Tiến độ công trình

Thi công đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc: Vượt khó để về đích

Thứ năm, 3/3/2022 | 10:44 GMT+7
Là dự án trọng điểm quốc gia và là đường dây 220kV vượt biển đầu tiên tại Việt Nam, quá trình thi công đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. 

 
Theo kế hoạch, 30/4/2022, dự án này sẽ đóng điện và đi vào vận hành. Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và các đơn vị thi công đã và đang nỗ lực để vượt khó về đích.
 
Vẫn vướng mặt bằng
 
Dự án Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc có tổng chiều dài 80,44km, với 169 vị trí trụ, trong đó phải giải phóng mặt bằng 39 vị trí trụ phía huyện Kiên Lương và 13 vị trí trụ phía đảo Phú Quốc. Quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ, quan tâm hỗ trợ sâu sát của chính quyền địa phương huyện Kiên Lương và TP. Phú Quốc, đến nay, dự án đã bàn giao được 49/52 vị trí trụ. 
 
Hiện dự án vẫn vướng 3 vị trí móng trụ (vị trí số 1, 2, 3) phía đảo Phú Quốc và 2 vị trí trụ (157, 166) phía huyện Kiên Lương, do người dân không đồng ý đơn giá bồi thường được duyệt.
 
Ông Đoàn Văn Hưng – Chỉ huy trưởng các gói thầu thi công Đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô cho biết, hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thành phần thi công móng trên biển – phần khó khăn nhất và đang triển khai phần dựng trụ, kéo dây. Tuy nhiên, phía 2 đầu bờ Kiên Giang và Phú Quốc vẫn còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng ở một số vị trí do người dân chưa đồng tình và gây nhiều trở ngại. 
 
Để đáp ứng được tiến độ đóng điện vào ngày 30/4/2022, ngoài sự nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị thi công, rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các hộ dân hiểu được ý nghĩa của công trình trọng điểm quốc gia này, ông Đoàn Văn Hưng kiến nghị. 
 
EVNSPC cho biết, hiện tổng công ty đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc tại các móng trụ còn lại để bàn giao cho đơn vị thi công.
 
“Cuộc chiến” trên biển

 
Nếu khó khăn lớn nhất của các dự án đường dây truyền tải diện trên đất liền là công tác giải phóng mặt bằng, thì với dự án đường dây vượt biển 220kV Kiên Bình – Phú Quốc, bên cạnh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, còn là muôn vàn những thách thức trên biển. 
 
Theo ông Đoàn Văn Hưng, đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc có 117 móng trụ trên biển. Thi công trên biển có đặc thù là phải thi công theo mùa và chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng và gió. Mỗi khi sóng gió cao khoảng 0,4m trở lên, các thiết bị thi công không thể neo đậu ngay ở vị trí thi công mà phải tập kết ở cảng, các bến neo đậu. Có những tuần, kéo thiết bị ra rồi lại phải kéo vào, không thể thi công được, rất vất vả và mất nhiều thời gian.
 
Để đảm bảo được tiến độ, nhà thầu, đơn vị thi công phải đảm bảo các trang thiết bị, nhân lực 24/24h “nằm” trên các xà lan, tàu thuyền, để khi nào sóng yên, biển lặng “bắt tay” triển khai thi công ngay. Khó khăn là rất lớn, nhưng những lúc sóng gió, anh em vẫn luôn cận kề bên nhau, đoàn kết để khắc phục. "Chúng tôi xác định, đây là một “cuộc chiến” trên biển"- ông Đoàn Văn Hưng chia sẻ.
 
Còn đại tá Tăng Văn Chi – Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Lũng Lô cho hay, sà lan của Lũng Lô toàn trên 2.000 tấn, kinh nghiệm thi công trên biển đã có hơn 30 năm nay. "Chúng tôi đã làm ra đến Trường Sa nhưng cũng không khó khăn như thi công công trình này. Vùng biển Tây Nam thời tiết thay đổi thất thường. Nhưng với tinh thần người lính đã nhận dự án, khó khăn gian khổ chúng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành".
 
Vùng biển phía Nam, thời gian thi công chỉ thuận lợi từ tháng 2 đến tháng 6, còn từ tháng 7-12 và tháng 1 năm sau, do gió mùa Tây Nam, gió mùa Đông Bắc nên biển động thường xuyên. Riêng với công trình 220kV Kiên Bình – Phú Quốc, khởi công từ tháng 3/2019, thì năm 2020, Việt Nam xảy ra 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, năm 2021 có 8 cơn bão và các đợt ấp thấp nhiệt đới, nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, dự án còn phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối năm 2019 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng vật tư, điều động điều động nhân lực và máy móc phục vụ công trình. 
 
Ông Tôn Thất Uyển – cán bộ giám sát dự án Đường dây 220 kV Kiên Bình – Phú Quốc – Ban Quản lý Dự án Điện lực miền Nam (thuộc EVNSPC) chia sẻ: "đây là lần đầu tiên tôi đi giám sát công trường mà 4-5 tháng không được về nhà. Từ tháng 5/2021, bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi phải thực hiện phương châm “3 tại chỗ” tại công trường. Có những thời điểm, không được phép ra khỏi công trường, chúng tôi phải chia ca, người làm việc, người đi câu cá, kiếm rau... Khó khăn là rất lớn, nhưng anh em trong ban quản lý dự án và nhà thầu, ai ai cũng quyết tâm làm sao để công tác thi công không dừng lại, bám sát được các mốc tiến độ”, ông Tôn Thất Uyển cho hay.
 
Để đảm bảo tiến độ dự án đóng điện vào 30/4/2022, EVNSPC đã và đang chủ động kiểm điểm tiến độ hàng tuần với các nhà thầu; yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công huy động tối đa nguồn lực, thi công 3 ca, 4 kíp, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các hạng mục, để hoàn thành dự án theo đúng mục tiêu đề ra. 
 
Dự án đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc khi đi vào vận hành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của đảo Phú Quốc đến sau 2030, đáp ứng tiêu chí vận hành n – 1, nâng cao chất lượng điện năng và tăng độ tin cậy cung cấp điện cho đảo Phú Quốc; đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh Quốc gia, chủ quyền biển đảo phía Tây Nam Tổ quốc. 

Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc:
 
- Khởi công tháng: 3/2019;
 
- Tổng mức đầu tư: 2.212 tỷ đồng;
 
- Chủ đầu tư: Tổng công ty Điện lực miền Nam;
 
- Dự án do toàn bộ đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công, quản lý, xây dựng.
 
- Toàn bộ vật liệu xây dựng chính đều do Việt Nam tự sản xuất trong nước, chịu được môi trường muối biển.
 
- Dự kiến hoàn thành: 30/4/2022.
 
Minh Tuấn