Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn của Trung Quốc trong quá trình xây dựng tháng 12/2013. Ảnh: AFP.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) gần đây ban hành hướng dẫn cho biết sẽ duy trì tốc độ xây dựng và đảm bảo an toàn cho các dự án điện hạt nhân ven biển mới, truyền thông nước này ngày 24/3 đưa tin.
Theo đó, Trung Quốc đặt mục tiêu sở hữu công suất 70 gigawatt (GW) điện hạt nhân vào năm 2025, tăng từ 51GW cuối năm 2020. Thông báo đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến năng lượng hạt nhân khi giá dầu và khí đốt tăng vọt do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, đe dọa gây khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 21/3 tuyên bố quốc gia này đặt mục tiêu sở hữu 25% sản lượng điện từ năng lượng hạt nhân, báo hiệu thay đổi đáng kể trong cơ cấu năng lượng của Anh.
Ngày 10/2, Pháp công bố kế hoạch xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân mới, cùng nhiều nhà máy hạt nhân nhỏ, trong bối cảnh nước này nỗ lực hạn chế phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, cũng như giảm khí thải nhà kính.
SCMP nhận định kế hoạch năng lượng Trung Quốc nêu bật sự cần thiết về đảm bảo chuỗi cung ứng năng lượng và vai trò của điện hạt nhân trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, giúp Trung Quốc đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060, sau khi đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030.
Vương Ưng Tô, tổng thư ký ngành điện hạt nhân thuộc Hội đồng Xúc tiến Điện lực Trung Quốc (CEC), cho biết kể từ khi Trung Quốc đưa ra cam kết về mục tiêu trung hòa carbon, rất nhiều dự án điện hạt nhân đang chờ được phê duyệt.
Tiến sĩ Diêu Phú Cường, cố vấn cấp cao tại Viện Năng lượng Đại học Bắc Kinh, nhận định điện hạt nhân là "mảnh ghép quan trọng" trong mạng lưới năng lượng Trung Quốc. "Quan trọng là đảm bảo an toàn, hiệu quả cao và phương thức xử lý chất thải phóng xạ", tiến sĩ Diêu khẳng định.
Theo kế hoạch của Trung Quốc, hai lò phản ứng thế hệ thứ ba ở vịnh Shidao, tỉnh Sơn Đông, được xây dựng theo thiết kế CAP1400 nhằm giảm phát thải khí nhà kính, dự kiến kết nối vào lưới điện quốc gia trước năm 2025.
Vịnh Shidao cũng là nơi có lò phản ứng thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động thương mại. Kế hoạch mới của Trung Quốc kêu gọi thực hiện nhiều dự án thí điểm hơn, góp phần phát triển mẫu lò phản ứng làm mát bằng khí này cũng như các mẫu lò phản ứng hạt nhân tiên tiến khác.
Một lò phản ứng làm mát bằng khí thứ hai tại vịnh Shidao cũng sẵn sàng bắt đầu hoạt động. "Nếu điều kiện hoạt động của các lò ổn định, chúng tôi có thể xây dựng thêm lò phản ứng ở những vị trí khác", ông Vương cho biết.
Kế hoạch mới của Trung Quốc còn kêu gọi thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ nhu cầu sưởi ấm tại các khu dân cư, cũng như trong vận hành các khu công nghiệp, các nhà máy khử muối nước biển.
Hai thành phố Hải Dương, tỉnh Sơn Đông, và Hải Diêm, tỉnh Chiết Giang, đã có hệ thống sưởi ấm thương mại từ năng lượng hạt nhân, phục vụ khoảng 200.000 dân năm 2020.
Tháng 12/2021, nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn đầu tiên của Trung Quốc đã khởi động một dự án sưởi ấm cấp địa phương, cung cấp hệ thống sưởi sử dụng nhiệt từ năng lượng hạt nhân tới khoảng 4.000 hộ gia đình.