Trang trại điện gió Anholt ở ngoài khơi Đan Mạch. Ảnh: Orsted A/S
Trước đó, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres hối thúc các nước đánh giá lại chính sách năng lượng, sau khi lượng khí thải carbon độc hại tiếp tục ở mức cao kỷ lục trong lịch sử loài người.
Sẽ tiếp tục tăng
Theo Hãng Tư vấn năng lượng Rystad Energy, lạm phát hậu đại dịch Covid-19 do chi phí lao động và giá cước vận chuyển gia tăng cũng sẽ khiến nhiều quốc gia tăng chi tiêu trong lĩnh vực năng lượng để đảm bảo nguồn cung. Ông Audun Martinsen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dịch vụ năng lượng của Rystad Energy, nhận xét: “Thế giới hiện đang chi tiêu cho năng lượng nhiều hơn bao giờ hết. Có sự thay đổi lớn trong chi tiêu cho năng lượng xanh, với chi tiêu cho dầu mỏ và khí đốt giảm sút. Tuy nhiên, chi tiêu cho các nhiên liệu hóa thạch khác, chẳng hạn như than đá, không thay đổi”.
Chi tiêu cho dự án dầu khí trong năm ngoái tăng 10%-20% so với năm 2020, do giá thép cao hơn và thị trường ngày càng thắt chặt hơn. Chi tiêu cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu mỏ dự kiến sẽ tăng 16% (tương đương 142 tỷ USD) lên 658 tỷ USD trong năm 2022. Con số này trong lĩnh vực khai thác và sản xuất khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng dự kiến tăng 15%, đạt 401 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, chi tiêu cho lĩnh vực năng lượng xanh sẽ tăng 24%, đạt 125 tỷ USD. Giá lithium, niken, đồng và polysilicon - những vật liệu chủ chốt trong sản xuất pin và điện Mặt trời - cũng sẽ leo thang.
Thay đổi cơ cấu năng lượng
Các số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy, năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khối và gần 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt của toàn EU. Rystad Energy đánh giá: “Việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu hóa thạch từ các nhà cung cấp thay thế Nga chỉ là giải pháp tạm thời vì EU có mục tiêu rõ ràng là giảm sự phụ thuộc của khối vào nhiên liệu hóa thạch nói chung. Năng lượng xanh - thông qua năng lượng Mặt trời và năng lượng gió, cùng với sáng kiến hydro và sáng kiến CCS (thu hồi và lưu trữ carbon) - sẽ là chìa khóa không chỉ để cải thiện an ninh năng lượng, mà còn thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của các nước thành viên EU”.
Trước đó, ngày 7-4, trong một tuyên bố, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cho biết, G7 sẽ đẩy nhanh việc tăng cường tự chủ về năng lượng. Về mặt riêng lẻ, Chính phủ Anh đã công bố chiến lược năng lượng mới, theo đó đặt mục tiêu xây dựng 8 nhà máy năng lượng hạt nhân mới, tăng gấp 5 lần lượng điện từ năng lượng Mặt trời, gió để cung cấp cho toàn bộ nhà trong Vương quốc Anh vào năm 2030. Chính phủ Phần Lan cũng sẽ đầu tư lên tới 850 triệu EUR (924 triệu USD) để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và đẩy nhanh việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Chính phủ Đức cũng đặt mục tiêu là trong vòng một thập niên tới, nước Đức sẽ tăng gần gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo trên biển và trong đất liền sẽ tăng gấp 3 lần.
Theo Rystad Energy, chi tiêu cho năng lượng Mặt trời của thế giới trong năm nay sẽ tăng 64% lên 191,47 tỷ USD, trong khi chi tiêu cho năng lượng gió (các dự án được thực hiện trên đất liền) dự kiến tăng 24%, đạt 209 tỷ USD. Các thị trường năng lượng đang lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ làm trật bánh quá trình chuyển đổi năng lượng, song các dữ liệu mới nhất cho thấy chi tiêu cho năng lượng xanh sẽ tăng nhanh hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Nếu không có cuộc xung đột này, đầu tư vào dầu khí sẽ ít tăng trưởng hơn và tỷ trọng năng lượng xanh trong chi tiêu năng lượng toàn cầu sẽ nhiều hơn một chút so với mức 31% hiện nay.