Nhiều người dân tại TPHCM đầu tư hàng trăm triệu đồng cho hệ thống điện năng lượng mặt trời tại gia đình để giảm tiền điện hàng tháng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường.
Nhiều hộ dân sử dụng không hết còn bán ngược lại cho ngành điện.
105 triệu đồng cho hệ thống điện gia đình
Nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo của người dân TPHCM đang tăng lên. Tính từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2018, số hộ dân sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời và đăng ký bán lại phần điện dư tại thành phố đã tăng khoảng 2,7 lần. Đây là con số rất đáng khích lệ bởi từ đầu tháng 3/2018 đến nay, nhiều vùng trên nước ta phải trải qua những đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt là TPHCM và khu vực Nam Bộ. Do đó, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt tăng cao.
Theo dự báo, tình hình nắng nóng sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp nên có khả năng hệ thống điện quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp điện. Ngoài việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì giải pháp tự cung cấp năng lượng điện nhờ vào nguồn năng lượng mặt trời đang là xu hướng phát triển của thế giới. Nguồn điện từ năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch như than đá hay dầu mỏ và rất thân thiện môi trường. Nguồn năng lượng này cũng giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới và còn có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện đối với các hệ thống điện mặt trời nối lưới. Người dân khi sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời sẽ không mất chi phí vận hành và chi phí bảo trì khá thấp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga (ngụ tại hẻm 280 Huỳnh Văn Bánh, phường 11, quận Phú Nhuận) cho biết, gia đình bà đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên tầng thượng và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2017 với chi phí lắp đặt hệ thống lên đến 105 triệu đồng. Từ khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, mỗi tháng gia đình bà tiết kiệm được khoảng hơn 1 triệu đồng tiền điện. “Trước đây, mỗi tháng gia đình tôi phải dùng hết 2,6 – 2,7 triệu đồng tiền điện nhưng khi có điện năng lượng mặt trời thì tiền điện mỗi tháng chỉ còn khoảng 1,6 triệu đồng”, bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, vào ban ngày thì các thiết bị trong nhà như máy lạnh, máy giặt, quạt máy, nước nóng đều được vận hành nhờ hệ thống năng lượng mặt trời. Trong 5 tháng qua, gia đình bà có sản lượng điện dư ra khoảng 1.500kW để bán lại cho ngành điện. Không chỉ gia đình bà Nga mà còn nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà Nước và trường đại học tại TPHCM đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí hàng tháng.
Năng lượng “sạch” nhưng giá “chát”
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Ban quan hệ cộng đồng – Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, TPHCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,3 kWh/m2/ngày đến 6,6 kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày, thấp nhất là 5,4 giờ/ngày vào tháng 4, cao nhất đạt 8,8 giờ/ngày vào tháng 3 và liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở Bắc bộ. “Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TPHCM khá cao là 1.581 kWh/m2/năm, tương ứng 4,3kWh/m2/ngày nên tiềm năng phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn và khả thi”, ông Hưng nói.
Tuy nhiên, vị đại diện của Điện lực TPHCM cũng khuyến cáo, vào mùa mưa hay những ngày không có nắng thì công suất của hệ thống năng lượng mặt trời chỉ bằng 40 – 60% so với những ngày không có nắng. Còn đối với những khu vực có thời tiết lạnh kéo dài thì hệ thống năng lượng mặt trời có công suất rất thấp. Chính vì vậy, người dân sinh sống ở vùng thời tiết lạnh thường ít sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời. Cũng theo ông Hưng, tính đến nay đã có 284 khách hàng có lắp đặt điện mặt trời nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện với tổng công suất lắp đặt là 3,64 MWp, tăng 2,7 lần so với tháng 9/2017 (chỉ 105 khách hàng).
Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Nga (ngụ hẻm 280 Huỳnh Văn Bánh, phường 11, quận Phú Nhuận ) sử dụng điện năng lượng mặt trời được 5 tháng và đã dư 1.500kW để bán lại cho ngành điện.
Mặc dù nguồn điện từ năng lượng mặt trời có nhiều ưu điểm nhưng ông Hưng cũng thừa nhận là chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao so với thu nhập trung bình của người dân thành phố. Bình quân cứ 8m2 trần phẳng mới hấp thụ đủ ánh nắng mặt trời để sinh ra 1kWp, chi phí đầu tư điện mặt trời bình quân khoảng từ 22 – 30 triệu đồng/1kWp. Như vậy, nếu một hộ dân có nhu cầu sử dụng điện khoảng 500kWh/1 tháng (hơn 1 triệu đồng/tháng) thì cần đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời khoảng 4kWp trị giá khoảng 88 – 120 triệu đồng và diện tích trần phẳng tối thiểu là 32m2.
Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM thì giá điện của các dự án điện năng lượng mặt trời thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Đơn giá là 2.086 đồng/kWh (chưa gồm VAT).
Điện lực TPHCM đã kiến nghị lên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nhằm sớm ban hành hướng dẫn về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ hợp lý nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện nay trong việc sử dụng điện mặt trời nối lưới trên mái nhà của người dân, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng điện mặt trời.