TP. Hồ Chí Minh: Tiết kiệm điện mùa nắng nóng
Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt, máy hơi nước,... nếu không khoa học, tiết kiệm sẽ khiến khách hàng phải gánh chịu chi phí tiền điện cao hơn rất nhiều lần so với bình thường.
Theo Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện TP Hồ Chí Minh, những ngày thời tiết nắng nóng liên tục khiến sản lượng điện tiêu thụ của người dân tăng rất cao. Thống kê vào ngày 4-3 vừa qua, với nhiệt độ lúc cao điểm là 36 độ C, toàn thành phố đã tiêu thụ lên đến 78,38 triệu kWh điện. Tính riêng sáu ngày đầu của tháng 3, với nhiệt độ trung bình lúc cao điểm là 36 độ C, sản lượng điện tiêu thụ toàn thành phố đã lên tới 458,98 triệu kWh. Tính bình quân, các hộ gia đình đã sử dụng điện tăng lên từ 10 - 20% so với các ngày bình thường của tháng 2. Trong tháng 3, tháng cao điểm mùa khô, nếu duy trì với tốc độ sử dụng điện tăng như hiện nay, cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài thì hóa đơn tiền điện tháng 3 sẽ tăng cao tương ứng. Các chuyên gia phân tích: nguyên nhân chính là do khách hàng sử dụng nhiều thiết bị để làm mát, trong đó máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình.
Nhu cầu làm mát trong điều kiện thời tiết nắng nóng là chính đáng, song nếu việc sử dụng các thiết bị điện ở mức phù hợp, hiệu quả thì không những phục vụ được mục đích của khách hàng mà còn góp phần làm chỉ số điện năng của các hộ dân không tăng cao quá mức, đồng thời góp phần làm ổn định nguồn điện, góp phần bảo vệ môi trường.
Ðể thực hiện có hiệu quả điều đó, Sở Công thương, ngành điện thành phố khuyến nghị khách hàng, người dân cần thật sự quan tâm thực hành tiết kiệm điện, vừa giảm nguy cơ sự cố điện vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao. Trong đó, người dân nên sử dụng điện theo nguyên tắc bốn đúng: “Ðúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”. Ðối với máy lạnh, nên cài đặt máy lạnh ở mức nhiệt độ phù hợp (từ 26 - 28 độ C), không lệch quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời. Có thể sử dụng máy lạnh cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng. Vệ sinh máy lạnh theo định kỳ để giúp máy lạnh hoạt động ổn định, tăng khả năng làm lạnh và ít tiêu hao điện năng. Không sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện trong giờ cao điểm. Tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao.
Ðồng thời, khách hàng cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm, đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và phối hợp ngành điện theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng. Ðối với doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị cần bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm từ 17 đến 20 giờ hằng ngày. Thực hiện đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện; lắp đặt thêm các thiết bị đo đếm điện năng tại các bộ phận, tổ đội sản xuất để kiểm soát lượng điện sử dụng.
Link gốc