Tin thế giới

Thay đổi chính sách ảnh hưởng đến an ninh năng lượng

Thứ tư, 8/5/2019 | 13:51 GMT+7
Quyết định đóng cửa các nhà máy điện ở cấp quốc gia mà không có sự thảo luận rộng rãi với những quốc gia láng giềng có thể đặt hệ thống lưới điện châu Âu vào nguy cơ rủi ro, theo chủ tịch RTE (Pháp).

Hệ thống mạng lưới điện của châu Âu.

Có một thực tế là kể từ năm 2012, nhiều quốc gia châu Âu đã loan báo các kế hoạch đóng cửa nhà máy điện nhiệt than, điện hạt nhân, hay dầu mỏ để hạn chế phát thải carbon, giảm thiểu sự chia sẻ điện hạt nhân trong một cơ cấu điện năng hỗn hợp như ở Pháp, hoặc đã dẫn đến việc quay lưng với năng lượng hạt nhân như Đức và Bỉ. Ông Francois Brottes, chủ tịch nhà vận hành lưới điện lớn nhất châu Âu RTE (Pháp), nhận xét với Reuter, các quyết định ở tầm quốc gia về việc đóng cửa các nguồn cung điện mà không có sự phối hợp với các quốc gia EU khác có thể đặt hệ thống điện của châu lục này vào nguy cơ rủi ro.
 
Ông phân tích, dù chỉ ở tầm quốc gia nhưng chính sách năng lượng lại ẩn chứa tác động ở tầm châu lục vì các quốc gia phụ thuộc ngày một lớn vào nhập khẩu điện thông qua hệ thống lưới điện châu Âu, đặc biệt trong những giai đoạn cao điểm về nhu cầu điện năng. Trong khi đó, các quyết sách năng lượng như đóng cửa nhà máy than hay điện hạt nhân thường không thông qua bàn thảo với quốc gia khác: “Chúng tôi cảnh báo các nhà hoạch định chính sách là họ đang đưa ra quyết định về ‘cuộc cách mạng’ năng lượng mà không có sự tư vấn của các quốc gia liên quan”.
 
Quá phụ thuộc vào việc nhập khẩu điện từ các quốc gia khác sẽ không là giải pháp tốt, như trường hợp của Bỉ, quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu điện mùa đông năm 2018 khi đóng cửa các lò phản ứng năng lượng. “Chúng tôi chỉ đảm bảo điều phối điện chứ không kiểm soát được nguồn cung điện,” ông đề cập đến gốc rễ của vấn đề.
 
15 nhà vận hành mạng lưới điện châu Âu đã ký một tuyên bố hợp tác để nhấn mạnh đến những nguy cơ rủi ro về an ninh năng lượng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 23 và 26/5/2019. Trong một phiên trình bày trước nghị viện vào ngày 9/4/2019, ông Brottes đã nói với các nhà lập pháp rằng kế hoạch sản xuất điện của Pháp đã bị ảnh hưởng bởi sự lão hóa của các nhà máy điện và việc đóng cửa nguồn địa nhiệt 13 GW kể từ năm 2012, dẫn đến lãi suất điều động từ các nhà vận hành hệ thống truyền tải điện đã giảm bớt nhanh chóng.
 
Pháp có 11 GW điện năng hòa mạng với các quốc gia châu Âu khác nhưng chưa bao giờ đạt 100% nhu cầu của khách hàng bởi họ thường sử dụng nguồn điện do họ sản xuất để đáp ứng nhu cầu ở thời kỳ cao điểm. Điều đó có nghĩa là, sự ổn định của hệ thống năng lượng Pháp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều quốc gia châu Âu.
 
Trong khi đó, kế hoạch đóng cửa nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất Pháp tại Fessenheim và các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2022 có nghĩa là từ thời điểm đó, Pháp sẽ mất 18 GW  điện năng trong khi không có nguồn phát điện mới được dự kiến thay thế. Không riêng gì Pháp “các quốc gia láng giềng cũng phải đối mặt với cùng vấn đề,” ông cho biết. Anh đã cắt nguồn cung 13GW điện năng kể từ năm 2012, đóng cửa các nhà máy điện than vào năm 2025, Đức có kế hoạch tương tự vào năm 2025, tương đương với việc mất 15 GW… “Việc đưa ra quyết định đóng cửa các nhà máy phát điện dễ dàng hơn là khởi động các nguồn cung điện mới,” ông Brottes cho biết thêm.
 
Hiện Pháp đã có kế hoạch cắt giảm việc chia sẻ nguồn điện từ các nhà máy hạt nhân trong nguồn điện hỗn hợp của mình xuống 50% vào năm 2035 thay vì 75% như hiện nay. Tuy nhiên họ đang phải đối mặt với nhiều trì hoãn trong các dự án điện gió ngoài khơi và nhà máy điện hạt nhân Flamanville của tập đoàn điện lực Pháp EDF. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của EU trong tương lai.
Theo: Tia sáng