Ông David Dương- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM) trao đổi với các chuyên gia Mỹ và kỹ sư Việt Nam về việc chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để sớm đưa nhà máy phát điện đi vào hoạt động.
Về vấn đề này, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, hiện có rất nhiều công nghệ xử lý rác bằng phương pháp đốt phát điện. Riêng tại thành phố, đang vận hành nhà máy xử lý rác bằng phương pháp đốt phát điện do Chính phủ Hà Lan tài trợ tại bãi xử lý rác Gò Cát của TPHCM. Nhà máy này có công nghệ xử lý rất hiện đại và hoàn toàn có thể mở rộng quy mô sản xuất.
Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM cũng đề xuất chủ trương xây dựng nhà máy xử lý đốt rác phát điện công suất 1.000 tấn/ngày. Trên thực tế, hiện tỷ lệ rác công nghiệp chiếm 15% - 20% trong tổng lượng rác thải sinh hoạt, rất thuận lợi để thực hiện đốt rác phát điện.
Tại cuộc họp, Tổng công ty Điện lực TPHCM thông tin thêm, cách đây 5 năm, giá thu mua điện sạch nói chung chỉ khoảng 4cent/kWh. Tuy nhiên, hiện giá này đã được nâng lên hơn 10cent/kWh. Và giá thu mua điện từ rác là cao nhất trong tất cả các nguồn năng lượng sạch, nên rất thuận lợi cho các công ty muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác, các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về vốn, thuế và diện tích đất theo quyết định 34 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, tổng lượng rác tại thành phố khoảng 7.000 tấn/ngày, và sẽ còn tăng nhiều trong thời gian tới. Về lâu dài, giải pháp đốt rác phát điện là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tốt nhất, tăng nguồn điện sạch cho TP. Vì vậy, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, theo đó, lãnh đạo TP đã giao Sở Công thương xây dựng chương trình phát triển điện từ rác thải, nghiên cứu bổ sung điều chỉnh quy hoạch sản xuất năng lượng sạch, trong đó có sản xuất điện từ rác; giao Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và Tổng công ty Điện lực TPHCM nghiên cứu đề xuất về mặt công nghệ, giá thành thu mua, địa điểm xây dựng nhà máy và cách thức hòa điện vào lưới.
Theo: Sài Gòn giải phóng