Tin trong nước

Tấm gương người thợ điện Lê Xuân Mỹ

Thứ tư, 18/6/2008 | 10:19 GMT+7

Thấm thoắt đã 14 năm, hôm nay tôi lại được nghe đến cái tên Lê Xuân Mỹ vang lên trên thao trường Ban Chỉ huy quân sự Thành phố Quy Nhơn với thành tích cùng đồng đội và cả tiểu đội dân quân tự vệ của Điện lực Bình Định đạt loại giỏi bắn đạn thật trong đợt huấn luyện quân sự  toàn Thành phố năm 2008. Có dịp tâm sự với Lê Xuân Mỹ sau khi anh rời bệ bắn mới thấy được sức phấn đấu bền bỉ, kiên tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức của chàng thanh niên này.

Còn nhớ, một ngày cuối năm 1994, tôi cùng cán bộ Công đoàn Điện lực Bình Định đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Chuyện - công nhân vệ sinh công nghiệp của Nhà máy điện Diesel Nhơn Thạnh. Ai cũng biết chị đang mắc bệnh hiểm nghèo không thể vượt qua được. Gia đình chị sống trong dãy cuối nhà tập thể của Phân xưởng điện, hoàn cảnh khá khó khăn. Chồng chị là anh Lê Lới, công nhân lái xe ngành Điện đã nghỉ hưu từ năm 1983. Con gái lớn của chị đã lấy chồng xa; con trai là Lê Xuân Mỹ vừa vào công tác tại Điện lực tròn 1 năm, còn 1 con gái út chưa có việc làm. Trên giường bệnh, chị Chuyện nằm bất động, nhưng đôi mắt sáng lên như muốn gửi gắm điều gì đó. Những lời nói cuối cùng được cất lên từ đức hy sinh của một người mẹ hết mực yêu thương con: “Xin các chú giúp đỡ cháu Mỹ... phấn đấu công tác tốt..., tôi thương cháu lắm…”. 

Noi gương cha mẹ, Mỹ quyết tâm theo học và trở thành công nhân lắp đặt, sửa chữa thiết bị điện vào năm 1993. Thời điểm ấy, cả Tỉnh còn trong cơn “khát” điện, Mỹ cùng đội công tác phải đi xa 80 km ra tận Bồng Sơn để lắp đặt, sửa chữa các máy phát điện diesel phía Bắc tỉnh Bình Định. Cậu thanh niên Lê Xuân Mỹ đã không ngừng nỗ lực học hỏi, rèn luyện tay nghề, vận dụng kiến thức học được, đề xuất được nhiều sáng kiến hay trong tình trạng thiếu phụ tùng, thiết bị thay thế, góp phần cùng tổ công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Công tác được vài năm, từ năm 1996-1998, Mỹ nhập ngũ và ra quân với chức vụ trung sĩ Công an sau khi đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự. Biệt danh Trung sĩ Mỹ được bạn bè ưu ái gọi anh từ đó.

Năm 1998, về lại Phân xưởng điện - đơn vị cũ nơi mẹ anh từng công tác, Mỹ được điều sang Tổ sửa chữa thiết bị điện. Đây tiền thân là Phân xưởng cơ điện của Điện lực Bình Định. Tổ sửa chữa thiết bị điện của Mỹ lại được mệnh danh là “Bệnh viện máy biến áp”. Bởi đã có hàng chục máy biến áp từ 50 kVA đến 400 kVA  có “bệnh” trên lưới điện cả tỉnh Bình Định được điều chuyển về Tổ để “điều trị”. Điều đáng nói là: Trước yêu cầu của việc phải sửa chữa nhanh, sớm trả máy biến áp về vị trí phục vụ trên lưới, nhưng Tổ sửa chữa biến áp của Mỹ chỉ vẻn vẹn có 4 người, trong đó có 2 nữ. Xác định công tác sửa chữa, bảo dưỡng máy biến áp là một đầu mối quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện an toàn, hiệu quả, giảm  tổn thất điện năng, “Bệnh viện máy biến áp” đã trở thành môi trường để Mỹ tích cực phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được cơ quan giao. Đồng thời, cũng là điều kiện tốt để Mỹ không ngừng rèn luyện, làm sao xứng đáng với tâm nguyện của người mẹ mà anh yêu quý nhất, đó là nối tiếp truyền thống phục vụ ngành Điện của gia đình.

Trong năm 2007, “Bệnh viện máy biến áp” đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 30 máy biến áp các loại, chưa kể số máy biến áp dự phòng của Điện lực để có thể sẵn sàng thay thế khi lưới điện gặp sự cố. Chỉ tính 2 tháng đầu năm 2008, đã có 8 máy biến áp được “xuất viện”. Trong đó, bảo dưỡng cho Chi nhánh điện Phú Phong 2 máy, hoàn chỉnh 6 máy khác cho kho dự trữ Điện lực. Lê Xuân Mỹ đã cùng 3 đồng đội trong tổ triển khai nhiều khâu bảo dưỡng và sửa chữa như lọc lại dầu cho máy biến áp, phục hồi cách điện, kiểm tra và thay lại các loại ron đã hỏng. Những công đoạn phức tạp khác như kiểm tra, sửa chữa quấn lại các pha điện bị cháy, hỏng. Làm đến đâu, gọn đến đấy, an toàn và kịp thời nghiệm thu kỹ thuật giao lại máy biến áp cho khách hàng là phương châm của Tổ công tác. Nhờ tích cực phấn đấu, trong hơn 10 năm qua -  công nhân bậc 4 Lê Xuân Mỹ  luôn đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.

Nếu trong nhiệm vụ chuyên môn, anh là lao động kỹ thuật giỏi, thì ở lĩnh vực hoạt động phong trào công đoàn, Lê Xuân Mỹ cũng luôn phấn đấu là một đoàn viên xuất sắc. Giọng ca nam Lê Xuân Mỹ đã 2 lần đoạt giải nhất trong các Hội diễn Văn nghệ toàn Điện lực vào các năm: 2000, 2007. Với giọng ca nam trầm của mình, Mỹ  là 1 trong những “ngôi sao” của đội văn nghệ Điện lực Bình Định đã từng đem “chuông” đi đánh và giành thắng lợi ở nhiều Hội diễn địa phương và trong ngành. Còn trên lĩnh vực thể thao, thủ môn Lê Xuân Mỹ được mệnh danh là đôi găng vàng trong đội bóng đá của Điện lực Bình Định.

Hát hay, bắn giỏi, thủ môn xuất sắc, công nhân Lê Xuân Mỹ là một tấm gương về  người thợ điện toàn diện mà có lẽ chỉ có truyền thống gia đình mới thôi thúc anh phấn đấu bền bỉ đến như vậy. Khi chia tay, Mỹ báo cho tôi một tin mừng nữa: Chi bộ Phân xưởng Điện đã giới thiệu Mỹ đi học cảm tình Đảng và có lẽ không lâu nữa Mỹ sẽ đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với sức trẻ, với nhiệt huyết trong học tập và lao động, anh sẽ có cơ hội đóng góp hiều hơn nữa vào công cuộc đổi mới của đơn vị, để cái tên Lê Xuân Mỹ ngày càng xứng đáng với niềm tin yêu của tập thể và nguyện vọng của mẹ anh trước lúc đi xa. 

Theo TCĐL số 4/2008