TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch

Thứ ba, 19/6/2018 | 10:41 GMT+7
Cùng với quá trình xây dựng đô thị thông minh, TP. Hồ Chí Minh đang tích cực áp dụng các giải pháp chuyển đổi sử dụng từ năng lượng chất đốt, hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch góp phần giảm tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường sống.

Ảnh minh họa.
 
TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, tập trung nhiều trung tâm đô thị, công nghiệp và dân cư cho nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất lớn. Theo Sở Công thương, trung bình mỗi năm thành phố tiêu thụ khoảng 22 tỷ kW giờ điện, chiếm khoảng 15% tổng tiêu thụ của cả nước và tăng lên hằng năm, trong khi nguồn điện cung cấp cho cả nước luôn đứng trước nguy cơ thiếu hụt. Từ đầu năm 2018 đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai các hạng mục quan trọng trong đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đây là đề án được triển khai trong bối cảnh bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sử dụng năng lượng thông minh cũng là một trong các trụ cột hướng tới đô thị thông minh, bao gồm các yếu tố sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, được xem là giải pháp công nghệ quan trọng giúp thành phố giải quyết các thách thức về môi trường khi BĐKH ngày càng trầm trọng.
 
Trong năm 2017, thành phố đã phát điện Nhà máy điện Gò Cát từ công nghệ đốt rác với công suất khoảng 3MW và sắp đưa vào vận hành Nhà máy điện rác Đa Phước với công suất khoảng 12MW. Thành phố đang kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác, vừa tạo năng lượng an toàn cho môi trường. Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích người dân sử dụng máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời với mức hỗ trợ một triệu đồng/máy/hộ dân. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 12 nghìn máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, với tổng công suất quy đổi khoảng 36MW. Hiện đã có 274 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 3,6MWp. Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc tiết kiệm năng lượng. Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, theo thống kê giai đoạn 2011- 2017, tổng điện năng tiết kiệm toàn thành phố đạt hơn 3,1 tỷ kW giờ, qua đó góp phần giảm được hơn 2,039 triệu tấn khí CO2, lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
 
Mặc dù TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều hỗ trợ, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nhưng nhìn chung việc triển khai còn chậm, chủ yếu mới tập trung vào máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Nguồn phát điện từ năng lượng mặt trời hòa vào mạng lưới điện chưa đáng kể. Nguyên nhân là do mức đầu tư cao, trong khi giá bán điện chưa được Nhà nước hỗ trợ và việc bán điện còn một số vướng mắc khác. PGS, TS Nguyễn Minh Duệ, Ủy viên Thường trực Hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Trở ngại khiến các nhà đầu tư chưa đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng chính là hệ thống truyền tải điện. Theo quy định hiện hành, các chủ đầu tư phải đầu tư hệ thống truyền tải từ nhà máy đến lưới điện và điều chỉnh biến áp. Chi phí đầu tư rất lớn, nhiều nhà đầu tư có kỹ thuật nhưng không mạnh về vốn, trong khi giá điện năng lượng sạch thấp. Do vậy, về lâu dài, Nhà nước cần đầu tư vào hệ thống truyền tải.
 
TP. Hồ Chí Minh cũng đang có chính sách phát triển các phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch. Sáu tuyến xe buýt điện đang hoạt động ở khu vực trung tâm và quận 7 chủ yếu phục vụ khách du lịch. Để đẩy mạnh sử dụng năng lượng điện vào loại hình vận tải hành khách, Sở Giao thông vận tải đã trình UBND thành phố thí điểm hoạt động đối với xe bốn bánh gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện chở khách du lịch. Đồng thời, kết nối với vận tải khách bằng đường thủy, nhằm tạo thuận lợi cho du khách và người dân thành phố khi di chuyển giữa các loại hình vận tải công cộng trên địa bàn.
 
Theo quy hoạch phát triển điện lực TP. Hồ Chí Minh, các vùng ven biển Cần Giờ như xã đảo Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh, xã Lý Nhơn… là những nơi có điều kiện thuận lợi phát triển điện gió. Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tính toán, nếu lắp đặt các tua-bin loại công suất 1,5 MW, hằng năm có thể phát lượng điện khoảng 3,5 triệu kW giờ. Huyện Cần Giờ có ba vị trí có thể lắp đặt 8 đến 10 tua-bin gió công suất 1,5 MW dọc bờ biển xã Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh và khu vực đuôi Sam ở xã Lý Nhơn. Ông Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ngoài gió và mặt trời, tại Cần Giờ có thể khai thác nhiều nguồn năng lượng khác từ biển như thủy triều, sóng, hải lưu... Biên độ triều ở đây dao động từ 2,5 đến 4 m. Trước đây, nguồn điện từ thủy triều chỉ khai thác ở vùng biển có biên độ triều từ 6 đến 7 m, nhưng hiện nay công nghệ, kỹ thuật hiện đại đã cho phép khai thác điện thủy triều có biên độ 2 đến 3 m.
Theo: Báo Nhân dân