Tin thế giới

Kinh tế các nước Bancăng sẽ tăng trưởng chậm lại do thiếu điện

Thứ sáu, 27/6/2008 | 10:03 GMT+7

Các chuyên gia năng lượng hàng đầu vừa lên tiếng cảnh báo các nước Bancăng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng trong những năm tới, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này có thể chậm lại đáng kể.

Các chuyên gia năng lượng hàng đầu vừa lên tiếng cảnh báo các nước Bancăng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng trong những năm tới, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này có thể chậm lại đáng kể.

Những chuyên gia này chỉ trích việc trợ giá của chính phủ các nước nhằm giữ giá điện thấp khiến mức tiêu thụ tăng nhanh, trong khi chưa làm gì nhiều để tăng sản lượng hoặc tạo ra những nguồn năng lượng thay thế.

Các nghiên cứu do tổ chức tư vấn quản lý tài chính KPMG và viện nghiên cứu độc lập European Stability Initiative (có trụ sở ở Béclin, Đức) cho thấy các nước Đông Nam Âu cần phải đầu tư đáng kể vào sản xuất điện và hạ tầng cơ sở trong những năm tới sau nhiều thập niên không quan tâm đầu tư thích đáng.

Vuk Hamovic, một thương gia năng lượng hàng đầu cho rằng tình trạng thiếu điện này nếu không được giải quyết nhanh chóng, sẽ khiến giá điện trở nên đắt đỏ đối với người tiêu dùng và làm giảm 1-2 điểm phần trăm mức tăng trưởng GDP của các nước Bancăng.

Hiện, gần một chục nhà máy điện đang được xây dựng hoặc mở rộng ở Bungari, Bôxnia, Rumani, và Xlôvênia, nhưng nếu như tất cả các nhà máy điện này đi vào hoạt động đúng kế hoạch vào năm 2015 thì tổng sản lượng của chúng cũng vẫn thấp hơn một nửa mức tăng tiêu thụ. Các nhà phân tích cho rằng mức tăng tiêu thụ năng lượng hàng năm ở Đông Nam Âu gồm 12 nước với tổng dân số 73 triệu người trung bình là 4%, do tăng trưởng kinh tế nhanh và mức sống được cải thiện, trong khi tổng công suất điện thiết kế của khu vực này tính đến năm 2015 mới chỉ đạt khoảng 76 GW, vừa đủ đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Theo bà Sijka Pistolova, Tổng biên tập ấn phẩm Balkan Energy Observer, khu vực này có tiềm năng thủy điện lớn chưa được khai thác và trữ lượng than non lớn nhất ở châu Âu. Bà nhấn mạnh việc thiếu đầu tư và những thiệt hại do các cuộc chiến tranh Nam Tư trong những năm 1990, phá hủy phần lớn những lưới truyền tải điện, đã phá vỡ đầu tư trong việc sản xuất điện, đồng thời cảnh báo trong 2-3 năm tới, một số nước có thể xảy ra tình trạng hàng ngày phải cắt điện nhiều giờ. Những nước như Anbani, Maxêđônia và Hy Lạp chỉ mới đủ đáp ứng nhu cầu của họ.

Chuyên gia chiến lược năng lượng Milovan Studovic cho biết công suất hiện có ở Đông Nam Âu không thể cung cấp năng lượng ổn định để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh.

Biện pháp khả thi để giải quyết tình trạng thiếu điện trong tương lai là tăng nhập khẩu từ những nước thừa điện như Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng việc này cũng cần phải đầu tư nhiều vào các lưới truyền tải điện từ phía Đông. Trong khi Liên minh châu Âu lại do dự trong việc giúp đỡ phát triển hạ tầng như vậy vì lo ngại sẽ gia tăng sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.

Theo ViêtStock