Quản lý năng lượng

Tăng cường tiết kiệm điện dịp Tết Nguyên đán

Thứ ba, 10/1/2023 | 16:35 GMT+7
Tiết kiệm năng lượng không có nghĩa cắt giảm nhu cầu mà là biết cách sử dụng các thiết bị điện một cách tiết kiệm, hiệu quả. Việc tiết kiệm năng lượng còn thể hiện văn hóa, tri thức, trách nhiệm với cộng đồng của mỗi người.

Xét về việc tiêu thụ điện theo lĩnh vực, công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng là ba nhóm tiêu thụ điện năng nhiều nhất. Trong đó, nhóm điện dân dụng chiếm 35-40% tổng lượng điện năng tiêu thụ.

Dịp tết, các hộ gia đình thường gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng, tập trung vào các hoạt động như: trữ thức ăn, nấu nướng, giặt giũ, là ủi quần áo, làm mát/ ấm nhà, trang trí nhà cửa bằng nhiều hệ thống đèn điện... 

Bên cạnh đó, các thiết bị tiêu dùng năng lượng như tủ lạnh, tủ cấp đông, máy nước nóng, máy điều hòa không khí, quạt điện... đều chạy hết công suất. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ năng lượng trong các hộ gia đình sẽ gia tăng về thời lượng, số lượng thiết bị và cả chủng loại thiết bị trong dịp Tết đến.

Ngoài nhóm điện dân dụng, các khu vực công cộng, vui chơi giải trí cũng sẽ gia tăng nhu cầu tiêu thụ điện để phục vụ nhu cầu du xuân, chiêm bái lễ hội của người dân. Do đó, việc tăng cường tiết kiệm điện là việc làm rất cần thiết.

Tiết kiệm năng lượng không có nghĩa cắt giảm nhu cầu mà là biết cách sử dụng các thiết bị điện một cách tiết kiệm, hiệu quả. Ví dụ như khi sử dụng điều hòa nhiệt độ, hãy cách ly khu vực nấu nướng để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của máy điều hòa. Đồng thời, cài đặt nhiệt độ phù hợp (nên để khoảng 26 độ C) và phát huy hiệu quả hệ thống thông gió tự nhiên.

Với các thiết bị gia dụng khác như bàn là nên lưu ý là quần áo mỏng trước, sau đó là quần áo dày, rút phích điện rồi tận dụng nhiệt dư để là số quần áo mỏng còn lại. Với máy giặt, nên gom số lượng quần áo sao cho đủ với công suất máy trong một lần giặt, tránh giặt là liên tục.

Ngoài ra, cân nhắc việc tắt các đèn trang trí ngày tết khi không có khách hoặc khi ngủ… Đối với các hệ thống chiếu sáng công cộng, có thể cân nhắc việc bật/ tắt đèn điện đan xen, để vừa đảm bảo an ninh, an toàn giao thông mà vẫn tiết kiệm được điện năng.

Đồng thời, cần chú ý vận động tiết kiệm điện sử dụng cho đèn quảng cáo, bảng hiệu cửa hàng vì hiện nay khu vực này tiêu thụ khá nhiều điện năng. Riêng hệ thống chiếu sáng công cộng tại các hẻm phố, nên sử dụng loại đèn led tiết kiệm điện thay thế cho đèn cao áp.

Đặc biệt, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở người dân tăng cường sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Từ đó, thay đổi thói quen và nâng cao ý thức sử dụng điện trong cộng đồng. Từ mỗi hành động tiết kiệm năng lượng của người dân, hộ gia đình, không chỉ góp phần giảm mức tiêu thụ điện, tiêu thụ năng lượng cho chính gia đình mà còn góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Một số giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả:

- Sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên)

- Không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình nước nóng, máy sưởi…)

- Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên

- Vệ sinh, bảo dưỡng các thiết bị điện trong gia đình..

Link gốc

 

Theo: Moit.gov.vn