Tư vấn sử dụng điện

Sự thật về quan niệm luôn để điều hòa nhiệt độ trong phòng dưới 20 độ C mà ai cũng nên biết

Thứ năm, 24/5/2018 | 10:39 GMT+7
Nhiều gia đình lầm tưởng rằng để điều hòa ở nhiệt độ dưới 20 độ C để căn phòng luôn được mát mẻ, nhưng ngược lại làm vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tiêu hao tiền điện lớn.

Theo các chuyên gia điện máy, vào mùa hè, điều hòa dường như trở thành vật bất ly thân ở hầu hết các gia đình. Để chống chọi với cái nắng nóng như thiêu như đốt hiện nay, nhiều gia đình có thói quen thường xuyên cài đặt điều hòa ở nhiệt độ quá thấp trong nhiều giờ liên tục, từ ngày này qua ngày khác.
 
Chính vì thói quen cài đặt điều hòa ở nhiệt độ quá thấp và liên tục như vậy đã gây ra nhiều nguy hại. Cụ thể, khi cài đặt ở mức nhiệt độ thấp (dưới 20 độ C), điều hòa sẽ phải hoạt động hết công suất để đạt được nhiệt độ cài đặt, sau đó rơle của điều hòa sẽ tự ngắt hoạt động của dàn nóng.
 

Một thói quen cài đặt điều hòa ở nhiệt độ quá thấp (dưới 20 độ C).

Tuy vậy, trong những ngày thời tiết nắng gắt, oi bức, nhiệt độ phòng sẽ tăng lên rất nhanh, khiến điều hòa sẽ phải khởi động lặp đi lặp lại nhiều lần, điều này sẽ gây hao phí một lượng lớn điện năng. Và đến cuối tháng, hóa đơn tiền điện tất nhiên sẽ tăng chóng mặt.
 
Bên cạnh đó, việc điều hòa phải hoạt động hết công suất cũng khiến tuổi thọ của điều hòa giảm nhanh. Bởi, điều hòa cũng giống như bóng điện, quạt điện, nồi cơm điện,... chúng đều có tuổi thọ nhất định, nếu dùng quá tải thì tuổi thọ của chúng càng ngắn lại, thậm chí có thể xảy ra cháy nổ khi đang sử dụng.
 
Thực tế, một thợ điều hòa chia sẻ, với những ngày nắng nóng lên tới 38-40 độ C, nhiều gia đình có thói quen sử dụng điều hòa liên tục, mở 24/24 giờ, thậm chí chạy nhiều ngày liền và luôn để nhiệt độ dưới 20 độ C, khiến điều hòa phải gồng lên, chạy quá tải. Trong trường hợp này, tiền điện không những tốn hơn mà cục nóng của điều hòa còn có nguy cơ phát nổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
 
Ngoài ra, ở trong phòng máy lạnh liên tục như vậy rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, bị ho, bị sổ mũi..., hoặc các bệnh về da như khô da, dị ứng,... nhất là khi máy lạnh không được vệ sinh/ bảo dưỡng định kỳ. Điều này xảy ra khi bạn đi ra đi vào trong và ngoài phòng quá nhanh và đột ngột. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài phòng quá cao, trên 10 độ C sẽ khiến cho cơ thể ảnh hưởng phản ứng bất ngờ sốc nhiệt. Đặc biệt với trẻ con, người già thì điều này càng nguy hiểm hơn, nó sẽ gây chóng mặt, nôn mửa…
 
Theo các chuyên gia điện máy, cách sử dụng an toàn và bền nhất là không nên bật điều hòa 24/24, những lúc trời mát mẻ có thể tắt điều hòa để chúng nghỉ ngơi, mở các cánh cửa để thông không khí và ánh sáng. Thêm nữa, nên cài đặt nhiệt độ ở mức từ 26-28 độ C vì mức này vừa đảm bảo sức khỏe tạo cảm giác thỏa mái lại vừa kéo dài được tuổi thọ cho điều hòa.
 

Nên sử dụng mức nhiệt từ 26 độ trở lên.

Không nên tắt điều hòa ngay khi đã đủ mát việc tắt máy điều hòa khi phòng đã mát và bật lại khi nhiệt độ bắt đầu nóng lên cứ tưởng là một cách tiết kiệm điện, tuy nhiên điều này lại tiêu tốn điện năng hơn do máy phải khởi động lại nhiều lần.
 
Với những ngày nắng nóng thiêu đốt, lên tới 38-40 độ C như hiện này, nếu cài đặt điều hòa ở mức 26-28 độ C mà vẫn không thấy mát, có thể sử dụng kèm quạt điện để tăng độ thoáng mát trong phòng.
 
Thêm một lưu ý bạn nên chọn những góc mát mẻ và thoáng đãng nhất trong phòng để lắp đặt điều hoà, nó sẽ giúp không khí mát có thể lưu thông khắp phòng.
Theo: VTV