Để đưa điện về các địa bàn, anh em làm nghề phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều.
Năm 1983 là cột mốc quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu một khởi đầu mới đối với ông Năng. Đây là năm ông bước vào nghề và gắn bó với ngành điện từ đó cho đến nay. Tháng 12 cùng năm, ông Năng về công tác tại Phòng Kế hoạch Vật tư (trực thuộc Sở Điện lực Long An) và đảm nhiệm vai trò là cán bộ kỹ thuật quản lý lưới điện.
Thời đó, hầu như mọi thứ đều thiếu thốn, từ cơ sở, phương tiện đến vật tư, thiết bị,... chưa thể đáp ứng nhu cầu của công việc. Lưới điện trên địa bàn tỉnh phân vùng chứ chưa liên kết với nhau. Cụ thể, Trạm điện tại Tân An cũng chỉ cấp tới Cầu Voi (huyện Thủ Thừa); Bến Lức có trạm biến áp loại nhỏ và sử dụng riêng; huyện Cần Giuộc tiếp nhận nguồn điện từ TP.HCM; vùng Mộc Hóa thì sử dụng máy phát điện diesel. Chỉ một số địa phương như Châu Thành, Đức Hòa, Tân Trụ đã lắp đặt điện lưới, còn những huyện khác thì chưa có lưới điện để thắp sáng.
Giai đoạn 1980-1990 là khoảng thời gian rất khó khăn đối với ngành, nhất là nguồn điện, vật tư thiết bị, nguồn vốn. Đây cũng là giai đoạn thực hiện chủ trương của tỉnh đưa điện về các huyện để phát triển KT-XH. Riêng vùng Đồng Tháp Mười, ngành điện mất gần 5 năm (1985-1990) mới đưa điện về đến trung tâm các huyện.
Những năm đầu vào nghề, để tiếp cận thực tế, ông Năng đạp xe từ Tân An xuống An Lục Long (huyện Châu Thành) rồi qua Tân Trụ, Thủ Thừa, lên Gò Đen (huyện Bến Lức) và ngược về Tân An để kiểm tra hệ thống lưới điện. Sau này, khi chuyển công tác về Chi nhánh Điện lực Tân Thạnh, ông cùng anh em bám địa bàn, dựng từng cột điện, mắc từng sợi dây để đem ánh sáng đến cho người dân.
Anh em trong ngành điện lúc bấy giờ làm việc thủ công là chính: Kéo lưới điện, trồng trụ, đọc chỉ số, thu tiền điện,... Điều kiện làm việc vất vả là vậy nhưng ông cũng như đồng nghiệp luôn tự khắc phục khó khăn để hướng đến mục tiêu phủ lưới điện rộng khắp trên toàn địa bàn.
Khi Nhà máy Thủy điện Trị An thực hiện đóng điện, ngành điện Long An nói riêng, khu vực miền Nam nói chung phát triển lên một giai đoạn mới. Nguồn điện được bổ sung, hạn chế bị khủng hoảng nguồn như trước đây.
Giai đoạn 1990-2000, Long An tiếp tục đẩy mạnh chủ trương đưa điện về trung tâm các xã, anh em ngành điện phải nỗ lực nhiều hơn. Khi đó, phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm phát triển rất mạnh mẽ. Người dân góp vốn, công sức cùng ngành kéo điện về các xã, ấp, phục vụ sinh hoạt.
Những năm này, các huyện phía Nam, khu vực gần TP.Tân An,... việc cấp điện cơ bản thuận lợi hơn do điều kiện từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, cấp điện vùng Đồng Tháp Mười vẫn chưa dễ dàng. Anh em thi công lưới điện phải thực hiện thủ công do hệ thống giao thông còn hạn chế, thiếu phương tiện, thiết bị phục vụ. Mọi người tự động viên nhau để hoàn thành mục tiêu chung: Đưa ánh sáng văn minh đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Đến năm 2000, thành quả của những năm cố gắng bước đầu cho “trái ngọt”. Hệ thống lưới điện cơ bản đã phủ kín đến xã, ấp của các địa phương trên địa bàn tỉnh, hoàn thành theo chỉ tiêu nghị quyết của tỉnh đề ra. Ngành điện từng bước nâng cấp hệ thống, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển KT-XH địa phương.
Giám đốc Công ty Điện lực Long An - Đoàn Tấn Năng thăm, tặng quà cho học sinh nghèo
Theo Giám đốc Công ty Điện lực Long An - Đoàn Tấn Năng, làm điện có những đặc thù riêng theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn đều có những thuận lợi và hạn chế nhất định. Giai đoạn trước năm 1999, làm điện có thể kêu gọi vốn của người dân khi đầu tư lưới điện. Việc đầu tư nhận sự đồng thuận của người dân, lưới điện nhanh chóng được hoàn thiện nhưng về tiêu chuẩn kỹ thuật chưa thể đáp ứng so với yêu cầu do đơn vị khi đầu tư tính toán làm sao phải phù hợp với công sức, túi tiền của người dân đóng góp. Năm 1999, Nhà nước có chủ trương tiếp nhận lưới điện nông thôn (những lưới điện được đầu tư từ những năm 1999 trở về trước), Long An làm tới đâu tiếp nhận tới đó và địa phương đồng ý bàn giao lưới điện mà không cần hoàn vốn đầu tư.
Giai đoạn sau này, khi đầu tư hệ thống lưới điện, đơn vị phải bỏ vốn ra để đầu tư (có thể đi vay hoặc tỉnh cho ứng vốn nếu khó khăn), bảo đảm các tiêu chuẩn đúng theo quy định. Do đơn vị bỏ tiền ra đầu tư nên gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều công trình kéo dài vì vướng mặt bằng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, hệ thống điện mới cơ bản đáp ứng yêu cầu, còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết như nâng cấp hệ thống, đầu tư mới, vốn, thời gian đầu tư, mặt bằng,... Ngành điện báo cáo những đề xuất, giải pháp khắc phục cụ thể về Tổng Công ty Điện lực miền Nam, UBND tỉnh có những chỉ đạo phù hợp để đơn vị tập trung triển khai thực hiện.
Ông Năng chia sẻ: “Nghề điện có những vất vả nhất định. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc nhất của chúng tôi là được vui chung niềm vui với người dân khi thấy mọi người hò reo, ăn mừng khi có điện thắp sáng. Đến bây giờ, trong suốt quá trình làm nghề, chúng tôi không quên câu chuyện cấp điện cho người dân vùng hạ của huyện Cần Giuộc. Khi ấy, một cô giáo ở vùng này gửi thư đến công ty, trình bày những khó khăn và mong muốn ngành có thể sớm đầu tư điện về địa bàn để học sinh bớt vất vả trong việc học tập. Đơn vị đã khảo sát và tập trung đưa điện về vùng hạ theo kế hoạch. Điều chúng tôi không ngờ đến, hàng năm cứ dịp tết đến, cô giáo đều gửi thư về công ty để cảm ơn và chúc sức khỏe toàn thể anh em trong ngành. Điều này làm cho những người làm nghề điện như chúng tôi xúc động, cảm thấy tự hào và có thêm động lực trong công tác”.
“Nghề điện không phải dễ dàng. Nếu đã xác định làm, theo nghề thì phải yêu, cố gắng phấn đấu, trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết thì mới làm được. Vì nghề điện áp lực rất lớn, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực liên tục và tối đa” - ông Đoàn Tấn Năng chia sẻ thêm.
Nếu đã xác định làm, theo nghề thì phải yêu, cố gắng phấn đấu, trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết thì mới làm được. Vì nghề điện áp lực rất lớn, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực liên tục và tối đa”.
Giám đốc Công ty Điện lực Long An - Đoàn Tấn Năng.