TCBC của EVN về Lễ khánh thành công trình thủy điện Sơn La

Thứ hai, 24/12/2012 | 08:14 GMT+7
Ngày 23/12/2012, tại Sơn La, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Lễ Khánh thành Công trình Thủy điện Sơn La.
 

 
Đây là sự kiện khánh thành một công trình quan trọng của ngành điện và cũng là sự kiện quan trọng của đất nước. Tham dự lễ Khánh thành có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ ngành liên quan và đại diện chính quyền, nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; các cơ quan thông tấn báo chí; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (chủ đầu tư), Ban QLDA NMTĐ Sơn La (đại diện chủ đầu tư), Tổng thầu, các nhà thầu thành viên, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu cung cấp thiết bị v.v...
 
Dự án Thủy điện Sơn La với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW) là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà (sau thủy điện Lai Châu và là bậc trên của thủy điện Hòa Bình). Công trình chính thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hồ chứa nước thuộc một số xã, huyện của tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Dự án Thủy điện Sơn La gồm 3 dự án thành phần:

+ Dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư (các hạng mục chính gồm đập dâng, đập tràn, tuyến năng lượng, nhà máy thủy điện, hệ thống truyền tải đấu nối vào lưới điện Quốc gia)

+ Dự án di dân tái định canh, định cư do UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu làm chủ đầu tư

+ Dự án các công trình giao thông tránh ngập do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư

Một số nét khái quát về Dự án xây dựng công trình:

- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện là Ban QLDA NMTĐ Sơn La

- Tư vấn thiết kế chính: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1

- Các thông số và khối lượng chính của công trình thủy điện:

    + Diện tích lưu vực: 43.760 km2

    + Dung tích hồ chứa: 9,26 tỷ m3

    + Mực nước dâng bình thường: 215m

    + Mực nước gia cường: 217,83m

    + Mực nước chết: 175m

    + Công suất lắp đặt 2.400MW (6 x 400MW)

    + Sản lượng điện hàng năm: 10,246 tỷ kWh (trong đó tăng cho thủy điện Hòa Bình là 1,267 tỷ kWh)

    + Kết cấu đập bê tông trọng lực cao 138,1m, chiều dài đỉnh đập 961,6m, công trình có 12 khoang xả sâu, 6 khoang xả mặt. Nhà máy thủy điện kiểu hở, bố trí sau đập.

    + Khối lượng đào đắp đất đá các loại 14,673 triệu m3

    + Khối lượng bê tông các loại 4,920 triệu m3, trong đó 2,238 triệu m3 bê tông đầm rung (CVC)  và 2,682 triệu m3 bê tông bê tông đầm lăn (RCC).

    + Khoan phun gia cố và khoan phun chống thấm 109.400 md

    + Khối lượng thiết bị 72.070 tấn các loại.

- Tiến độ: Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổ máy 1 phát điện vào năm 2012, hoàn thành toàn bộ nhà máy vào năm 2015; được hiệu chỉnh phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2010, hoàn thành công trình vào 2012.

- Các mốc chính của dự án đã đạt được:

+ Khởi công và ngăn sông đợt 1: ngày 02/12/2005

+ Ngăn sông đợt 2: ngày 23/12/2008

+ Ngăn sông đợt 3 và tích nước: ngày 15/5/2010

+ Phát điện tổ máy 1: ngày 17/12/2010

+ Phát điện tổ máy 2: ngày     20/4/2011

 + Phát điện tổ máy 3: ngày 23/8/2011

 + Phát điện tổ máy 4: ngày 19/12/2011

 + Phát điện tổ máy 5: ngày 28/4/2012

 + Phát điện tổ máy 6: ngày 26/9/2012

- Các nhà thầu chính tham gia xây dựng công trình:

Dự án thành phần xây dựng công trình thủy điện Sơn La do Tổ hợp nhà thầu là Tổng Công ty Sông Đà (tổng thầu), Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (LICOGI) và Tổng Công ty Lắp máy (LILAMA) thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị.

Cung cấp thiết bị chính cho nhà máy gồm: Thiết bị cơ điện do hãng ALSTOM cung cấp, máy biến áp do China National Heavy Machinary cooperation & Xi'an XD Transfomrmer Co.,Ltd. cung cấp, trạm phân phối 500kV (GIS) do New Northeast electric high voltage switchgear Co.,Ltd cung cấp... Các thiết bị cơ khí thủy công phần lớn do các nhà thầu trong nước gia công, chế tạo (thiết bị cửa nhận nước do Liên danh Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Tổng Công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp & thủy lợi và Viện Nghiên cứu cơ khí thực hiện; đường ống áp lực do Liên danh Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung và Công ty Cổ phần Cơ khí Điện lực chế tạo, cầu trục các loại do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung và Cơ khí Hồng Nam chế tạo và cung cấp).

Việc Thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đồng nghĩa với việc Dự án cung cấp sớm hơn cho nền kinh tế quốc dân 12,5tỷ kWh điện năng, tương đương giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước. Thành công của Dự án là sự kết tinh của tinh thần lao động tập thể cần cù, sáng tạo, thể hiện rõ nét sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam.
 
Ban quan hệ cộng đồng - EVN