Ảnh minh họa.
Cụ thể, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Văn Khoa khẳng định sẽ giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, cập nhật Chương trình hành động của dự án và phối hợp với Sở Ngoại vụ nghiên cứu chương trình tham quan học tập để chuẩn bị chu đáo. Đồng thời, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về tiến độ, kết quả thực hiện dự án theo Thông báo số 720/TB-VP ngày 31/10/2016 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.
Văn phòng Ủy ban nhân dân TPHCM cũng giao cho Sở Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện việc thành lập Tổ công tác thực hiện Dự án Năng lượng mặt trời trên mái nhà tại TP HCM.
Như tin đã đưa trước đó, WB cam kết sẽ hỗ trợ TP HCM phát triển hệ thống điện từ năng lượng mặt trời. Theo đại diện Nhóm Năng lượng và Khai khoáng của WB, một nghiên cứu của Nhóm vào năm 2013 cho thấy, nếu toàn bộ các tòa nhà cao tầng tại TP HCM được lắp đặt pin năng lượng mặt trời thì có thể cung cấp năng lượng mặt trời tương ứng 110 MWP.
Lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời sẽ giúp tận dụng những “mái nhà bỏ quên”, giúp tạo ra việc làm, lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhóm cũng mong muốn việc triển khai dự án tại TP HCM sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội học hỏi cách làm, công nghệ để từ đó nhân rộng mô hình này.
Việc này đã được định hướng trong đề án “Quy hoạch phát triển điện lực tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 – 2020” đã được Bộ Công Thương phê duyệt và phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng mặt tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ. Mục tiêu của TP HCM là đến năm 2020, năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố phải đạt trên 1,74% tổng công suất tiêu thụ năng lượng của toàn thành phố.
Theo: Cổng TTĐT Bộ Công thương