Công nhân điện lực Bình Định sửa chữa lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng trên địa bàn xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn).
Tại tỉnh Bình Định, Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh đã đẩy mạnh tiếp nhận lưới điện nông thôn, không ngừng đầu tư nâng cấp, xây dựng mới lưới điện, đảm bảo “điện luôn đi trước một bước”trong phát triển KT-XH.
Tuy nhiên, theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh hiện vẫn còn 13 đơn vị kinh doanh điện nông thôn chưa bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn. UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương tập trung rà soát đối với các đơn vị kinh doanh điện không đảm bảo, thu hồi giấy phép kinh doanh điện lực, bàn giao cho ngành Điện quản lý.
Đầu tư lớn cho lưới điện nông thôn
Theo Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định), từ năm 2008 đến nay, ngành Điện đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ 135 tổ chức quản lý điện nông thôn của 96 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Khối lượng đường dây điện hạ áp đã tiếp nhận gần 1.900 km, với 217.591 hộ sử dụng điện. Sau khi tiếp nhận, ngành Điện đã tiến hành đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện lưới điện, đáp ứng phục vụ phát triển KT-XH và nâng cao đời sống, sinh hoạt của người dân.
Ông Đinh Long Vân, Trưởng Phòng Kế hoạch - Vật tư thuộc PC Bình Định, cho biết: Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2016 - 2020, ngành Điện đã đầu tư hơn 887 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp lưới điện trên địa bàn tỉnh. Tiến hành cải tạo, nâng cấp 350 km đường điện dây trung áp; 1.280 km đường dây hạ áp; xây dựng mới và nâng công suất cho 449 trạm biến áp phân phối. So với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bình Định có lưới điện thuộc loại tốt nhất, đáp ứng phục vụ điện cho sản xuất, sinh hoạt được ổn định, an toàn. Sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn tỉnh liên tục tăng bình quân hàng năm từ 10 - 11%/năm. Riêng trong năm 2019, sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh vượt hơn 2 tỷ kWh. Trên địa bàn tỉnh đã có 77/121 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 119/121 xã đạt tiêu chí số 4 về Điện.
Hoàn chỉnh tiếp nhận lưới điện nông thôn
Phải khẳng định rằng từ khi ngành Điện tiếp nhận quản lý, khai thác lưới điện hạ áp nông thôn đã mang lại lợi ích rất lớn cho khách hàng sử dụng điện. Theo thống kê, mỗi năm, PC Bình Định đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn, phục vụ phát triển KT-XH tại địa phương.
Để hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trong giai đoạn 2018 - 2020 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh đã có Văn bản 2168/UBND-KT ngày 7.4.2020 yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với PC Bình Định tiến hành rà soát các đơn vị quản lý điện không đủ năng lực tổ chức kinh doanh điện, sớm bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý. Đến ngày 31.12.2020, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn phải hoàn thành.
Ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng Phòng Kinh doanh thuộc PC Bình Định cho biết, hiện toàn tỉnh còn 34 xã với chiều dài 378 km đường dây hạ thế, thuộc các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tuy Phước, Tây Sơn do 3 DN và 10 HTXNN quản lý, bán điện trực tiếp đến 36.616 hộ sử dụng điện (có 3 xã ngành Điện đã tiếp nhận một phần). Lưới điện do các đơn vị này quản lý đều trong tình trạng bị xuống cấp, mất an toàn, chất lượng phục vụ thấp do thiếu vốn đầu tư nâng cấp và nhân lực quản lý.
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: An Lão là một trong 3 huyện miền núi của tỉnh chưa bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý, khai thác. Hiện, đơn vị quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn là Công ty CP Tổng hợp An Lão, nguyên trước đây là một DN Nhà nước hiện đã cổ phần hóa. Huyện ủng hộ việc chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý vì ngành Điện có tiềm lực về vốn, quản lý chuyên nghiệp. Huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng tập trung rà soát, đánh giá lại năng lực của đơn vị kinh doanh điện để cuối tháng 4.2020 sẽ chính thức báo cáo tỉnh về vấn đề này.
Đánh giá hiệu quả việc chuyển giao lưới điện cho ngành Điện quản lý, ông Trần Văn Bảy, một người dân ở xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn), bày tỏ: Trước đây lưới điện trên địa bàn xã do HTXNN Ngọc An quản lý, vận hành thì bị xuống cấp rất nặng, chất lượng phục vụ điện năng kém, người dân địa phương rất bức xúc. Sau nhiều ý kiến phản ảnh của người dân, Sở Công Thương đã kiểm tra và quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh điện lực, giao PC Bình Định tiếp nhận quản lý. Từ tháng 10.2019, sau khi HTX bàn giao lưới điện, Điện lực Bồng Sơn đã đầu tư sửa chữa, thay thế đường dây, trạm biến áp, công tơ điện tử, chất lượng điện năng khác hẳn. Bà con nói vui: “Điện quê như ở phố” vì không những chất lượng điện đã cao vượt trội, mà về giá cũng tốt hơn trước rất nhiều. Người dân rất ủng hộ việc chuyển đổi.
Ông Mai Văn Huỳnh, Giám đốc Điện lực Phú Phong, cho hay: Đơn vị đang quản lý chung lưới điện trên địa bàn 2 huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh. Trên địa bàn có 4 đơn vị kinh doanh điện nông thôn gồm: Công ty TNHH Tổng hợp Vĩnh Thạnh, HTXNN Thượng Giang, HTXNN Bình Phú 1 và HTXNN Tây Thuận. Qua kiểm tra, hầu hết lưới điện do các đơn vị này quản lý đều trong tình trạng xuống cấp, kém an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Nếu được tiếp nhận lưới điện, chúng tôi đủ sức quản lý, nâng cấp lưới điện, đảm bảo cung cấp dịch vụ điện vượt trội.
Dù thừa nhận, ngành Ðiện tiếp nhận, quản lý lưới điện, bán điện trực tiếp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn nhưng ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Ðô, Chủ tịch UBND xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, cho rằng, nếu buộc các HTXNN đang kinh doanh điện năng đạt hiệu quả tốt phải bàn giao lưới điện thì rất khó. Do vậy, UBND xã sẽ chọn phương án xin ý kiến của tập thể xã viên HTX về việc có bàn giao lưới điện nông thôn hay không. Ðồng thời, xã sẽ tăng cường việc quản lý, kinh doanh lĩnh vực điện năng đáp ứng theo các quy định của pháp luật.
|