Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải trả lời báo chí tại lễ phát động sự kiện Giờ Trái đất 2017. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Chiến dịch Giờ trái đất khuyến khích, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi, từ những điều nhỏ nhất như cùng nhau tắt đi những thiết bị điện không cần thiết trong vòng 1 giờ, để sau đó cùng hành động xa hơn một giờ tắt đèn.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đối khí hậu. Trung bình mỗi năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và cả tác động của biến đổi khí hậu. Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình của chúng ta năm đã tăng khoảng 0,7°C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 40 nghìn km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập, trong đó có 90% diện tích thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập hầu như toàn bộ. Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, cần ưu tiên các nguồn lực để phát triển đất nước, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2021 - 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng, Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương, những năm qua, Bộ Công thương đã chủ động tham gia và thực hiện nhiều chương trình, chính sách về tiết kiệm năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo... Chiến dịch Giờ Trái đất là sự kiện xã hội có ý nghĩa sâu sắc và có tác động to lớn trong việc nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng và xã hội trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm nay là năm thứ 9 Bộ Công thương chủ trì thực hiện Chiến dịch Giờ trái đất tại Việt Nam. Với chủ đề “TẮT ĐÈN - BẬT TƯƠNG LAI”, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, mọi cá nhân và tổ chức tại Việt Nam đều có thể tham gia bằng nhiều hình thức, đơn giản như tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết trong một giờ diễn ra sự kiện Giờ Trái đất hoặc tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm bảo vệ môi trường và đối phó với tác động của quá trình biến đổi khí hậu.
"Cái được lớn nhất của Giờ trái đất là nâng cao ý thức của người dân về tiết kiệm năng lượng. Qua các năm tổ chức Giờ trái đất chúng tôi thấy ý thức của mọi người về việc tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường được tăng lên đáng kể… Chúng tôi mong muốn sự hưởng ứng của người dân đối với Giờ Trái đất sẽ nâng cao hơn, không chỉ tắt đèn 1 giờ mà có ý thức tiết kiệm điện trong suốt 365 giờ của 1 năm"- ông Vũ cho biết.
“TẮT ĐÈN - BẬT TƯƠNG LAI” - chủ đề của Giờ trái đất năm nay cũng là thông điệp được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sử dụng nhiều năm qua. Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhà tài trợ, đồng hành cùng Chiến dịch Giờ trái đất tại Việt Nam suốt 9 năm qua khẳng định, việc tiết kiệm điện góp phần quan trọng giảm áp lực đầu tư vào nguồn điện, số tiền đó có thể đầu tư vào các địa phương, vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, cùng với việc tài trợ cho Chiến dịch Giờ trái đất, từng cán bộ, nhân viên của EVN còn là những tuyên truyền viên tích cực và trực tiếp thực hiện tốt công tác tiết kiệm điện tại gia đình, cơ quan, công sở.
Ông Ngô Sơn Hải cho biết, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, đặc biệt đối với sự kiện Giờ Trái đất 2017, EVN cũng đã chỉ đạo tất cả các Tổng Công ty điện lực trên toàn quốc tham gia vào các chuỗi sự kiện của Giờ Trái đất. EVN đã giao cho Tổng Công ty điện lực Hà Nội phối hợp với Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương tham gia vào quá trình chuẩn bị. Đồng thời tuyên truyền cho toàn bộ cán bộ công nhân viên Tập đoàn tham gia và cùng tuyên truyền để tiết kiệm điện, cũng như khuyến khích tất cả cán bộ công nhân viên tham gia tắt điện trong 1 giờ của chiến dịch tại công sở và gia đình của mình.
Tham gia lễ phát động chiến dịch Giờ trái đất, Nguyễn Thị Linh - sinh viên của Trường Cao đẳng y tế Hà Nội cho rằng, nhận thức của giới trẻ về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng hay tham gia trồng cây, không xả rác ra môi trường… là những việc làm cụ thể, thiết thực để bảo vệ môi trường sống của chính mình. Vì vậy, Linh và các bạn rất tích cực tham gia các sự kiện hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất tại Việt Nam.
"Trong chương trình Giờ Trái đất, chúng em tham gia đi xin cam kết của người dân, các công ty, xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng.. đóng trên địa bàn nội thành Hà Nội. Đồng thời cũng tham gia đạp xe lưu động, đi bộ, chạy bộ để quảng bá cho chương trình.. Bản thân em có trách nhiệm dẫn dắt các bạn tham gia chương trình, về nhà thì cũng có ý thức trách nhiệm hơn, sử dụng điện thiết kiệm hơn"- Linh cho biết.
Việc tắt bớt các thiết bị chiếu sáng trong sự kiện Giờ Trái Đất không chỉ nhắc nhở mỗi người về vấn đề tiết kiệm năng lượng mà còn hướng đến một mục tiêu quan trọng nữa, đó là việc chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Mỗi hành động nhỏ sẽ mang đến hiệu quả to lớn, mỗi người góp một hành động sẽ đem đến một hành tinh xanh., đúng như mong muốn của thông điệp Giờ trái đất 2017 là “TẮT ĐÈN - BẬT TƯƠNG LAI”.