Một trang trại điện gió ngoài khơi gần đảo Samso của Đan Mạch. Ảnh: Reuters
Cú sốc năng lượng năm nay là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở Trung Đông năm 1973 và 1979. Kết quả là nó sẽ mang lại những khó khăn ngắn hạn và định hình lại ngành năng lượng về lâu dài.
Những tác động trước mắt thì đã được nhìn thấy. Do giá nhiên liệu và điện cao, hầu hết quốc gia đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại, lạm phát leo thang, đời sống người dân bị thắt chặt và bất ổn về chính trị.
Nhưng nhiều hậu quả lâu dài vẫn chưa thể lường trước được. Nếu các chính phủ phản ứng không khéo léo, họ có thể kích hoạt sự bùng nổ trở lại của nhiên liệu hóa thạch, khiến các mục tiêu khí hậu càng xa vời hơn. Thay vào đó, bài toán cho họ là phải đi trên một con đường rất ngặt nghèo để giải quyết cả an ninh năng lượng lẫn vấn đề khí hậu.
Ở châu Âu, khi cơn ác mộng về những đêm đông lạnh giá còn chưa đến thì một "giấc mơ sốt" giữa mùa hè đã hiển hiện. Đợt nắng nóng đã buộc nhu cầu khí đốt của Tây Ban Nha lên mức cao gần kỷ lục trong bối cảnh Nga giảm dần nguồn cung qua tuyến Nord Stream 1 đến Tây Âu từ hôm 14/6. Điều này khiến giá khí đốt tăng vọt 50% và làm dấy lên lo ngại rằng việc viễn cảnh dùng khí đốt theo định mức phân bố sẽ thành hiện thực vào cuối năm nay.
Tại Mỹ, người lái xe đang trả khoảng 5 USD cho một gallon xăng (3,78 lít). Giá xăng góp phần thúc đẩy lạm phát, mà theo các cuộc thăm dò dư luận là nỗi lo lớn nhất và khiến Tổng thống Joe Biden đau đầu nhất. Thị trường điện của Australia thì chật vật. Trong khi, nhiều nơi khác trên thế giới cũng đang chứng kiến sự thiếu hụt của năng lượng.
Các cú sốc năng lượng có thể trở thành thảm họa chính trị. Ước khoảng một phần ba mức lạm phát 8% của các nước giàu là do chi phí năng lượng và nhiên liệu tăng cao. Các hộ gia đình đang phải vật lộn và tức giận để thanh toán các hóa đơn tiện ích. Điều này dẫn đến các chính sách giải quyết thiếu hụt năng lượng bằng thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch, dù biết nó không sạch.
Ông Biden, người lên nắm quyền với hứa hẹn một cuộc cách mạng xanh, có kế hoạch đình chỉ thuế xăng dầu và đến thăm Saudi Arabia để đề nghị nước này bơm thêm dầu. Ở Đức, khi nhu cầu dùng điện cho điều hòa tăng cao, các nhà máy nhiệt điện than đang được hồi sinh. Các công ty khai thác mỏ của nhà nước Trung Quốc và Ấn Độ đang đào than nhiều kỷ lục sau những năm thu hẹp hoạt động.
Sự hỗn loạn bất ngờ này có thể hiểu được, nhưng gây ảnh hưởng xấu vì có thể làm ngưng trệ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Việc giảm thuế với nhiên liệu hóa thạch sẽ khó rút lại. Các nhà máy điện mới và các mỏ dầu khí có tuổi thọ từ 30-40 năm sẽ cho chủ sở hữu của chúng thêm lý do để chống lại việc bỏ dần các loại nhiên liệu hóa thạch. Bởi ngay cả khi muốn giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, các chính phủ vẫn phải tập trung vào xử lý những vấn đề cơ bản mà ngành năng lượng đang đối mặt.
Theo The Economist, các quốc gia nên ưu tiên dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt tự nhiên tương đối sạch, nhưng có tuổi thọ ngắn 15-20 năm để phù hợp với mục tiêu cắt giảm đáng kể lượng khí thải vào năm 2050. Đặc biệt là châu Âu và châu Á, nơi phải loại bỏ khí đốt và than đá của Nga, có công suất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) quá ít.
Một lựa chọn là các chính phủ và công ty năng lượng cung cấp các hợp đồng đảm bảo trong thời gian này, nhằm mang lại lợi nhuận tương xứng khi các nhà đầu tư hiểu rằng dự án sẽ ngừng hoạt động sớm. Một cách khác là cam kết hỗ trợ các dự án năng lượng dần trở nên sạch hơn. Ví dụ, dùng giải pháp thu giữ và lưu trữ carbon, một phương thức "chôn" carbon chủ yếu ở dưới lòng đất, tầng đáy biển để nó không phát tán ra khí quyển.
Cùng với đó, cần tiếp tục duy trì xu hướng năng lượng tái tạo. Cứ mỗi kWh tăng thêm từ điện mặt trời có nghĩa là châu Âu bớt dùng khí đốt từ đường ống của Nga đi một ít. Các chính phủ cần cải thiện phạm vi tiếp cận, công suất và khả năng lưu trữ của lưới điện của họ và loại bỏ những trở ngại trong việc đầu tư điện tái tạo. Việc thiết kế lưới điện và thị trường phù hợp với điện tái tạo luôn là vấn đề đối với các chính phủ và họ thường bị mắc kẹt trong tư duy của thế kỷ 21.
Theo báo cáo hàng quý về công nghệ của The Economist, tư duy của thế kỷ 21 tạo ra những phương thức mới để cung cấp các lưới điện thông minh. Ví dụ, hydro được tách khỏi nước bằng điện tái tạo, hoặc từ khí tự nhiên với hơi nước trong các cơ sở lưu trữ khí thải.
Điện hạt nhân cũng có thể là lựa chọn. Những người đam mê nguyên tử có ý thức về khí hậu thường tập trung vào các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ nhưng chưa được chứng minh hiệu quả. Điều quan trọng hơn là cải thiện việc xây dựng những dự án lớn.
Ở những nơi có quan điểm chống hạt nhân mạnh mẽ, chính quyền phải thuyết phục sự ủng hộ của công chúng bằng cách chỉ ra những biện pháp bảo vệ an toàn tốt hơn khỏi những tai nạn, thảm họa; bên cạnh việc trình bày những cách thức mới để lưu trữ chất thải. The Economist cho rằng các chính trị gia cần nói với cử tri của mình rằng, một quá trình chuyển đổi năng lượng sang sạch mà hoàn toàn không dùng đến nhiên liệu hóa thạch hay hạt nhân là ảo tưởng nguy hiểm.
Quá trình biến đổi khí hậu đã tạo thêm một lớp bất ổn ngay cả khi nó đồng thời đòi hỏi sự gia tăng đầu tư lớn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, đầu tư hàng năm cần phải tăng gấp đôi, lên 5.000 tỷ USD một năm. Rủi ro là cuộc khủng hoảng mới nhất này, và phản ứng hỗn loạn của chính phủ đối với nó, đã khiến các nhà đầu tư cảnh giác hơn.