Tin trong nước

Vũng Ngán ngày ấy và bây giờ

Thứ ba, 10/6/2008 | 09:25 GMT+7

Tôi may mắn chụp được tấm ảnh toàn cảnh Vũng Ngán ngày đầu có điện để chứng minh sự thay đổi diệu kỳ của một vùng đảo trước kia cách ly đất liền không chỉ không gian mà còn cả ánh sáng văn hóa. Sau 5 năm có điện, tôi lại may mắn hơn khi được đặt chân lên Vũng Ngán khi mùa xuân đang đến gần. được tận mắt chứng kiến hiệu quả về mặt xã hội của công trình lắp đặt trạm diesel phát điện tại đảo mang nhiều ý nghĩa: chào mừng kỷ niệm 350 năm Khánh Hòa hình thành và phát triển, đồng thời thể hiện quyết tâm biến Nghị quyết kỳ họp thứ 5 khóa 8 của HĐND thành phố Nha Trang thành hiện thực.

 

Mặc dù đã cuối mùa mưa bão nhưng gió lớn, trời âm u làm tôi lỡ hẹn 3 lần chủ nhật đăng ký ra thăm đảo với anh em trạm phát điện Vũng Ngán. Anh Lê Xuân Tiên - Tổ trưởng Tổ Vận hành trạm phát điện đảo Vũng Ngán và đảo Bình Hưng dặn kỹ tôi mùa này ra đảo phải mặc áo mưa khi ngồi trên đò để khỏi ướt lúc sóng biển đánh tung lên đò, đồng thời trước khi lên đò phải nhịn ăn để khỏi phải lộn bao tử mình ra nuôi cá biển. Thế mới biết những người thợ điện của Điện lực Vĩnh Nguyên thuộc Công ty CP Điện lực Khánh Hòa bản lĩnh biết bao khi vượt qua sóng gió đảm bảo “nguồn sáng” trên đảo Vũng Ngán kể cả trong mùa mưa bão.

Con đò có sức chở 30 khách trở nên nhỏ bé, trồi lên, sụt xuống theo từng con sóng. Gần đến bờ Vũng Ngán, đặt tốc độ chụp nhanh và mở rộng khẩu quang ống kính, đồng thời chớp lấy thời điểm đò ở đỉnh sóng để bấm máy, tôi có được bức ảnh toàn cảnh Vũng Ngán ngày nay. Với hoàn cảnh này, tôi thầm tự hào mình đã chụp được bức ảnh tương đối ưng ý. Đón tôi tại cầu đò, anh Nguyễn Thành Thọ - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Bí thư đoàn, phụ trách y tế kiêm giáo viên xoá mù chữ của tổ dân cư đảo Vũng Ngán tự hào giới thiệu các công trình đúc bê tông cầu đò, bờ kè ven biển và đường đi trong khu dân cư là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm giữ vệ sinh môi trường biển và tạo cảnh quan. Mỗi sáng sớm, từ cụ già đến trẻ nhỏ nô nức kéo nhau ra bờ kè này tập thể dục nâng cao tuổi thọ và sức khỏe. Nhìn từng đàn cá nhỏ tung tăng dưới làn nước trong xanh dưới chân kè, tôi chợt rùng mình nhớ lại 5 năm trước, khi đưa tổ máy phát điện lên đảo, nơi đây đá lổm nhổm xen kẽ với các loại rác thải và chất thải sinh hoạt, khi đó nhà vệ sinh tự hoại chưa được sử dụng phổ biến như bây giờ...

Nhìn cổng chào trên cầu đò tôi mới biết tổ dân cư nơi đây đã được công nhận là tổ dân phố văn hóa. Anh Thọ dẫn tôi đến nhà ông Nguyễn Đương - tổ trưởng tổ dân phố đảo Vũng Ngán (thuộc phường Vĩnh Nguyên - Tp. Nha Trang). Mở đầu câu chuyện, ông Đương cảm ơn Điện lực Khánh Hòa trước kia và nay là Công ty CP điện lực Khánh Hòa đã đem đến cho bà con Vũng Ngán ánh sáng văn hóa và năng xuất lao động. Ông cho biết nhờ có điện, xem được chương trình truyền hình nên ông mới hiểu tại sao trước kia gọi là Điện lực Khánh Hòa và nay là Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa. Không chỉ nhà ông mà hầu hết các hộ dân ở đây đã có ti vi, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên rõ rệt, bà con được tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức do đó tự thay đổi thói quen sinh hoạt để bảo vệ môi trường biển đảo. Rác thải bây giờ không còn xả bừa bãi xuống biển mà được thu gom chuyển về đất liền xử lý. Dân cư trên đảo chủ yếu hành nghề đánh bắt hải sản nên nhu cầu may, vá lưới sau mỗi chuyến đi biển rất cao. Nay nhờ có điện chạy máy may thay đạp chân đã đáp ứng kịp lưới cho ngư dân đi biển và giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động nữ trên đảo. Theo anh Thọ, kể từ ngày có điện, số lượng học sinh cấp 3 và cấp 2 về đất liền học tăng lên vài chục cháu, còn học sinh cấp 1 đạt 100% các cháu đến tuổi đều được đi học tại đảo. Đây là điều vượt trên sự mong đợi không chỉ riêng của cán bộ mặt trận mà còn đáp ứng khát vọng của bà con trên đảo. Anh Huỳnh Văn Trung, công nhân vận hành lâu năm ở nhà máy điện xung phong nhận nhiệm vụ vận hành trạm phát điện Vũng Ngán tâm sự: Lịch chạy máy hàng ngày từ 17 giờ 30 phút đến 22 giờ 20 phút nhưng đến giờ dừng máy thấy tải còn cao thì vẫn tiếp tục chạy máy phục vụ đến khi bà con đi ngủ, tải tiêu thụ giảm mới ngừng máy. Hệ thống điện ở đảo này gồm 1 tổ máy phát 125kVA và 500m đường dây hạ áp cấp cho trên 110 hộ tổng cộng 570 nhân khẩu. Trong thời gian phát điện, ngoài tiêu thụ ánh sáng sinh hoạt, các hộ gia đình tranh thủ xạc ắc quy để phục vụ ban ngày xem ti vi và may vá lưới.

Cũng nhờ có điện mà gần 100% số hộ dân có máy điện thoại EVN Telecom, đây là điều khi chưa có điện không ai dám mơ tới. Đảm bảo liên lạc điện thoại của nhân dân trên đảo với nhau, với đất liền và với kiều bào ở nước ngoài đã xóa đi khoảng cách không gian vời vợi khi đảo chưa có điện. Nhìn xa xăm ra biển, anh Thọ mơ ước năm mới có bộ máy vi tính, kết nối internet để anh có thể theo dõi cập nhật thông tin và tìm hiểu thêm kiến thức về y khoa phục vụ cho công tác của mình. Hiện nay anh đã có giấy triệu tập của Đại học Y khoa Huế mà chưa có điều kiện kinh tế để theo học. Chưa đến giờ vận hành máy, anh Trung tranh thủ đi thu tiền điện thoại. Theo chân anh, tôi đến vài nhà trong số 73  hóa đơn của EVN Telecom trên tay anh, tôi thấy gia đình nào cũng coi anh như người nhà của mình. Anh Trung bảo ở đây gia đình nào cũng thân thiện và coi anh em công nhân tổ vận hành máy phát điện đảo như người nhà chứ không phải chỉ riêng anh. Tiện đến nhà, anh mắc giúp bộ đèn nháy trang trí lên cây mai cảnh của cụ cao tuổi nhất đảo. Nhìn cụ chăm sóc chậu mai với nụ cười phúc hậu và ẩn chứa niềm biết ơn các anh thợ điện của Điện lực Vĩnh Nguyên, tôi thấy mùa xuân đang đến gần, đang thay da đổi thịt tổ dân phố đảo Vũng Ngán có phần nhờ Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa góp sức vận hành máy phát điện và nhờ sự hỗ trợ bù giá điện của UBND tỉnh Khánh Hòa cho bà con đảo Vũng Ngán. Khách hàng dùng điện ở đây được phục vụ, chăm sóc tận tình và bình đẳng như ở đất liền. Mặc dù điện được sản xuất từ máy phát diesel loại nhỏ nhưng giá bán cho dân đảo vẫn áp dụng theo giá của Chính phủ quy định.

Khi tôi chia tay tổ dân phố đảo Vũng Ngán lên chuyến đò cuối ngày để về lại thành phố Nha Trang, anh Trung và anh Thọ mời tôi thường xuyên ra thăm đảo để kịp thời nắm bắt sự đổi mới của dân đảo. Con đò xa dần bờ Vũng Ngán, lúc này anh Trung đã chạy máy phát và đóng điện trên lưới. Ngoái lại ngắm nhìn từng dãy nhà lầu mới xây sơn màu trắng và xanh dịu chan hoà trong ánh sáng điện soi bóng lung linh xuống mặt biển xanh, tôi tiếc rằng mình không có thời gian ở lại môt đêm trên đảo để chứng kiến toàn diện sự thay đổi kỳ diệu của đảo. Tôi thấy tự hào mình là người dân Nha Trang bởi Vũng Ngán bây giờ đã góp phần giữ cho vịnh Nha Trang xứng danh là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. 

Theo Bản tin CĐ T5/08