Thái Lan: Thêm nhiều giải pháp mới
Đầu tháng 4, Bộ Năng lượng Thái Lan thông báo 11 giải pháp với tham vọng giúp quốc gia này tiết kiệm khoảng 10% điện năng, tương đương hơn 100 tỷ bath/năm. Trong 11 giải pháp này, có 6 giải pháp đã được áp dụng từ năm 2004 gồm: Cấm bán xăng dầu từ 21h đến 5h sáng hôm sau ở nội thành; Các công ty quảng cáo tắt đèn quảng cáo sau 22h; Tắt đèn đường ở một số tuyến không cần thiết; Tăng thuế với các loại xe cỡ lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng; Kêu gọi các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò tiên phong trong việc tiết kiệm năng lượng khi sử dụng xe công; khuyến khích việc sử dụng xe chạy bằng khí đốt tự nhiên.
Một số biện pháp mới đáng chú ý là: Tiến hành chiến dịch khuyến khích các đền miếu và nhà thờ chuyển sang sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện; Lập các tổ công tác đi làm nhiệm vụ hướng dẫn cho công nhân và nông dân cách tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, Bộ Năng lượng kết hợp với các ngân hàng thử nghiệm cho vay không lãi suất nhằm khuyến khích các gia đình của các thiết bị tiết kiệm điện.
Trung Quốc: Phát hành cẩm nang
Trung Quốc là một trong những quốc gia phải nhập khẩu năng lượng nhiều để phục vụ quá trình phát triển kinh tế “nóng”. Để tiết kiệm điện năng, đầu năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã phát hành một cuốn cẩm nang hướng dẫn người dân cách tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu khí gây ô nhiễm trong cuộc sống hàng ngày.
Cẩm nang đề cập 36 hành vi thường gặp trong cuộc sống và hơn 500 biện pháp tiết kiệm năng lượng. Cẩm nang được phổ biến rộng với mục đích khuyến khích người dân nâng cao nhận thức tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu lượng khí gây ô nhiễm. Bộ này hy vọng tiết kiệm cho Trung Quốc mỗi năm 70 triệu tấn than và giảm được 200 triệu tấn khí thải.
Bộ cũng đưa các phần mềm liên quan lên mạng Internet nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân tính toán giá trị của việc tiết kiệm năng lượng, từ đó tự xác định cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống hàng ngày.
Chile: Tiết kiệm mùa hạn hán
Theo một báo cáo đặc biệt của Tập đoàn Fich công bố tháng 3-2008, nạn hạn hán ở Chile (nơi thủy điện chiếm 60% sản lượng điện) cộng với nguồn cung cấp khí đốt không ổn định từ Argentina khiến năm 2008 là một trong những năm Chile phải đối mặt tình trạng khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng nhất. Chính phủ đã phải công bố một loạt biện pháp tiết kiệm điện nhằm giảm mức tiêu thụ điện khoảng 4,4% trong năm 2008.
Trong số biện pháp tiết kiệm được Bộ năng lượng Chile thông báo, đáng chú ý có: Kéo dài giờ mùa hè cho tới ngày 29-3 để tận dụng ánh sáng mặt trời; điều chỉnh quy định sử dụng nước tại 2 hồ thủy điện chính; các cơ quan nhà nước giảm 5% tiêu thụ điện; phân phát bóng đèn tiết kiệm năng lượng và tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong nhân dân …
Nam Phi: Tiết kiệm điện vì World Cup
Nhiều nhà kinh tế cảnh báo, cơn “khát” điện sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Phi rơi vào suy thoái trong những năm tới. Riêng người hâm mộ bóng đá lại lo nạn thiếu điện triền miên sẽ khiến nhiều công trình không kịp tiến độ phục vụ World Cup 2010.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Nam Phi nói chung và thành phố Johannesburg nói riêng đã đề ra các biện pháp tiết kiệm điện nhưng không ngăn cản phát triển. Cụ thể, các nhà chức trách Nam Phi đang tính đến khả năng chia quốc gia này theo 2 múi giờ, cho rằng biện pháp này sẽ giúp Nam Phi tiết kiệm năng lượng điện đáng kể vào giờ cao điểm vì thay đổi múi giờ sẽ dẫn đến thay đổi giờ làm việc.
Về phần mình, chính quyền Johannesburg yêu cầu các nhà xây dựng sử dụng hiệu quả nhất nguồn năng lượng và giảm nhu cầu sử dụng điện trong thành phố. Chẳng hạn, tất cả bản quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị phải được đánh giá các biện pháp giảm tiêu thụ năng lượng dựa trên 2 tiêu chí: Các tòa nhà phải mở rộng về phí Bắc để tạo điều kiện sưởi ấm tự nhiên vào mùa đông; mái hiên ở phái Bắc, Đông và Tây của tòa nhà phải nhô ra trước ít nhất 700 mm. Những mái nhà này là nơi che năng vào mùa hè (giảm nhu cầu máy lạnh) và cho phép ánh sáng mặt trời có thể đi vào nhà trong mùa đông (giảm nhu cầu máy sưởi).
Các kiến trúc sư và nhà thầu xây dựng được khuyến khích lắp đặt các hệ thống làm nóng bằng năng lượng mặt trời, sử dụng mái nhà cách nhiệt, sử dụng đèn thích hợp trong đó ưu tiên đèn tiết kiệm điện, sử dụng thiết bị cảm ứng hoặc hẹn giờ cho các hệ thống đèn, điều hoàm bình nóng lạnh …
Dubai: Tiết kiệm để phát triển
Nhu cầu về điện của riêng thành phố công nghiệp khách sạn Dubai dự kiến tăng gần 5 lần trong 10 năm tới, từ 4.736MW năm 2007 lên 21.510MW năm 2018, do đó, tiết kiệm năng lượng được chính quyền Dubai đặt ưu tiên hàng đầu. Cơ quan Quản lý điện nước Dubai (DEWA) đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tiết kiệm điện. Cụ thể, các tòa nhà trong thành phố được trang bị hệ thống chiếu sáng hiệu quả hơn, các hệ thống điều hòa được điều chỉnh thích hợp, giúp tiết kiệm 21 triệu dirham/năm.
Từ đầu năm 2008, DEWA đã gửi thư tới 150 khách sạn để nhắc nhở họ chú ý sử dụng nguồn điện có trách nhiệm hơn. Từ ngày 1-3, DEWA áp dụng khung giá mới, cao hơn nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp giảm tiêu thụ điện. Do hệ thống điều hòa không khí được cho là chịu trách nhiệm hơn 50% trọng tải điện giờ cao điểm, DEWA khuyến khích sử dụng hệ thống điều hòa tổng phải bao gồm các thiết bị lưu trữ theo thiết kế của DEWA.
Nhưng có lẽ quan trọng nhất là DEWA đã thực hiện nhiều chiến dịch vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải sử dụng điện khôn ngoan hơn ở trường học và các cơ quan chính phủ. Các chiến dịch của DEWA thực sự hấp dẫn và sinh động với mục tiêu đảm bảo thế hệ tương lai của Dubai sẽ nhận thức rõ rằng điện năng là từ những nguồn tài nguyên quý giá, không thể lãng phí.