Ths. Nguyễn Bình Minh, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường báo cáo kiểm điểm NQTW4
Gặp thầy Minh trong một buổi sáng mùa thu trong trẻo, giữa không khí tất bật chuẩn bị đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của thầy và trò Trường Cao đẳng nghề Điện mới thấy hết tình cảm của những con người đã có nhiều năm sống và gắn bó bên nhau, dưới một ngôi trường có 45 năm truyền thống. Và đặc biệt, được hiểu thêm về thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bình Minh, người luôn bộn bề với những nỗi quan tâm, chăm lo tới mọi hoạt động của Nhà trường. Lo trước vui sau, thầy Minh là một nhà giáo tận tâm như thế đó.
Nhà giáo Nguyễn Bình Minh bắt đầu với những ngày tháng miệt mài trên bục giảng. Với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Minh đã cố gắng truyền thụ lại cho các em học sinh thân yêu những kiến thức cơ bản nhất của chuyên ngành Hệ thống điện đã được học tại Trường Đại học Bách khoa - ngôi trường lớn nhất Đông Dương hồi đó, với nhiều chuyên ngành riêng của Trường có sách của Nga (Liên Xô cũ) để dạy, kiến thức rất bài bản, nhất là về kỹ thuật và cách dạy của các thầy giáo Bách khoa là dạy từng bước một, cộng với tiếp cận thực tế sản xuất thực nghiệm, khiến học sinh hiểu bài và làm việc được rất nhanh. Thầy Minh đã cố gắng lựa chọn và học cách dạy của các thầy giáo Bách khoa để ứng dụng phù hợp vào nơi công tác của mình. Và sự nỗ lực của thầy đã được ghi nhận, đền đáp, bằng việc năm 1996, thầy được Ban Giám hiệu bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Đào tạo, rồi Trưởng phòng Đào tạo. Năm 1999, thầy Nguyễn Bình Minh đã được đề bạt là Phó Hiệu trưởng Nhà trường, kiêm Trưởng phòng Đào tạo. Có thể nói, hai chữ “đào tạo” đã gắn bó với thầy từ rất sớm cho đến tận bây giờ. Đối với bất cứ một trường đào tạo nghề nào cũng vậy, “mảng” đào tạo luôn được xem là xương sống, Trường Cao đẳng nghề Điện không nằm ngoài quy luật đó. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kinh phí, song Trường Cao đẳng nghề Điện cũng luôn nỗ lực tự vươn lên. Với bề dày 45 năm xây dựng và trưởng thành, vượt ra ngoài khuôn khổ của một trường dạy nghề trực thuộc doanh nghiệp, Trường đã là một trong những trường đầu tiên trong cả nước được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề.
Là một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn chung của việc tuyển sinh học nghề, Trường cũng vấp phải những trở ngại nhất định. Thêm vào đó là nhận thức của xã hội với việc học nghề còn chưa đúng mức. Chính vì vậy, trách nhiệm càng đè nặng lên đôi vai của Ban giám hiệu Nhà trường và đặc biệt, với những người làm công tác đào tạo như thầy Minh. Cùng với các đồng nghiệp, thầy Minh đã cùng tập thể lãnh đạo Phòng Đào tạo, lãnh đạo Ban nghề (nay là Xưởng thực hành) chủ động triển khai tốt kế hoạch đào tạo của Nhà trường. Trong điều kiện quy mô về số lượng học sinh tăng, số lượng giáo viên còn thiếu song thầy sắp xếp, bố trí giáo viên hợp lý để đáp ứng được nhiệm vụ, với chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Thầy Minh cũng luôn là một nhân tố tích cực trong việc duy trì và tổ chức tốt kế hoạch bồi dưỡng giáo viên hàng năm, tổ chức tốt phong trào thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Trong 5 năm 2000 - 2005, Trường Đào tạo nghề Điện lúc đó đã có 4 giáo viên dạy giỏi toàn quốc, 10 giáo viên dạy giỏi cấp Bộ, 12 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 115 lượt giáo viên dạy giỏi cấp trường. Thầy cũng trực tiếp tham gia chỉ đạo và tổ chức tốt phong trào thi học sinh giỏi nghề các cấp và cũng trong giai đoạn đó, Trường đã có 22 học sinh đạt giải học sinh giỏi nghề cấp Thành phố và cấp Tập đoàn. Chất lượng đào tạo được giữ vững và nâng cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tăng, nhất là tỷ lệ học sinh khá giỏi đều tăng hàng năm... Bên cạnh đó, thầy Minh còn cùng với lãnh đạo Trường thường xuyên chỉ đạo tốt kế hoạch biên soạn hiệu chỉnh giáo trình, chương trình đào tạo cho phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất. Trường đã in được 28 giáo trình môn học. Những thành tích ngày càng nhiều đã khiến cho uy tín của Trường Đào tạo nghề Điện không ngừng nhân lên và hòa trong niềm vui lớn đó, có niềm hạnh phúc của thầy Hiệu phó - Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Bình Minh.
Trong tình hình khó khăn như hiện nay, với sự chèo lái vững vàng của Ban giám hiệu, Nhà trường đã được Tập đoàn tin tưởng và ủng hộ. Từ năm 2000 đến nay, với sự hỗ trợ của Tập đoàn, nhà trường đã xây dựng nhiều công trình phòng học, nhà xưởng, ký túc xá, trạm biến áp 110 kV... Gần đây nhất là việc Trường được nhận một số thiết bị điện về làm thiết bị giảng dạy dưới dạng điều chuyển. Trong tình hình khó khăn nên việc mua sắm thiết bị mới là chưa thể, vì vậy, biết các đơn vị khác trong cùng Tập đoàn mỗi khi nâng cấp, bổ sung các thiết bị mới thường thanh lý một số thiết bị cũ, thầy Minh đã tham mưu cho Ban giám hiệu để Trường đề nghị xin các thiết bị này sau khi rút ra khỏi lưới. Bằng hình thức này, Trường đã có thêm nhiều thiết bị tốt phục vụ cho việc đào tạo nghề, từ đó có đủ năng lực tiếp nhận thêm nhiều học sinh của các trường như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Phú Châu, Trường Cao đẳng nghề Sông Đà… về thực tập.
Luôn ý thức được mình là một mắt xích trong cả một dây chuyền, nhà giáo Nguyễn Bình Minh đã không ngừng nỗ lực, cố gắng. Người ta vẫn bảo “Một người lo bằng kho người làm”, quả đúng không sai. Bản tính luôn tỉ mỉ, quán xuyến, sâu sát với mọi công việc của thầy có lẽ không phải tự nhiên đã hình thành từ lúc trẻ, mà có lúc nó được tôi luyện và hun đúc dần dần qua năm tháng kể từ khi thầy “bén” nghiệp đào tạo. Với vai trò là Phó Hiệu trưởng, kiêm Trưởng phòng Đào tạo, ngoài việc thầy phải cùng với các đồng sự luôn cố gắng đảm bảo cho Trường đủ chỉ tiêu đào tạo đã đề ra mỗi năm, thầy Minh còn luôn nắm bắt những cơ hội để phát triển thêm những hợp đồng đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn… với các doanh nghiệp. Cũng như các thầy, cô giáo khác trong Trường, thầy Minh luôn hiểu rằng, chất lượng đào tạo là then chốt, nhưng ngoài sự tin tưởng về năng lực đào tạo nghề của Trường ra, còn cần phải có một thái độ hợp tác tích cực, cầu thị, khiến đối tác nể trọng, đánh giá cao. Quan điểm thực tế, thức thời của thầy đã khiến cho hoạt động đào tạo vốn khó khăn đối với rất nhiều trường, nhưng với Trường Cao đẳng nghề Điện lại có thể được xem là thành công.
Còn có rất nhiều điều đặc biệt nữa ở nhà giáo Nguyễn Bình Minh. Trong rất nhiều năm qua, kể từ khi còn là Phó hiệu trưởng Nhà trường, thầy Minh vẫn thường quan tâm đến đời sống sinh hoạt của giáo viên trong Trường, với một trăn trở, nghề giáo viên không thể giầu nhưng là một nghề rất đáng trọng, vì vậy, muốn Nhà trường phát triển, muốn có được sự đồng thuận trong tập thể, cần phải bắt đầu từ việc nâng cao thu nhập cho CBCNV. Hàng năm bộ phận đào tạo của Nhà trường đã tích cực thực hiện thêm nhiều hợp đồng đào tạo mới, đào tạo lại, bồi huấn nâng bậc cho công nhân của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài ngành. Từ đó đời sống vật chất của các thầy cô giáo cũng từng bước được cải thiện, nâng cao. Vui mừng, phấn khởi, thầy trò Trường Cao đẳng nghề Điện càng vững tin vào con đường mà mình đã và đang phấn đấu trong suốt 45 năm qua.
Trước khi chuyển sang quản lý, thầy Minh đã tham gia giảng dạy nhiều bộ môn, trừ các môn khoa học cơ bản, bên cạnh đó còn có thâm niên 5 năm lăn lộn thực tế ngoài công trường, nên thầy rất thông thạo và am hiểu nghề điện. Bởi vậy, thầy có những nguyên tắc quản lý “rắn”, rất có lý. Với quan điểm khá tiến bộ là tiết kiệm không có nghĩa là không dùng, không làm, thầy Minh luôn “soi” ra những chỗ chưa hợp lý trong những đề xuất mua sắm thiết bị. Lâu nay, các đơn vị thường có suy nghĩ về việc cái gì cũng phải mua dự phòng, thầy Minh thì khác. Thầy cho rằng trong cơ chế thị trường thì điều này là không cần thiết, là lãng phí vì chỉ cần có nhu cầu là ắt sẽ có nhà cung cấp, đó là chưa kể nếu mua dự phòng mà làm không tốt khâu quản lý thì chuyện thất thoát khó tránh khỏi. Mà đối với các thiết bị điện thì rất nhiều chủng loại, lắm chi tiết và khá đắt tiền, mất mát sẽ là một điều không thể chấp nhận được.
Tháng 3/2012, một tin vui đến với Trường Cao đẳng nghề Điện và với nhà giáo Nguyễn Bình Minh, đó là việc thầy được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng, Bí thư Đảng uỷ Nhà trường. Vô cùng xúc động, thầy Minh đón nhận niềm vinh dự này với nhiều cung bậc tình cảm, vui mừng, tự hào vì đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tín nhiệm, song cũng lo lắng vì với trọng trách mới, thầy sẽ phải cùng tập thể Ban giám hiệu đứng trước nhiều thử thách mới. Thời gian ở cương vị mới chưa nhiều, thầy Minh đang cố gắng kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp và thành tích đã đạt được của Nhà trường; đồng thời luôn ước mong, tâm nguyện cùng tập thể cán bộ, giáo viên và HSSV sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng nghề Điện lên tầm cao mới.
Tin tưởng rằng, với bản lĩnh và sự năng động của mình, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bình Minh sẽ lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Điện ngày càng phát triển, xứng đáng với Huân chương Độc lập hạng Ba mà Nhà nước đã quyết định tặng thưởng, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp mà 45 năm qua, biết bao thế hệ thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên của Trường đã không ngừng dày công xây đắp.