Tin thế giới

Tập đoàn hạt nhân Nga xây 39 tổ máy phát điện ở nước ngoài

Thứ hai, 17/6/2024 | 09:32 GMT+7
Chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời ở mức 24-25 tỉ USD, hoàn toàn do Nga chi trả.


Công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu do Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga xây dựng ở tỉnh Mersin phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Xinhua

Rosatom đang xây dựng 39 tổ máy phát điện ở nước ngoài và 7 tổ máy nữa ở Nga, TASS dẫn lời Giám đốc điều hành tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom Alexey Likhachev.

“Chúng tôi có 39 đơn đặt hàng ở nước ngoài" - Giám đốc điều hành Rosatom thông tin.

Ông Likhachev cho biết thêm, chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời ở mức 24-25 tỉ USD. Ông lưu ý, cho đến nay, kinh phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu hoàn toàn do phía Nga chi trả.

Tháng 4 năm nay, Financial Times thông tin, công ty năng lượng quốc doanh Rosatom của Nga đang bận rộn thúc đẩy hoạt động kinh doanh mới ở châu Phi.

Hồi tháng 3, phát biểu tại African Energy Indaba ở Cape Town, Nam Phi, Giám đốc điều hành Rosatom khu vực Trung và Nam Phi, Ryan Collyer hối thúc quốc gia công nghiệp hóa nhất châu lục - Nam Phi - thúc đẩy chương trình hạt nhân. Năm 2014, công ty của Nga đã ký thỏa thuận liên chính phủ để xây dựng 8 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp 9,6 GW điện cho Nam Phi, với chi phí ước tính là 76 tỉ USD.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris (Pháp), trong khi năng lượng hạt nhân cung cấp khoảng 10% lượng điện trên toàn cầu, nhà máy Koeberg ở Cape Town là nhà máy điện hạt nhân duy nhất trên lục địa châu Phi.

Tuy nhiên, trong những năm qua, một số quốc gia châu Phi đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, bao gồm Uganda, Rwanda và Kenya.

Nga đã nhanh chóng cam kết hỗ trợ các nước châu Phi có tham vọng năng lượng hạt nhân. Các chuyên gia nhận định, các quốc gia châu Phi sẽ đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng khí đốt và mở rộng khả năng tiếp cận hạt nhân. Và Rosatom tin tưởng có thể giành được thj phần đáng kể tại thị trường này.

Đầu tháng 4, tại hội nghị năng lượng Atomexpo kéo dài 2 ngày, được tổ chức tại thành phố Sochi, Nga, Rosatom thông báo đã ký các thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân với Mali, Burkina Faso và Algeria. Hồi tháng 10 năm ngoái, Rosatom cho biết sẽ xây một nhà máy điện hạt nhân ở Burkina Faso - quốc gia mà Ngân hàng Thế giới ước tính chỉ có 19% dân số có điện.

Tháng 1 năm nay, Rosatom thông báo, việc xây dựng đã bắt đầu ở lò phản ứng hạt nhân thứ tư tại nhà máy điện hạt nhân El Dabaa ở Ai Cập, trị giá 30 tỉ USD, cách Cairo khoảng 300 km. Nhà máy điện hạt nhân El Dabaa được coi là một trong hai dự án xây dựng hạt nhân lớn nhất thế giới. Ai Cập vay 25 tỉ USD từ Nga để xây dựng nhà máy điện El Dabaa, dự kiến ​​trả nợ trong vòng 35 năm với lãi suất 3%/năm.

Financial Times lưu ý, Rosatom đóng vai trò trung tâm trong chuỗi năng lượng hạt nhân toàn cầu. Hiện tại, Rosatom cung cấp hơn 1/5 lượng nhiên liệu uranium được làm giàu dùng để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ và châu Âu, cũng như đáp ứng một nửa nhu cầu uranium của các quốc gia như Hungary.

Link gốc

Theo: Lao động