Đoàn Thanh niên Công ty Điện lực Phú Yên kiểm tra, tu sửa lại hệ thống điện TSĐQ tại xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân. Ảnh: NGÔ XUÂN
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình Thắp sáng đường quê (TSĐQ) góp phần hoàn thiện nhóm tiêu chí về “Hạ tầng kinh tế - xã hội” của các địa phương nên được chính quyền và người dân đồng lòng ủng hộ.
Những con đường sáng lên từ sức trẻ
Đến xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) hôm nay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước đổi thay của vùng đất này. Những con đường bê tông khang trang, thẳng tắp, trải dài từ đầu làng đến cuối xóm. Những ngôi nhà mái ngói khang trang, cửa hàng, dịch vụ ăn uống mọc lên san sát. Hệ thống đèn đường sáng trưng được kéo vào tận 80% các truông cùng, ngõ nhỏ..
Với thâm niên 20 năm trong công tác dân vận của địa phương, ông Nguyễn Văn Hữu, 61 tuổi, là người đầu tiên gắn bó với chương trình TSĐQ tại Đa Lộc. Ông Hữu nhớ lại: “Năm 2013, khi Tỉnh đoàn triển khai chương trình TSĐQ, tôi đang là trưởng thôn 5 (nay là thôn 4). Nhận thấy đây là chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, chính quyền địa phương đã rất ủng hộ. Nhiều ngày liền, tôi cùng các hộ dân bàn bạc, thống nhất phương án đầu tư, kéo điện để tiết kiệm chi phí. Cái hay của bà con nơi đây là họ đồng thuận và ý thức cao trong việc sử dụng, bảo quản các hệ thống điện. Chúng tôi bảo nhau tự đóng quỹ để trả tiền điện; sửa chữa, thay thế các bóng đèn, đường dây hư hỏng. Nhờ vậy, hơn 7 năm trôi qua nhưng hệ thống đèn đường TSĐQ ở Đa Lộc vẫn hoạt động tốt”.
Về buôn Bưng A (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh), chúng tôi được gặp chị Hờ Tà, người Ê Đê đang lùa đàn bò no cỏ về chuồng. Khi được hỏi về công trình TSĐQ ở buôn mình, chị Hờ Tà hồ hởi khoe: “Không chỉ đầu tư bóng đèn, năm 2015, hàng trăm cán bộ, đoàn viên tập trung đến Ea Lâm làm đường bê tông, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con. Đó thực sự là ngày hội đối với người dân Ea Lâm. Sau khi công trình hoàn thành, hàng ngày người lớn đi thăm rẫy về khuya rất yên tâm; trẻ em đi học, đi chơi cũng được an toàn hơn. Chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đời sống người dân tộc thiểu số khó khăn”.
Theo Tỉnh đoàn Phú Yên, thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng NTM giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020, công trình TSĐQ đã có mặt ở hầu hết xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tập trung tại các phường xây dựng đô thị văn minh, các xã xây dựng NTM và các xã vùng sâu, vùng xa. Đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện hơn 415km công trình thanh niên TSĐQ, lắp đặt hơn 15.000 bóng đèn, tổng kinh phí hơn 12 tỉ đồng.
Vốn là một cán bộ đoàn năng động, anh Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Bí thư Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Phú Yên được Tỉnh đoàn tin tưởng giao nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật, chọn lựa trang thiết bị, vật tư thi công từ những ngày đầu chương trình TSĐQ được phát động. Anh Tuấn nhớ lại: Hàng tuần chúng tôi làm công tác chuyên môn; cuối tuần lại “khăn gói” đi tình nguyện. Thông thường, mỗi công trình chúng tôi cố gắng thi công xong trong ngày, nên phải làm thông trưa, thậm chí đến tối khuya để kịp đóng điện cho bà con. Có những ngày trời nắng như đổ lửa, anh em công nhân liên tục leo trụ, kéo dây, mồ hôi nhễ nhại, nhưng nhìn thấy những ánh mắt thiết tha, nụ cười hạnh phúc của bà con nghèo, sự kỳ vọng của lãnh đạo các địa phương thì chúng tôi lại có động lực làm việc. Những công trình TSĐQ cứ vậy mà nối đuôi nhau hình thành, trải dài khắp các vùng quê nghèo.
Nối dài những con đường sáng
Những năm trở lại đây, chương trình TSĐQ không chỉ dừng lại ở phạm vi hoạt động của Tỉnh đoàn, mà rất nhiều đơn vị, tổ chức cũng hỗ trợ cho hoạt động này, với mong muốn nối dài những con đường sáng.
Tại xã Hòa Thắng, phát động phong trào thi đua “Chung sức chung lòng xây dựng NTM”, địa phương vận động nhân dân tham gia làm đường bê tông nông thôn đi đôi với TSĐQ đến tận các thôn làng, ngõ xóm. “Năm 2014, từ một công trình TSĐQ được hỗ trợ tại thôn Mỹ Thành, lãnh đạo địa phương giao Hội Nông dân xã quản lý, vận động người dân tiếp tục đầu tư, mở rộng những tuyến đường TSĐQ trên tinh thần Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp. Cụ thể, xã hỗ trợ 7.000 đồng/m dây và 50.000 đồng/bóng đèn; phần chi phí còn lại người dân đóng góp. Sau khi hoàn thành, mỗi tuyến đường sẽ có tổ tự quản, mở thẻ ATM quản lý tiền sửa chữa và đóng tiền điện. Đến nay, xã Hòa Thắng có 85 tuyến đường với 1.900 bóng đèn đã được lắp đặt, chiếu sáng gần 100% các thôn Mỹ Hòa, Đông Lộc; các thôn còn lại có trên 80% đường làng, ngõ nhỏ được phủ sáng điện đường. Tổng kinh phí đầu tư TSĐQ trên 1,5 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 500 triệu đồng”, ông Diệp Tấn Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thắng tự hào chia sẻ.
Tại huyện Tây Hòa, năm 2014, Tỉnh đoàn phối hợp các đơn vị lắp đặt 36 bóng đèn, chiếu sáng 2km đường nông thôn tại xã Hòa Đồng. Từ đó đến nay, địa phương này cũng vận động người dân duy trì, mở rộng các đoạn đường được chiếu sáng. Hiện nay, xã Hòa Đồng đã hoàn thành TSĐQ trên 277 tuyến đường, thuộc 7 thôn với gần 64km, chiếm gần 90% tổng chiều dài các tuyến đường của xã. Tổng kinh phí thực hiện chương trình trên 945 triệu đồng, trong đó các tổ chức và nhân dân đóng góp 785 triệu đồng. Với những công trình chiếu sáng cho khu dân cư, địa phương bàn giao các chi hội thôn tự thu tiền điện, quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa. Với những công trình ở khu vực không có dân cư, xã sẽ quản lý bằng vốn ngân sách. Nhờ vậy, tất cả tuyến đường TSĐQ trên địa bàn đều phát huy được hiệu quả tích cực.
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Phan Xuân Hạnh, sau thành công của công trình thanh niên TSĐQ giai đoạn 2013-2017, Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai công trình thanh niên cấp tỉnh của Đại hội Đoàn tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2017-2022. Trong giai đoạn này, bên cạnh việc triển khai các công trình mới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn còn phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều đợt kiểm tra chất lượng các công trình TSĐQ; vận động đoàn viên thanh niên và chính quyền địa phương được thụ hưởng có trách nhiệm nâng cấp, thay thế, sửa chữa các vị trí bị hư hỏng, có nguy cơ gây mất an toàn; vận động người dân nâng cao ý thức sử dụng, giám sát, kịp thời báo cáo lên chính quyền địa phương khi có sự cố để chủ động sửa chữa, khắc phục.
Đặc biệt, với mục tiêu hiện đại hóa các công trình TSĐQ, Tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị thí điểm 2 công trình TSĐQ sử dụng bóng đèn năng lượng mặt trời tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) và xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Ưu điểm của loại thiết bị này là tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí, an toàn trong lắp đặt, vận hành do chỉ đầu tư một lần. Cột đèn đường sử dụng công nghệ điện mặt trời gọn nhẹ, không có dây điện kéo chằng chịt nên mang tính thẩm mỹ cao, khả năng lắp đặt linh hoạt, không phải cử người quản lý và không tốn tiền điện duy trì hàng tháng.
“TSĐQ là công trình thể hiện sức trẻ của thanh niên Phú Yên. Đến nay, hầu hết các thôn, xã trên địa bàn tỉnh đều có “dấu ấn” của công trình thanh niên này. Đặc biệt, hiệu quả lớn nhất là đã khơi dậy được sự đồng lòng của người dân và chính quyền các địa phương cùng chung tay đầu tư, gìn giữ và phát huy hiệu quả công trình. Bên cạnh đó, rất nhiều hội đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cũng chủ động phối hợp các địa phương triển khai nhiều công trình TSĐQ ở khắp nơi trong tỉnh, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng NTM của tỉnh nhà”, Bí thư Tỉnh đoàn Phan Xuân Hạnh nói.
Sau thành công của công trình TSĐQ giai đoạn 2013-2017, Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai công trình thanh niên cấp tỉnh của Đại hội Đoàn tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2017-2022. Mục tiêu của cả nhiệm kỳ là phấn đấu có khoảng 300km đường được chiếu sáng từ chương trình, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi Phú Yên- Anh Phan Xuân Hạnh, Bí thư Tỉnh đoàn. |
Link gốc