Trong đó việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là một điều kiện quan trọng để thực hiện có hiệu quả việc tái cấu trúc những lĩnh vực khác. Thị trường chứng khoán phát triển bền vững thì mới phát huy kênh dẫn vốn trung và dài hạn để thay thế dần cho đầu tư công, giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng và rủi ro hệ thống của các ngân hàng. Mặt khác, việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ thành công khi thị trường chứng khoán đủ hấp dẫn để tạo thuận lợi cho tiến trình cổ phần hóa, huy động vốn và tổ chức lại các DNNN.
Sản phẩm thị trường còn nghèo nàn
Thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập từ tháng 7/2000, qua hơn 11 năm hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) đã từng bước trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, hỗ trợ tiến trình cổ phần hoá và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đồng thời góp phần huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển. Thông qua thị trường, Chính phủ đã huy động được 625 nghìn tỷ đồng trái phiếu; doanh nghiệp đã huy động được 400 nghìn tỷ đồng thông qua đấu giá cổ phần hoá và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư góp phần làm tăng quy mô vốn đầu tư xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cho đến cuối năm 2010 đã có 642 công ty niêm yết, 5 loại chứng chỉ quỹ đầu tư và 500 loại trái phiếu niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) với giá trị vốn hoá thị trường đạt 36,5% GDP năm 2010. Trong năm 2011, mặc dù yếu tố kinh tế vĩ mô còn khó khăn, song vẫn có nhiều doanh nghiệp phát hành, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nâng tổng số công ty niêm yết lên 699 công ty và 450 loại trái phiếu niêm yết. Tổng giá trị giao dịch giai đoạn 2006 – 2010 đạt 2.315 nghìn tỷ đồng, gấp 45 lần so với giai đoạn trước đó. Tính đến cuối năm 2011, giá trị danh mục đầu tư nước ngoài đạt 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Vũ Thị Kim Liên, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán và các tổ chức tài chính như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ vẫn còn những hạn chế tồn tại như số lượng chứng khoán nhiều nhưng chất lượng còn thấp, sản phẩm thị trường chưa đa dạng, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Đối với trái phiếu, số lượng mã trái phiếu được niêm yết là khá lớn nhưng khối lượng mỗi mã lại nhỏ, đây là rào cản lớn đối với việc tăng cường thanh khoản của thị trường.
Đa số các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch là những công ty vừa và nhỏ; trong số 710 công ty niêm yết/đăng ký giao dịch chỉ có 368 công ty (khoảng 50%) có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng; chất lượng của các công ty niêm yết chưa cao, đặc biệt là quản trị công ty và tính công khai, minh bạch. Trong thời kỳ khó khăn đặc biệt là giai đoạn 2010-2011 nhiều công ty niêm yết làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của cổ phiếu niêm yết và niềm tin của các nhà đầu tư. Sản phẩm thị trường còn nghèo nàn, ngoài cổ phiếu và một số loại trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, chưa có các sản phẩm phái sinh và các công cụ đầu tư khác, vì vậy hàng hoá thị trường còn khiếm khuyết, chưa có công cụ phòng ngừa rủi ro.
Đáng chú ý trong nhận định của bà Liên là các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhiều nhưng quy mô và năng lực tài chính thấp, không đảm bảo hiệu quả hoạt động, tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Đặc biệt có một số công ty chứng khoán có hạn chế về năng lực nghiệp vụ, kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro dẫn đến tình trạng không hiệu quả (đặc biệt là hoạt động tự doanh) dẫn đến tình trạng thua lỗ. Theo đánh giá phân loại các công ty chứng khoán theo tiêu chí an toàn tài chính, có 40/105 công ty chứng khoán có khó khăn về thanh khoản không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính; có 71 công ty chứng khoán bị thua lỗ chủ yếu là nghiệp vụ tự doanh (do giá cổ phiếu giảm thấp và đầu tư không hiệu quả).
Tái cấu trúc toàn diện
Việc cấu trúc thị trường chứng khoán và các định chế tài chính theo bà Liên là hết sức cần thiết. Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như nâng cao chất lượng hàng hóa kết hợp với việc đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành; bảo đảm tính công khai, minh bạch. Từng bước áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực và thông lệ quốc tế về quản trị công ty, kế toán, kiểm toán, quản trị rủi ro, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông, củng cố lòng tin của thị trường.
Bên cạnh đó cần thu hẹp số lượng các tổ chức tài chính trung gian, đặc biệt là các công ty chứng khoán có hoạt động yếu kém, không hiệu quả; kiện toàn mô hình hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo thông lệ quốc tế; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro tại các tổ chức này.
Tập trung đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, bao gồm quỹ hưu trí và các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, phát triển các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Tập trung khuyến khích dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, kết hợp với việc tăng cường công tác quản lý, giám sát, có giải pháp phù hợp, kịp thời để chủ động đối phó với biến động của dòng vốn này.
Việc tái cấu trúc TTCK phải thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, ở tất cả các mặt, bao gồm tái cấu trúc hàng hóa sản phẩm dịch vụ, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, tái cấu trúc hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán và tái cấu trúc tổ chức quản lý, vận hành thị trường.
Bên cạnh đó, tái cấu trúc TTCK cần được thực hiện một cách chủ động, có lộ trình cụ thể, có bước đi thận trọng, chắc chắn, không làm xáo trộn hoạt động của thị trường chứng khoán cũng như các hoạt động kinh tế xã hội của đất nước, hạn chế tác động tới các hoạt động kinh doanh và đầu tư trên TTCK đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công chúng đầu tư, khách hàng và sự an toàn của cả hệ thống. Chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng chống đỡ rủi ro, thu hẹp về khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.