/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020, cũng như Thỏa thuận Hợp tác thông tin tuyên truyền năng lượng hạt nhân giai đoạn 2015-2020 giữaTập đoàn Rosatom và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào đầu năm nay.
Theo: Báo Công thương