Một số quốc gia EU trở lại với điện than trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Ảnh chụp màn hình
Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten thông báo, Hà Lan đang dỡ bỏ tất các các hạn chế với các nhà máy điện than để giảm tiêu thụ khí đốt. Ông đồng thời ra "lời kêu gọi khẩn cấp" với các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt trước mùa đông.
Ngày 20.6, Bộ trưởng Jetten nhấn mạnh, La Hay đã kích hoạt giai đoạn "cảnh báo sớm" trong kế hoạch chống khủng hoảng năng lượng, trong bối cảnh có khả năng thiếu khí đốt trong mùa đông này. Ông đồng thời lưu ý thêm, kế hoạch chống khủng hoảng đã được chuẩn bị với sự phối hợp "cùng các đồng nghiệp Châu Âu sau vài ngày qua".
“Nội các đã quyết định ngay lập tức rút lại hạn chế sản xuất với các nhà máy điện than" - ông nói. Quy định trước đó là tất cả các nhà máy điện than ở Hà Lan chỉ được vận hành tối đa 35% công suất lắp đặt.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện tại không có tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng” - Bộ trưởng Jetten nói thêm.
Trong động thái tương tự, ngày 19.6, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, Berlin sẽ phải đẩy mạnh việc sử dụng than để sản xuất điện nhằm bù đắp lượng khí đốt bị Nga cắt giảm.
Trong khi đó, chính phủ Áo đã đồng ý với công ty năng lượng Verbund về chuyển đổi một nhà máy nhiệt điện khí dự trữ ở khu vực phía nam Styria sang sản xuất điện sử dụng than trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về năng lượng ngày càng nghiêm trọng.
Những động thái này diễn ra sau quyết định của công ty khí đốt Gazprom của Nga về cắt giảm 60% lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream. Nga ra quyết định này sau khi nhà cung cấp bảo trì Siemens của Đức không trả lại các thiết bị bơm sau sửa chữa vì liên quan tới các lệnh trừng phạt Nga.
Theo: Báo Lao động