Tin thế giới

Thị trường điện – Thách thức và cơ hội

Thứ ba, 9/12/2008 | 09:48 GMT+7
Trong gần ba thập kỷ qua, có thể cho rằng thành công lớn nhất về chính sách kinh tế ở khắp nơi trên thế giới chính là sự chuyển dịch từ điều tiết sang cạnh tranh.

Nhà máy điện Gibbons Creek (bang Texas, Mỹ) Ảnh: N.K.Điềm (ST)

Lợi ích không chỉ thấy trong những khu vực tương đối hiển nhiên như vận tải đường dài, ở đó việc điều tiết trước đây hầu như chỉ giới hạn trong việc qui định giá các-ten và ngăn ngừa cạnh tranh, mà cả trong ngành tài chính, quảng bá và vận tải hàng không, ở đó cấu trúc thị trường tập trung được thay thế bằng các cấu trúc phân tán với số lượng đáng kể các nhà cung cấp. Phi điều tiết cũng đã rất thành công trong một ngành quan trọng nữa là viễn thông. Ở đây, sự thay đổi về công nghệ (chủ yếu là điện thoại dựa trên Internet) đã mở đường cho phi điều tiết hoàn toàn, như đã được đặt hàng mới đây đối với hầu hết các vùng đô thị ở Canađa.

Mặc dầu cũng có một số tác động bất lợi trong phân phối, ví dụ như phạm vi cung cấp dịch vụ bị thu hẹp hoặc giá cao hơn khi khối lượng nhỏ, tồn tại các khu vực giá cao, nhưng lợi ích chung của phi điều tiết là rất đáng kể. Những lợi ích này bao gồm tác động cạnh tranh trực tiếp của phi điều tiết và sự nhạy bén sáng tạo trong kinh doanh thay thế cho kế hoạch hoá tập trung. Thành công chung này khiến ta nghĩ là cần mở rộng những lợi ích của thị trường mở sang ngành điện.

Phân phối điện trong khu vực, và cả truyền tải điện năng đi xa nữa, mặc dầu không hiển nhiên như vậy, đều mang tính chất hiệu quả kinh tế qui mô lớn cùng nhiều đặc điểm độc quyền khác, gây cản trở đáng kể cho sự cạnh tranh. Tuy nhiên sản xuất điện và các khu vực marketing lại không có cùng tính chất hiệu quả kinh tế qui mô lớn của “các đường dây”, tức là phân phối và truyền tải, và do vậy có vẻ như đã chín muồi để cạnh tranh, đặc biệt nếu như các nhà sản xuất điện độc lập được tiếp cận đường dây truyền tải với giá hợp lý, không bị phân biệt đối xử. Sự quan tâm ngày càng nhiều tới năng lượng “xanh”, tới yêu cầu thân thiện với môi trường và các hệ thống quản lý năng lượng công nghiệp, cũng như cơ hội tìm các phương cách bán năng lượng với giá thấp hơn, tất cả đều hứa hẹn những cơ hội để cạnh tranh bán điện năng ở khu vực bán lẻ.

Nhà máy điện Boundary Dam                      

Tại Canađa, Mỹ, và khắp nơi trên thế giới, trong đó phải kể tới nỗ lực ban đầu rất đáng trân trọng tại Chilê và Anh, thị trường điện đã được mở ra với hy vọng nhận được những lợi ích này từ cạnh tranh. Kể từ đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu phi điều tiết ngành điện đã đạt được những hứa hẹn đó hay chưa. Mục đích của bài báo này là tìm hiểu kỹ những đặc điểm của điện như một loại hàng hoá, điện năng được sản xuất, cung cấp, mua bán như thế nào, để từ đó hiểu được vì sao những khó khăn đó có thể là đặc tính cố hữu của điện năng mà không phải là kết quả của sự sai lầm trong điều tiết mang tính cá biệt hoặc của các lực lượng chính trị, cho dù có thể lớn đến mức nào. Sau khi điểm qua tình hình cạnh tranh điện ở Canađa và Mỹ, bài báo sẽ tập trung chủ yếu vào năm đề tài dưới đây có quan hệ mật thiết với nhau:

· Sự bàng quan của các hộ tiêu thụ sinh hoạt: Liệu người dân có muốn được quyền lựa chọn người cung cấp điện?

· Định giá: Liệu các thị trường điện trong tương lai có đủ cạnh tranh để giữ cho giá bán một cách hợp lý theo chi phí?

· Lực lượng thị trường: Liệu các nhà cung cấp riêng rẽ có được sự khuyến khích và khả năng nâng giá khi nhu cầu ở mức cao nhất, không cần phải thông đồng với nhau?

· Kết cấu công ty: Liệu sự phân chia theo chiều dọc trong ngành, được coi là yêu cầu tất yếu để thúc đẩy cạnh tranh, có thích hợp với việc vận hành ngắn hạn có hiệu quả và với việc mở rộng về lâu dài lưới điện?

· Độ tin cậy: Cuối cùng và cũng có thể là quan trọng nhất, liệu các đặc điểm cụ thể của điện năng có bao hàm yêu cầu tất yếu phải có sự điều khiển tập trung để đảm bảo độ tin cậy lưới điện?

Câu trả lời phủ định cho tất cả, một vài, hoặc thậm chí chỉ một trong những câu hỏi trên, không nhất thiết đã khiến cho việc phi điều tiết là không thể đạt tới được hoặc có hiệu quả không mong muốn. Phần kết luận đưa ra các chính sách để giảm nhẹ một số tác động tiêu cực có thể xảy ra. Những sáng kiến gợi ý này bao gồm:

· Tập trung việc phi điều tiết bán lẻ và nỗ lực vào các hộ tiêu thụ thương mại và công nghiệp là những hộ có năng lực hơn và nhiều khả năng sẽ sẵn lòng chọn mua điện năng, và như vậy sẽ đem lại yếu tố khuyến khích sản xuất và sử dụng điện hiệu quả hơn.

· Khuyến khích việc định giá điện theo thời gian thực, đặc biệt là các hộ tiêu thụ thương mại và công nghiệp.

· Xem xét các quyết định về cung cấp, thay vì các quyết định về giá, để cố gắng hạn chế năng lực của các doanh nghiệp sử dụng quyền lực thị trường và nâng giá bằng cách hạn chế nguồn cung cấp.

· Tách rời việc điều khiển vận hành truyền tải và phân phối có điều tiết khỏi việc sở hữu nguồn điện, với lưu ý rằng mức độ chia tách đảm bảo sự cân bằng tốt nhất giữa bảo vệ cạnh tranh và duy trì hiệu quả vận hành vẫn là một câu hỏi mở.

· Cẩn thận trong việc chuyển sang phi điều tiết, bởi vì yêu cầu duy trì độ tin cậy trong lĩnh vực tối quan trọng, rất mong manh và liên kết chặt chẽ này đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận thận trọng.

 

Hình 1. Tình hình cơ cấu lại ngành điện ở Canađa  tại thời điểm tháng 4/2005)

Trong số các khuyến nghị này không có khuyến nghị nào có thể chống lại tất cả các khó khăn tiềm năng về mở thị trường điện, nhưng trong khi thừa nhận các hạn chế của chúng, chúng ta cần nhớ rằng phương án điều tiết cũng không phải là lý tưởng. Các nhà điều tiết ít khi có đủ thông tin, hoạt động của họ phải chịu nhiều ràng buộc về pháp lý và thủ tục và chỉ có thể thích ứng một cách chậm chạp theo những thay đổi về chi phí, công nghệ và nhu cầu. Hơn nữa, việc trả công theo hệ thống chính trị có thể khiến những người ra quyết định điều tiết ngả về những lợi ích riêng thay vì lợi ích chung. Tuy nhiên những vấn đề trên cần được cân nhắc khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào về triển vọng của cạnh tranh trong ngành điện, điều này yêu cầu có sự cân đối thận trọng giữa chi phí và lợi ích hơn là một quyết định bắt nguồn từ cam kết từ trước mang tính ý thức hệ.

Các sự kiện hiện nay

Kể từ khi thị trường được mở trên qui mô lớn tại Mỹ từ giữa những năm 1990 cho đến nay, kết quả hoạt động của ngành điện không hề xuôn xẻ. Mùa thu năm 2000, khoảng 2 năm sau khi đưa vào hoạt động thị trường đầu tiên và rộng nhất ở Mỹ, thị trường điện California đã xịt ngòi với giá điện tăng vọt, mất điện tràn lan và nhiều công ty điện lực bị phá sản. Tháng 8 năm 2003, một vụ mất điện lớn đã làm tê liệt vùng Đông Bắc Mỹ và Đông Canađa. Nói chung, thay vì giảm xuống như những người ủng hộ cạnh tranh đã từng hứa hẹn, giá điện lại tăng trong phần lớn nước Mỹ, đặc biệt là tại những bang có thị trường mở cửa. Tại một trong số các bang này là bang Maryland, hãng cung cấp dịch vụ chính là Baltimore Gas and Electric mới đây đã tăng biểu giá điện lên khoảng 70%. Ở Ontario, một trong những tỉnh đã tiến xa nhất theo hướng thị trường điện mở cửa ở Canađa, giá điện đã lên cao chưa từng thấy, gây tranh cãi về chính trị, đặc biệt trong giờ cao điểm, mặc dầu chưa đến mức kịch tính như ở Mỹ.

Cho dù các sự kiện trên có phải là kết quả của việc mở cửa thị trường hay không thì xu hướng hình thành trong những năm 1990 là ngành điện tiếp bước theo ngành viễn thông và các thị trường khác về phía phi điều tiết giờ đây đã đảo chiều. Ở Canađa, nơi mà thị trường điện thuộc quyền kiểm soát của các tỉnh, chỉ có hai tỉnh là Alberta và Ontario đã mở thị trường bán lẻ ở mức độ nào đó.

Khoảng 1/5 công suất lắp đặt nguồn điện của Canađa là thuộc quyền kiểm soát của các công ty điện lực tư nhân, phần lớn là ở các tính Ontario và Alberta. Ngoài hai tỉnh này ra, các tỉnh khác nếu có mở cửa thì chỉ cho thị trường bán buôn, trước hết là bán sản lượng điện lớn cho các công ty phân phối độc quyền tại địa phương, hoặc trong một số trường hợp, cho các hộ tiêu thụ công nghiệp lớn. Ở phần lớn các tỉnh khác (kể cả Ontario), các công ty quốc doanh tổ chức theo chiều dọc vẫn tiếp tục cung cấp phần lớn nhu cầu trong tỉnh.

 

Hình 2.Tình hình cơ cấu lại ngành điện ở Mỹ, phân chia theo các bang (tại thời điểm tháng 4/2007)

Ở Mỹ, quyền phán quyết về các thị trường bán buôn và giữa các bang là thuộc cấp liên bang. Những nỗ lực nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc mở các thị trường cạnh tranh đều thất bại trên cả hai mặt trận điều tiết và lập pháp. Các sáng kiến về mở thị trường bán lẻ, thuộc quyền kiểm soát của bang, đều dừng lại kể từ khi xảy ra vụ rã lưới ở California. Một số bang đã mở cửa thị trường giờ đây đang tính đến việc “gài số lùi”. Hình 2 cho thấy hiện trạng ở Mỹ, trong đó đáng lưu ý là nhiều bang đã bắt đầu phi điều tiết và sau đó quay trở lại sau vụ khủng hoảng California và giá điện tăng vọt

Câu hỏi cần đặt ra là những khủng hoảng, mất điện và tăng giá này mang tính cá biệt của việc mở cửa thị trường hay vẫn cứ xảy ra cho dù không mở cửa thị trường? Ở California, giá bán buôn cao đã trở thành thảm hoạ khi các nhà điều tiết giữ không cho giá bán lẻ tăng và do đó đẩy các công ty phân phối vào tình trạng phá sản hoặc gần như phá sản. Điều này khiến cho tình hình càng thêm phức tạp vì giá bán buôn lại bị đẩy lên cao hơn nữa để bù cho khả năng các cơ sở phát điện không được thanh toán là đáng kể.

Vụ mất điện xảy ra năm 2003 tại vùng Đông Bắc là kết quả của các hành động trong khu vực điều tiết, phân phối và truyền tải, chứ không phải là do sự cố trong số các cơ sở phát điện cạnh tranh với nhau. Cuối cùng, như bất cứ ai đến trạm mua xăng hoặc thanh toán hoá đơn tiền sưởi ấm đều biết, những năm gần đây giá năng lượng đều tăng vọt, chứ không riêng gì giá điện. Không có gì đáng ngạc nhiên về mối quan hệ giữa giá năng lượng nói chung và giá điện bởi vì đốt nhiên liệu hoá thạch, đặc biệt là khí tự nhiên, chính là công nghệ được các nhà sản xuất điện mới tham gia thị trường ưu tiên chọn, đặc biệt là những nhà máy vận hành trong giờ cao điểm.

Mặc dầu có những cách giải thích chẳng hề liên quan đến những nhược điểm gắn liền với việc đưa thêm cạnh tranh vào ngành điện nhưng những sự kiện đó đã khiến công chúng và các nhà lập chính sách nghi ngờ về vai trò trong tương lai của cạnh tranh trên thị trường điện. Nguyên nhân sâu xa của sự lầm lẫn này chính là thái độ không dứt khoát của công chúng đối với cạnh tranh trong ngành điện.

Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ: Liệu khách hàng có thực sự mong muốn?

 

NMĐ Brantford Mill (tỉnh Ontario, Canada)     

Một trong những nguyên lý trung tâm theo thế giới quan của các nhà kinh tế là: Có lựa chọn sẽ tốt hơn. Lợi ích của cạnh tranh là ở chỗ có nhiều nhà cung ứng sản phẩm, họ thu hút người tiêu thụ bằng cách chào bán hàng với giá rẻ hơn và có nhiều đặc điểm hấp dẫn hơn. Tuy nhiên các hộ tiêu thụ sinh hoạt xem ra bàng quan với những lợi ích đó. Trừ một số trường hợp ngoại lệ (tỉnh Ontario ở Canađa; các bang Texas và Ohio của Mỹ), các hộ tiêu thụ sinh hoạt ở Bắc Mỹ tỏ ra rõ ràng không muốn từ bỏ nhà cung ứng hiện tại. Những số liệu mới đây về bang Maryland cho thấy rằng trong tháng 10/2006, sản lượng các nhà cung ứng điện mới bán cho các hộ tiêu thụ sinh hoạt chiếm không đầy 2,5% phụ tải đỉnh.

Các cơ sở cạnh tranh mới làm ăn phát đạt hơn nhiều trong các phân đoạn khác của thị trường điện bán lẻ. Sau đây là ví dụ minh hoạ mức độ khó khăn tương đối trong việc thu hút các hộ tiêu thụ sinh hoạt: Các hãng cung ứng cạnh tranh ở bang Maryland cung cấp 69,1% của toàn bộ phụ tải đỉnh thương mại và công nghiệp và tới 94,1% của phụ tải đỉnh đối với các hộ tiêu thụ lớn, cũng thuộc phân đoạn này.

Có rất nhiều yếu tố có thể giải thích thái độ bàng quan của các hộ sinh hoạt, không muốn chuyển sang các cơ sở mới tham gia thị trường. Các quá trình chính trị về mở cửa thị trường bán lẻ nhiều khi bao gồm cả việc kiểm soát giá bán lẻ trong giai đoạn chuyển tiếp. Đôi khi, điều này dẫn đến giá thấp hơn, phản ánh phần nào điều được chờ đợi là giá điện sẽ giảm khi có cạnh tranh, thay vì tăng lên cùng với giá năng lượng nói chung. Thêm nữa, các hộ tiêu thụ thương mại và công nghiệp lớn hấp dẫn hơn đối với các nhà cung cấp mới với hy vọng bán được nhiều hơn, như sẽ nêu dưới đây, có khả năng hơn trong việc trả giá cho các trường hợp bất ngờ như sử dụng điện giờ cao điểm, cho phép ngừng cung cấp điện. Nói một cách đơn giản, chi phí tìm kiếm và đánh giá các đề xuất của những người tham gia mới cũng nhỏ hơn theo tỉ lệ và có nhiều khả năng đáng thực hiện hơn đối với các hộ tiêu thụ điện lớn.

Kinh nghiệm phi điều tiết ở Mỹ và Canađa cho thấy việc thay đổi nhà cung cấp đòi hỏi chi phí lớn cho việc đánh giá nhà cung cấp và đưa ra quyết định, nhiều hộ tiêu thụ sinh hoạt không sẵn lòng chi trả. Tỉnh Alberta (Canađa) là một ví dụ minh hoạ có ích. Sở điện lực Alberta cung cấp biểu đồ giúp các hộ tiêu thụ so sánh các nhà cung cấp thay thế, chỉ ra những thông tin mà khách hàng cần thu thập và cách sử dụng các thông tin này.

Sẽ không ngạc nhiên khi thấy chỉ rất ít hộ tiêu thụ sinh hoạt sẵn sàng thực hiện công việc đánh giá một số lượng lớn nhà cung ứng để chỉ có thể tiết kiệm được vài đô la trong hoá đơn tiền điện. Sở điện lực Alberta đã bỏ hình thức này, nhưng hiện nay cung cấp một website nhiều cấp trong đó hướng dẫn chi tiết về cách đọc và đánh giá các hợp đồng dịch vụ, so sánh các giá. Như Giáo sư Joseph Doucet, thuộc Trường đại học Chính sách năng lượng Alberta nhận xét: “Các hộ tiêu thụ sinh hoạt không hiểu về việc kết cấu lại và xem ra cũng chẳng quan tâm đến việc thay đổi nhà cung cấp điện bán lẻ.”

Tại Ontario, tỉnh còn lại đã mở thị trường bán lẻ, các hộ tiêu thụ sử dụng ít điện có thể và thực tế vẫn mua điện với giá điều tiết cố định.

Theo QLNĐ số 10/2008